Đánh phí niềm tin

GN - Niềm tin tuy vô tướng nhưng biểu hiện bằng hành động, ví dụ như niềm tin vào đạo Phật được biểu hiện bằng việc tới chùa, viếng Tổ, hành hương… nên người ta có thể nghĩ ra cách đánh phí.

Đánh phí niềm tin bằng cách thu phí hoạt động viếng chùa, lễ Tổ (Sơ tổ Thiền Trúc Lâm - Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị thiền sư minh triết, vị minh quân, anh hùng dân tộc VN) là một trong những đề nghị mới đây nhất của chính quyền TP.Uông Bí (Quảng Ninh), hay nói đúng hơn là của cá nhân một lãnh đạo của thành phố này. 

Tham Yen Tu.jpg

Yên Tử - nơi niềm tin hội tụ, nên những người con khắp chốn quay về.
Phải chăng, với lượng người đông đúc như thế này là
nguyên nhân để chính quyền nghĩ tới việc thu phí? - Ảnh: Internet

Đánh phí niềm tin, mà niềm tin vốn xuất phát từ cái tâm chơn như, một cách thể hiện sự kính trọng, tôn sùng, và cũng là một lực hút bình an giữa những bậc giải thoát, những bậc Thánh nhân với con người đương thời. Chính vì thế mà khi đề xuất này được đề đạt thì ngay lập tức làm tổn thương niềm tin; nhiều người, nhất là Tăng Ni, Phật tử đã lên tiếng phản ứng, với một mong ước chung là: đừng thu phí hoạt động viếng thăm non Yên Tử.

Từ việc đánh phí này nghĩ tới việc hiểu và thương dân của những người lãnh đạo. Từ ngàn xưa, những bậc minh quân khi lên ngôi liền có chính sách giảm sưu, miễn thuế và ân xá tội nhân. Chính sách và sự quyết đoán ấy phù hợp với lòng dân, được nhân dân ủng hộ và tất nhiên cũng được hậu thế tuyên dương, kính ngưỡng. Quân vương ở ngôi cao vẫn thao thức và thấu hiểu cảnh bần cùng, túng thiếu của người dân nước mình nên mới nghĩ tới việc miễn, giảm, ân xá… để nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng đời sống, từ đó góp tay xây dựng, bảo vệ đất nước. Chính vì thế, dưới triều đại nào cũng vậy, hễ nhà vua là minh quân thì thường lấy đức phục chúng, kết quả là hiền tài quy thuận, ủng hộ để ngôi báu được vững bền.

Luận cổ suy kim, ở các nước trên thế giới, khi bước vào mùa bầu cử, các ứng cử viên tranh cử luôn luôn là người thao thức về nỗi lo-khổ của nhân dân - trong bối cảnh hiện nay là khủng hoảng kinh tế trầm trọng dẫn tới chất lượng cuộc sống người dân bị giảm sút. Vì vậy, ứng cử viên tranh cử nghĩ ra hàng trăm phương cách để vực dậy nền kinh tế đất nước, cũng có nghĩa là đưa ra chính sách (sẽ làm) nhằm lấy lòng nhân dân.

Mỗi lá phiếu cử tri bỏ cho một ứng viên nào đó đều là gửi gắm niềm tin của người dân với lãnh đạo - sẽ làm cho người dân bớt khổ vì kinh tế bấp bênh, đời sống bị ảnh hưởng. Và, người lãnh đạo thương dân thì sẽ không chỉ nói cho có, lấy lòng dân bằng lời hứa mà bằng hành động thiết thực như những bậc minh quân đã từng làm, trong đó có chế độ thuế má, ưu đãi, tạo sự thông thoáng cho người dân trong các khoản thu để người dân không phải mang thêm gánh nặng!

Nghĩ về người lãnh đạo, những đại biểu của nhân dân, đã nhận được sự tín nhiệm của nhân dân trong từng lá phiếu và niềm thao thức lo cho dân của họ làm cơ sở cho việc đặt niềm tin của dân; từ đó mới thấy, có những đại biểu nhân dân đã “đánh phí” niềm tin này bằng những chính sách (đề xuất cá nhân) đi ngược lại với quyền lợi người dân. Chẳng hạn như việc thu các khoản phí về xe máy, tăng thuế thu nhập, tăng giá nhanh hạ giá từ từ, nhỏ giọt… mà các Bộ Tài chánh, Giao thông Vận tải… ở nước ta đã đề xuất, đã thực thi, gây nên dư luận rầm rộ thời gian qua.

Cử tri sẽ đặt câu hỏi rất thực tế rằng, nếu là người đại diện nhân dân sao không hiểu người dân đang khó khăn, thu nhập không đủ sống thì sao lại tận thu bằng các loại thuế không đâu vào đâu, nhất là khi tiền thuế người dân sử dụng không đúng mục đích, thất thoát vì nạn tham nhũng vẫn là “chuyện thường ngày”.

Cũng vậy, khi người đại biểu của dân đề xuất thu phí - loại phí niềm tin (rất đông đảo Tăng Ni, Phật tử phải chịu) chắc chắn sẽ khó được lòng dân!

>> Đề xuất thu phí thăm Yên Tử

Châu Nhi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày