Đại lễ Vesak được tổ chức nhằm kỷ niệm sự kiện Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật. Trải qua hơn 2.500 năm kể từ khi Phật giáo được truyền bá từ tiểu lục địa Ấn Độ, hiện nay có khoảng 500 triệu Phật tử trên khắp thế giới. Điều này có nghĩa là thời điểm tổ chức ngày lễ Vesak cũng tùy thuộc vào truyền thống của mỗi quốc gia.
Hơn thế nữa, mặc dù cũng có những điểm tương đồng như trang trí hoa, nến, đèn lồng và các hoạt động thiện nguyện, nhưng ở mỗi quốc gia có phong tục và cách thức tổ chức khác nhau trong ngày đại lễ này.
Trước khi đại dịch Covid-19 ập đến và khiến cho mọi hoạt động đời sống lẫn lễ hội bị gián đoạn, đình trệ, lễ Phật đản luôn được cộng đồng Phật giáo tại các quốc gia tổ chức đầy long trọng.
Nhật Bản: Hana-matsuri
Ngày sinh của Đức Phật trong tiếng Nhật có nghĩa là “lễ hội hoa”, được tổ chức trùng với thời điểm hoa anh đào nở rộ. Hơn nữa, hoa có vai trò quan trọng trong việc kỷ niệm ngày này. Trong các ngôi chùa, người ta rưới trà Amacha - một loại trà ngọt được tạo ra và pha chế từ các loại hoa lên các bức tượng Phật sơ sinh, đồng thời, họ đeo những chiếc vòng được kết từ hoa sen quanh cổ của Ngài. Điều này tượng trưng cho việc hoa và nước từ trên trời rưới xuống để cúng dường Đức Phật khi Ngài đản sanh.
Hàn Quốc: Seokga tansinil
Ngày lễ Phật đản ở Hàn Quốc nổi tiếng với đèn lồng sặc sỡ. Trước ngày lễ một tháng, người ta đã treo những chiếc đèn lồng hình hoa sen ở khắp các đường phố và chùa chiền. Người dân Hàn Quốc cũng có thể treo những chiếc đèn lồng trong các ngôi chùa cùng với tên của chính mình và một điều ước nguyện.
Nổi bật hơn cả là cuộc diễu hành của hơn 100 nghìn chiếc đèn lồng dọc theo tuyến đường dài 3km xuyên qua các con phố của trung tâm Seoul, bao gồm những chiếc đèn hình rồng lộng lẫy, hình của Đức Phật và hàng nghìn lồng đèn hoa sen màu sắc rực rỡ.
Ngoài những chiếc đèn lồng, nhiều ngôi chùa còn cung cấp các bữa ăn miễn phí, nổi bật là bibimbap, một món cơm đặc biệt với nhiều loại rau khác nhau. Các trò chơi truyền thống, múa mặt nạ và biểu diễn nhào lộn cũng được tổ chức bên ngoài các ngôi chùa.
Thái Lan: Visakha Puja
Truyền thống tổ chức Phật đản của Thái Lan chủ yếu xoay quanh các ngôi chùa, Phật tử tụ tập về đây để nghe thuyết pháp và tụng kinh. Họ mang thức ăn, hoa và nến để cúng dường Tam bảo. Điều này tượng trưng cho tầm quan trọng của việc buông bỏ vật chất.
Vào ban đêm, mọi người cầm nến, hoa và hương và đi diễu hành xung quanh chùa. Nhiều người phóng sinh chim hoặc cá vì họ tin rằng làm như vậy có thể tịnh hóa tâm hồn và rửa sạch những điều xấu ác mà họ đã làm.
Indonesia: Waisak
Indonesia là quốc gia có di sản Phật giáo lớn nhất thế giới - Borobudur. Vào ngày Phật đản những năm trước, mọi người tham gia lễ rước Phật bắt đầu tại Mendut - ngôi tự viện Phật giáo lâu đời nhất của Indonesia và kết thúc tại Borobudur. Trước khi đến chùa, một số người còn tẩy tịnh các tượng Phật tại nhà, thăm hỏi người già và tổ chức quyên góp cho những người khó khăn. Ban đêm, họ thả đèn trời và thắp nến.
Sri Lanka: Vesak
Vesak thường kéo dài một tuần tại quốc gia này. Song song với việc cầu nguyện tại các ngôi chùa, mọi người cũng sẽ tạo ra những bức họa lớn phản ánh về cuộc đời của Đức Phật. Ngoài ra, nhà cửa, đường phố được trang trí bởi nến và đèn lồng sặc sỡ.
Mọi người ở khắp mọi nơi - gia đình, nhà hàng hay bất cứ ai có đủ khả năng - mở các quầy hàng gọi là “dansalas” nhằm cung cấp đồ ăn và thức uống miễn phí. Vì không muốn có sự chết chóc trong những ngày Phật đản, tất cả những lò mổ buộc phải đóng cửa.
Nepal: Buddha Purnima hoặc Buddha Jayanthi
Đức Phật được cho là sinh ra tại vườn Lumbini thuộc Nepal ngày nay. Vì vậy, đến ngày này, người dân Nepal thắp nến và làm lễ cầu nguyện tại các tự viện. Phật tử từ khắp đất nước đổ về Swayambhu (tức là chùa Khỉ), vì Vesak là ngày duy nhất địa chỉ thiêng liêng này mở cửa cho du khách.
Để thực hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, mọi người sẽ không ăn thịt và sẽ quyên góp cho người nghèo. Ngoài ra, các thiện nguyện viên sẽ phát một món tráng miệng được gọi là kheer, một loại bánh gạo ngọt tượng trưng cho những gì đã được cúng dường lên Đức Phật khi Ngài kết thúc quãng thời gian tu khổ hạnh.