Đàn Dược Sư kết hợp cầu nguyện và tu hành

Đàn Dược Sư kết hợp cầu nguyện và tu hành
0:00 / 0:00
0:00
GN - Chúng ta đã an cư được một tháng. Đầu mùa mưa thường có những dịch bệnh, nên pháp an cư của chúng ta vào mùa mưa cũng nhằm khắc phục các dịch bệnh.

Thời Phật tại thế, trong mùa an cư tại tịnh xá Trúc Lâm, bên thành Tỳ Da Ly có một dịch bệnh rất lớn. Các thầy Bà-la-môn đều tổ chức lễ cầu đảo nhưng không có kết quả. Vì vậy, chính quyền thành phố này mới nhờ bà Ambapàli sang tịnh xá Trúc Lâm thỉnh Phật đến thành Tỳ Da Ly để làm cho dịch bệnh chấm dứt, vì các thầy Bà-la-môn chỉ cầu nguyện một chiều nên không hiệu quả. Còn Đức Phật ngoài việc cầu nguyện, Ngài còn có đời sống tu hành rất hoàn hảo, mới giải quyết được mọi khó khăn.

Thật vậy, Đức Phật luôn kết hợp trí tuệ tu chứng của Ngài với phương tiện giáo hóa chúng sanh. Và đặc biệt nhân mùa an cư, chư Tăng giữ tâm được thanh tịnh mà tạo nên từ trường tác động cho xã hội tốt đẹp. Từ trường thanh tịnh hay đó là chư Tăng thanh tịnh hóa thân tâm trong thời gian an cư gọi là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, nghĩa là thân trụ một chỗ, không đi ra ngoài nhiều và cắt bỏ tất cả vọng niệm trong tâm. Khi vọng tâm cắt rồi, từ trường của chư Tăng tạo được ảnh hưởng rộng lớn và tốt đẹp cho xã hội. Vì vậy, Phật dạy rằng nơi nào có chư Tăng cấm túc an cư và sống trong giáo pháp Phật thì cách xa đến 500 do tuần, mọi người vẫn hưởng được cuộc sống an lành.

Điển hình là trong mùa an cư, tuy Phật ở Trúc Lâm, nhưng lực ảnh hưởng của Phật lan tỏa đến thành Tỳ Da Ly khiến cho dân chúng khát ngưỡng mới thỉnh Phật sang cứu độ dân chúng thành phố này.

Phật cùng chư Tăng sang thành Tỳ Da Ly, có vua Tần Bà Sa La tháp tùng và Thánh y Kỳ Bà cùng đoàn bác sĩ cũng đi theo. Vừa sang đến nơi, năng lượng thánh thiện vô cùng của Đức Phật và Thánh Tăng đã khiến cho nhân dân thành phố cảm thấy an lành. Thực tế là Phật và đoàn Thánh chúng vừa tới biên giới thành Tỳ Da Ly, đám mây lớn bỗng nhiên bao phủ cả thành phố và một trận mưa tuôn xuống khiến cho dịch bệnh giảm hẳn. Và phần còn lại nhờ Thánh y Kỳ Bà cùng các thầy thuốc hợp sức chữa bệnh giúp cho dân chúng qua khỏi nạn dịch bệnh. Đó là sự thật được lịch sử ghi nhận.

Từ góc độ của thực tế cuộc sống như vậy, cái thấy theo Đại thừa, cái thấy của người có niềm tin, có căn lành, hay bằng mắt huệ mới thấy xa hơn là thấy có Phật, Bồ-tát, Thánh chúng và cả Thiên long bát bộ. Và từ cái thấy về sự tác động của lực siêu hình mà kinh Dược Sư ra đời.


Truyền hình trực tuyến chư Tăng trì tụng kinh Dược Sư

Kinh Dược Sư nói rằng Đức Phật ngồi dưới cây tiếng nhạc nghĩa là Ngài ngồi ở rừng cây có tiếng nhạc trời vang lên, đó là nhạc không có âm thanh tấu lên, nhưng người có niềm tin vẫn nghe được gọi là không nghe mà nghe. Thực sự thâm nhập được thế giới tôn giáo mới tiếp nhận được hiện tượng kỳ diệu này. Nói cách khác, ngồi yên và lắng tâm thanh tịnh mới thấy vạn vật, thấy có Bồ-tát, Thánh chúng và Bát bộ thiên long.

Người không có niềm tin, không có căn lành thì thấy mọi người ai cũng như ai. Còn người có niềm tin, có căn lành có thể thấy con người thật ẩn sâu bên trong là Phật, là Bồ-tát, là Thánh chúng tỏa sáng ra thân bên ngoài của các Ngài.

Ngoài ra, thực tế cho chúng ta nhận biết rằng trong xã hội, nếu là người xấu, người ác thì sở thích của họ luôn thích nghe những điều xấu, thích thấy những điều ác và tâm của họ tràn đầy những thứ xấu ác khiến họ không bao giờ thấy được việc tốt, người tốt trong xã hội, nên họ luôn nói rằng cuộc đời này chẳng có gì tốt cả.

Cũng vậy, có người nói xã hội Việt Nam không có đạo đức. Thử nghĩ xem phê phán này đúng không. Chắc chắn là hoàn toàn sai lầm. Thiết nghĩ người không có đạo đức mới nghĩ như vậy, nói như vậy. Nhưng người đạo đức nhận xét rằng Việt Nam có đạo đức đứng hàng đầu thế giới.

Cứ nhìn sơ qua thực tế cuộc sống ở nước ta sẽ thấy rõ khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, hãy quan sát xem có nước nào, dân tộc nào tích cực chia sẻ nỗi khổ niềm đau cho những người bất hạnh hơn Việt Nam hay không.

Có thể nói truyền thống đạo đức cực kỳ tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng Phật giáo từ ngàn xưa cho đến ngày nay mà gần như không nước nào có được.

Thật vậy, mặc dù đất nước chúng ta còn nghèo, đời sống người dân còn khó khăn, nhưng nghe nói dịch bệnh Covid hoành hành làm nhiều người chết ở Ấn Độ, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đã góp tiền mua máy móc chữa bệnh tặng dân Ấn Độ. Hoặc chúng ta chung sức giúp tiền của cho nước láng giềng Lào và Campuchia vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Và đặc biệt ở nước ta, các bác sĩ và điều dưỡng đã tích cực ngày đêm cứu sống nhiều người bị dịch bệnh. Đó là sự hy sinh lớn lao của các thầy thuốc và nhân viên y tế Việt Nam.

Ngoài ra, ở nhiều nơi trong TP.HCM và ở các tỉnh trong cả nước cũng có hàng trăm, hàng ngàn suất cơm do các chùa, các đoàn thiện nguyện mỗi ngày dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn như người bán dạo, người nhặt đồ phế thải, người lái xe ôm… Cũng có những chủ nhà đã giảm tiền trọ cho công nhân, sinh viên và còn tặng thực phẩm đóng gói sẵn mang đến từng nhà. Cũng có chùa thực hiện mục tiêu kép là mua hàng chục tấn khoai lang tím Nhật để giúp nông dân bán được sản phẩm trong mùa đại dịch, sau đó nhà chùa đã chở cả chục tấn khoai này đến tặng những gia đình khó khăn ở các vùng xa.

Cũng có những đoàn từ thiện mang thức ăn, hoặc rau củ, gạo mì, bánh trái, nước suối… cho các đoàn y tế chữa dịch bệnh ở nhiều bệnh viện, hoặc mang đến cho người dân ở các khu vực cách ly, hoặc cho những chiến sĩ ngày đêm canh gác ở các đồn biên phòng để ngăn chặn những người bị dịch bệnh xâm nhập bất hợp pháp vào Việt Nam. Cũng có Tăng Ni, Phật tử tình nguyện hiến máu trong giai đoạn vô cùng khó khăn này. Còn nhiều nữa những việc làm vì mọi người trong thời kỳ dịch bệnh không thể kể hết. Tất cả đều thể hiện tình người Việt Nam mang dòng máu đạo đức sẵn sàng giúp đỡ mọi người cùng vượt qua cơn hoạn nạn. Quả là việc làm có ý nghĩa đáng trân trọng và tự hào.

Qua thực tế diễn biến hàng ngày, chúng ta thấy đại dịch Covid-19 ở Việt Nam phần nào được kiểm soát chặt chẽ với ý thức chống dịch và đóng góp công sức, tiền bạc, thực phẩm của đại đa số người dân Việt trong nước và nước ngoài. Đương nhiên đâu đó cũng có người ác vì thế giới Ta-bà mà, nhưng số người ác không nhiều.

Với con mắt của người ác, họ chỉ thấy điều xấu dù chỉ là một việc xấu nhỏ thì họ cũng săm soi, phát tán. Còn cả trăm điều thiện đã bị tâm ác của họ che lấp khiến họ không thấy được. Khổng Tử đã nói suốt đời làm thiện cũng không đủ, chỉ một lần làm ác đã quá dư.

Đức Phật Dược Sư

Đức Phật Dược Sư

Vì vậy, nhìn bằng mắt Phật, bằng tâm Phật thấy ở đâu cũng là Phật, ai cũng là Phật. Nhưng Phật này đã hiện ra hay chưa hiện ra mà thôi.

Nói đến đây, tôi nhớ câu chuyện giữa Phật Ấn và Tô Đông Pha. Tô Đông Pha hỏi ngài thấy ông giống gì. Phật Ấn trả lời ông giống Phật, vì tâm ngài Phật Ấn là tâm Phật, nên ngài nhìn ai cũng là Phật.

Học Phật và nhìn theo Phật, thấy tất cả mọi việc trên cuộc đời đều đáng thương đáng cứu giúp. Đó là điều Tăng Ni, Phật tử cần suy nghĩ.

Thấy vài người ác mà suy ra tất cả mọi người đều ác là sai lầm lớn. Còn rất nhiều việc thiện mà người ác không thấy, vì họ đã mù lòa đôi mắt trí tuệ khiến họ không thấy được việc tốt, người tốt, không thấy được các vị Bồ-tát cứu khổ chúng sanh, không thấy các vị Thánh Tăng tu hành nghiêm mật, kể cả đối trước hàng đệ tử Phật đang dấn thân trên vạn nẻo đường đời gieo rắc hạt giống tình thương và trí tuệ cho mọi người thì người ác cũng mù tịt luôn. Tội nghiệp thay!

Tu theo Phật, phải mở mắt trí tuệ để thấy những điều đáng thấy, những điều cần thấy và từ cái thấy sáng suốt này mà làm được những việc tốt đẹp lợi ích cho cuộc đời. Đó là thể nghiệm hạnh Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa.

Thể hiện lý này, mở đầu kinh Dược Sư, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát hỏi Phật. Trong khi kinh Nguyên thủy, đại diện là A Nan, Xá Lợi Phất, hay vị Tăng nào đó hỏi Phật. Nhưng kinh Dược Sư, Bồ-tát Văn Thù đại diện chúng Bồ-tát hỏi Phật rằng khi Phật còn tại thế, năng lực vô thượng của Ngài cứu chữa được bệnh dịch cho cả thành Tỳ Da Ly. Nhưng sau khi Phật vào Niết-bàn, nếu có tình trạng như vậy xảy ra, phải làm sao.

Kinh Nguyên thủy nói rằng chỉ có Phật và Thánh y Kỳ Bà tới Tỳ Da Ly là chữa được bệnh dịch nên dân chúng trong thành này phát tâm quy y Phật.

Nhưng kinh Đại thừa nhìn bằng niềm tin, nhìn bằng đôi mắt trí tuệ của Bồ-tát Văn Thù thấy xa là thấy có Phật mang thân người tỏa ra năng lượng đạo đức giải quyết được việc khó làm. Và Phật vào Niết-bàn, tứ đại của Ngài cũng mất theo vô thường thì làm sao. Phật mới khuyên chúng ta mở đàn Dược Sư và tụng kinh Dược Sư cầu nguyện, mọi tai ương sẽ vượt qua được.

Một số Tăng Ni, Phật tử nghe Phật dạy như vậy đã mở đàn Dược Sư vào tháng 1, tháng 5, tháng 9 để cầu nguyện. Nhưng nếu chỉ làm chừng đó thôi, chúng ta dễ rớt qua mê tín. Vì cầu nguyện suông, chúng ta cũng giống các thầy Bà-la-môn, hiệu quả nếu có cũng không nhiều.

Phật dạy chúng ta điều quan trọng hơn, rằng tất cả mọi người phải tu. Đàn Dược Sư quan trọng, nhưng tu quan trọng hơn. Vì thế, mở đàn Dược Sư mà thiếu tu thì không có kết quả.

Phải kết hợp đàn Dược Sư với việc tu hành, vì có tu mới sanh công đức thì mới chữa lành bệnh được, Thể hiện ý này, trong kinh Dược Sư có câu: “Dạy người làm phước thì được công đức không thể nghĩ bàn”. Nhưng thực tế nhiều người nặng phần lập đàn treo phan, lại nhẹ phần dạy người làm phước. Tuy nhiên, muốn dạy người làm phước thì phải có trí tuệ.

Vì vậy, Phật mới hướng dẫn chúng ta bằng cách giới thiệu rằng cách đây mười muôn ức cõi nước có thế giới hoàn toàn thanh tịnh tên là Tịnh Lưu ly của Phật Dược Sư. Ở thế giới này, thân tâm của con người thanh tịnh và xã hội cũng thanh tịnh; nói rõ là thân và tâm của cư dân ở đó trong sạch và xã hội cũng trong sạch thì bệnh tật không xảy ra được. Bệnh xảy ra nhiều vì tâm ác của con người quá nhiều và ưa thích làm những việc tội lỗi tạo thành thân tâm không thanh tịnh và hoàn cảnh cũng không thanh tịnh. Ngày nay gọi đó là môi trường sống ô nhiễm, không khí ô nhiễm, dòng nước dơ bẩn, đất đai cũng ô nhiễm nặng tiêu biểu cho thế giới của quỷ ma hay cụ thể là thế giới không văn minh của những người ác với tâm ác và hành động ác.


Nghe pháp thoại: Cầu nguyện sao cho không rơi vào mê tín?

Thế giới của Phật Dược Sư là Tịnh Lưu ly hoàn toàn thanh tịnh. Thanh tịnh hay nói dễ hiểu là không khí trong lành, dòng nước và mặt đất cũng trong lành, sạch sẽ. Ba điều này tạo thành môi trường sống đều thanh tịnh, nên thân tâm con người ở đó cũng được thanh tịnh theo.

Đức Phật Thích Ca đã đưa ra cho chúng ta một số mẫu hình thế giới Phật mà gần chúng ta nhất là thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà và thế giới Tịnh Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư.

Phật nói sau khi Ngài diệt độ, không còn Phật bằng thân tứ đại, thì phải thấy Phật bằng Báo thân và Pháp thân. Vì Báo thân và Pháp thân Phật luôn hiện hữu ở thế giới thường còn bất diệt, thế giới đó không bao giờ mất.

Còn thế giới mà chúng ta đang sống bị chi phối bởi vô thường, có đó rồi mất đó, nên thân mạng con người vô thường và tất cả hiện tượng ở đây đều vô thường, cho đến trái đất này tới một ngày nào đó cũng biến thành mây khói, không còn tồn tại.

Nhưng thế giới của chư Phật do tu chứng được Báo thân là thân phước đức của Bồ-tát và trí tuệ của Như Lai. Kết hợp phước đức và trí tuệ viên mãn tạo thành thế giới bất tử, trong sạch hoàn toàn của chư Phật.

Phật Dược Sư có khả năng chữa lành tất cả bệnh tật. Và Ngài có bảy vị Bồ-tát thượng thủ hỗ trợ là Nhật Quang và Nguyệt Quang dẫn đầu các vị Bồ-tát như Dược Vương, Dược Thượng, Cứu Thoát, Bảo Đàn Hoa và Di Lặc.

Trong khi Đức Phật Thích Ca chỉ có đạo đức cảm hóa người xung quanh, nhưng Ngài cũng đã chữa được dịch bệnh ở thành Tỳ Da Ly. Vì Ngài tập hợp được các người có đạo đức và trí tuệ cùng theo Ngài tới thành phố này. Ngài chỉ đạo mỗi người làm một việc, đóng góp một phần công đức tạo thành kết quả phi thường, chỉ trong vòng 24 tiếng chữa khỏi bệnh cho dân thành Tỳ Da Ly một cách dễ dàng. Đó là đạo lực của Đức Phật.

Xa hơn nữa, Phật nói những gì Đức Dược Sư làm được thì các ông cũng làm được, nhưng vì các ông không chịu tu, không chịu làm lành. Ai tu hành theo Phật đều thành Phật. Mọi người muốn sống hạnh phúc, nhưng cứ tạo nhân khổ đau mới bị bệnh hoạn, ngu dốt, nghèo khổ bao vây. Phật Dược Sư trước kia chưa tu, cũng từ cuộc sống bứt ngặt này mà Ngài phấn đấu đi lên bằng cách thực hiện 12 lời nguyện.

Ngày nay, căn cứ vào 12 đại nguyện của Phật Dược Sư, chúng ta áp dụng vào đời sống tu hành chắc chắn sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp. Trước hết, ba nguyện đầu là điều căn bản nếu không thực hiện thì không thể làm được chín điều còn lại.

Nguyện thứ nhất của Phật Dược Sư là Ngài có hào quang chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới. Hào quang là sự hiểu biết thấy khắp mọi nơi một cách chính xác và biết rõ nguyên nhân xảy ra thì có được cách giải quyết đúng đắn, nhanh chóng. Vì vậy, trước nhất, Phật Dược Sư có nguyện tu hành để biết được tất cả mọi việc trong trời đất. Nhưng muốn hiểu biết cao tột như vậy, phải trở lại pháp căn bản tu hành.

Tu hành đối với cư sĩ, Phật dạy giữ tám phần trai giới. Đối với hàng xuất gia phải giữ giới Tỳ-kheo, Tỳ- kheo-ni và thường sống trong Chánh định. Đương nhiên thường ngày hàng xuất gia đã có Chánh niệm và tăng thêm một bước là có Chánh định, mới phát sinh trí tuệ.

Trí tuệ quan trọng nhất trong đạo Phật. Phật giáo Việt Nam lấy khẩu hiệu duy tuệ thị nghiệp, nghĩa là đời sống của người tu lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Có trí tuệ có tất cả, không có trí tuệ là không có sự nghiệp.

Ảnh tác giả

Một số Tăng Ni, Phật tử nghe Phật dạy như vậy đã mở đàn Dược Sư vào tháng 1, tháng 5, tháng 9 để cầu nguyện. Nhưng nếu chỉ làm chừng đó thôi, chúng ta dễ rớt vào mê tín. Vì cầu nguyện suông, chúng ta cũng giống các thầy Bà-la-môn, hiệu quả nếu có cũng không nhiều.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Lúc tôi mới đi tu, Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi rằng con có thể nhường quyền lợi hay nhường tất cả mọi việc trên cuộc đời cho thiên hạ, nhưng không nhường trí tuệ, không nhường học vấn. Vì trí tuệ là sự nghiệp của đời ta.

Trên bước đường tu, có định là đầu tiên chúng ta tập trung được và đi sâu vào Chánh định, chúng ta thấy được bề trái của cuộc đời, thấy tâm của thiên hạ gọi là chứng Tha tâm thông. Đó là việc quan trọng nhất của Tỳ-kheo, cụ thể là phải biết người xung quanh muốn gì, nghĩ gì, có thể làm được gì thì chúng ta mới theo đó mà khai phương tiện. Hoặc cao hơn nữa, với trí tuệ vô lậu lưu xuất từ thiền định, sẽ biết tất cả hiện tượng trong trời đất và biết cả cách khắc phục.

Thực tế như chúng ta bị dịch Covid-19, nhưng không biết con siêu vi này từ đâu sanh ra nên chữa rất khó. Vì vậy, chúng ta biết việc gần nhất là ngăn chặn nó bằng cách chúng ta phải cách ly, giữ khoảng cách với người khác; nếu không, siêu vi có điều kiện xâm nhập từ người này sang người khác.

Điển hình là mới đầu, ở TP.HCM, dịch bệnh chỉ phát xuất từ một điểm của hội truyền giáo, nhưng chúng ta không biết người này mang bệnh và họ đã gieo rắc dịch bệnh đến khắp nơi. Nếu biết, chúng ta đã chặn được từ đầu. Nhưng từ một người bệnh này lây nhiễm cho toàn thành phố, quận nào cũng có dịch bệnh. Sáng nay thông báo thành phố mình trong một ngày có đến 99 người mắc bệnh dịch.

Đầu tiên chúng ta cách ly, ở yên một chỗ, không tiếp xúc, không nói chuyện thì dịch bệnh không lây sang được. Các chùa đóng cửa, không tiếp khách, dành thì giờ tụng niệm, lễ bái, tham thiền tạo thành sức mạnh tâm linh, sức mạnh của cơ thể, sức mạnh của lực đề kháng của chúng ta, đó là phương pháp rất tốt ngăn chặn dịch bệnh không thể xâm nhập vào mình. Phải tự bảo vệ mình cũng là bảo vệ người khác.

Ngoài việc sống cách ly, Tăng Ni, Phật tử phải đeo khẩu trang để ngăn không cho siêu vi truyền qua mình. Năm trước, một số thầy cười khi thấy chư Tăng về bố-tát đeo khẩu trang, nhưng nay cả thành phố này, ai cũng đeo khẩu trang để giữ sự lành mạnh cho bản thân và cho mọi người.

Hiện nay việc phòng chống dịch bệnh, tiến thêm một bước nữa, các nhà khoa học đã tìm được thuốc tiêm chủng ngừa dịch bệnh. Vì giữ khoảng cách mãi, kinh tế bị đóng băng khiến đời sống nhân dân bị nghèo khổ hơn thì liệu chịu đựng được bao lâu theo cách đóng cửa không tiếp xúc. Phải tìm cách sống yên ổn và phát triển trở lại, không phải lo sợ đại dịch nữa, đó là cách chủng ngừa, tuy chưa được khỏi bệnh 100% thì cũng được 70%, 80%. Giả sử có bị nhiễm siêu vi Corona, bệnh cũng sẽ nhẹ hơn là không chích ngừa.

Đặc biệt dân Việt Nam có đạo đức cao, chúng ta sẵn lòng làm mọi việc ngăn được dịch bệnh. Những việc cần làm ở giai đoạn đầu giúp đỡ nhiều người vượt qua khó khăn, chúng ta đã làm tốt. Đến giai đoạn hai, với tâm Phật, Tăng Ni và Phật tử nên chung sức đóng góp mua vắc-xin để chích ngừa được khoảng 70% cho người dân TP.HCM thì dù còn virus Corona cũng không tác hại nhiều như hiện nay nó đang hoành hành. Và nếu có điều kiện, chúng ta chung tay đóng góp để có thuốc chủng ngừa cho cả nước thì quá tốt.

Tóm lại, Phật dạy rằng khi Ngài không còn trên cuộc đời, giới tu sĩ cố gắng giữ Chánh định và giới cư sĩ giữ tám phần trai giới, cả hai giới này cùng hợp lại để tạo lập đàn tràng thanh tịnh. Đó là khuôn viên thanh tịnh để tụng kinh Dược Sư cầu nguyện và kết hợp với chư tôn đức thanh tịnh thực hành nghi lễ, cùng Phật tử tham dự đàn cũng thanh tịnh mới cảm nhận được thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư và việc cầu nguyện mới có kết quả tốt đẹp, tiếp nhận được lực gia bị của Phật Dược Sư và chư Bồ-tát giúp thân tâm chúng ta an, vượt qua tai ách. Cầu nguyện cho nhân dân TP.HCM, nhân dân cả nước ta và tất cả dân chúng trên toàn thế giới sớm thoát khỏi đại dịch bệnh này, trở lại cuộc sống an vui, phát triển.

Bài giảng ngày 19-6-2021 tại hạ trường chùa Huê Nghiêm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày