GN - Ở đời, “Kính thầy mới được làm thầy”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” là đạo lý sống, là tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt và của nhân loại tiến bộ nói chung.
Đời người mấy ai sống tới trăm năm nhưng sự nghiệp trồng người lại xấp xỉ thời gian ngần ấy (vì lợi ích trăm năm trồng người). Điều đó chứng tỏ chúng ta cần liên tục học tập, trau dồi, hướng đến chân thiện mỹ cho đến trọn đời. Và như thế, mỗi chặng đường của cuộc sống chúng ta đều có những vị thầy khác nhau. Trừ những thiên tài, còn hầu hết chúng ta phải có thầy, vì “Không thầy đố mầy làm nên”. Vì vậy, người thầy có vị trí quan trọng chỉ đứng sau cha và mẹ, “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, cả thầy và trò đều có nghĩa vụ và trách nhiệm riêng... - Ảnh minh họa
Trong đạo, sự tôn kính vị thầy được nâng lên tầm thâm ân nan báo, “Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”. Vì sao vậy? Nếu thầy cho ta cuộc sống đời thường thành đạt thì ân sư chỉ cho ta con đường hướng thượng không chỉ trong đời này mà cả đời sau đều được hạnh phúc an vui. Nhất là, tôn sư có thể hướng đạo cho ta vượt lên thế thường, trở thành Hiền Thánh ngay trong cuộc đời này. Sau mùa An cư kiết hạ, chư vị ân sư của chúng ta thêm tuổi đạo. Sự tăng trưởng tuổi đạo chính là sự vun bồi phước báo và kết tinh công đức tu hành Giới Định Tuệ, làm chỗ nương tựa cho muôn loài.
“Một thời Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người. Bấy giờ, vào lúc thích hợp, Ðức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành khất thực. Lúc bấy giờ tại thành La-duyệt-kỳ có con trai của trưởng giả tên là Thiện Sinh, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành, đi đến khu vườn công cộng sau khi vừa tắm gội xong, cả mình còn ướt, hướng đến các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới mà lạy khắp cả.
…
Phật lại bảo Thiện Sinh:
- Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm việc: 1-Hầu hạ cung cấp điều cần. 2-Kính lễ cúng dường. 3-Tôn trọng quý mến. 4-Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch. 5-Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên.
Kẻ làm đệ tử cần phải thờ kính sư trưởng với năm điều ấy.
- Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử: 1-Dạy dỗ có phương pháp. 2-Dạy những điều chưa biết. 3-Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi. 4-Chỉ cho những bạn lành. 5-Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.
Này Thiện Sinh, nếu đệ tử kính thuận, cung kính sư trưởng, thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ”.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Thiện Sinh, số 16 [trích])
Theo tuệ giác của Thế Tôn, cả thầy và trò đều có nghĩa vụ và trách nhiệm riêng. Mỗi người đều cố gắng hoàn thành sứ mạng của mình. Nói dễ hiểu là thầy phải ra thầy mà trò cho ra trò. Dĩ nhiên, hàng đệ tử phải tôn kính bậc ân sư, được thể hiện bằng kính thuận thông qua năm việc cung phụng sư trưởng (1-Hầu hạ cung cấp điều cần. 2-Kính lễ cúng dường. 3-Tôn trọng quý mến. 4-Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch. 5-Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên). Những điều này nếu hàng đệ tử có hạnh, có tâm và có trí thì có thể làm được vài phần hay toàn phần.
Có lẽ, cái khó trong việc thực hành lời Phật dạy là làm thầy chứ không phải làm trò. Bậc thầy không chỉ có tâm mà phải có tầm. Có tâm là giàu nhiệt huyết, thiết tha với sự nghiệp trồng người, là tâm nguyện “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”. Nhưng chỉ có tâm thôi chưa đủ mà cần phải có tầm. Tầm ở đây là tri thức và đạo đức, nếu ở đời. Trong đạo, tầm là am tường các pháp học, có kinh nghiệm pháp hành, nói chung là trải nghiệm và thân chứng Tam học giới định tuệ.
Muốn trao truyền cho học trò, đệ tử thì thầy phải có cái để trao truyền. Đây là thách thức không nhỏ cho người thầy. Hàng học trò chúng con luôn kính thuận các bậc thầy, và các bậc thầy cũng luôn hết lòng thương tưởng, giáo hóa hàng đệ tử. Được như vậy thì đạo nghĩa thầy trò luôn bền vững, và “phương ấy được an ổn không có điều lo sợ”.
Quảng Tánh/ Báo Giác Ngộ số 1066