Đạo từ của Đức Pháp chủ GHPGVN tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học VN

Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đạo từ tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - Ảnh: Đồng Phát
Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đạo từ tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - Ảnh: Đồng Phát
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay, 19-10, Đức Pháp chủ GHPGVN đã quang lâm chứng minh Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học VN (1989-2024) do Hội đồng Quản trị Viện tổ chức tại pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Tại đây, Đức Pháp chủ đã đạo từ trước toàn thể. 

Báo Giác Ngộ trân trọng giới thiệu nội dung quan trọng này đến Tăng Ni, Phật tử và bạn đọc quan tâm.

Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học VN và hội thảo về Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu tổ chức tại pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ngày 19-10-2024 - Ảnh: Nguyện Truyền
Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học VN và hội thảo về Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu tổ chức tại pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ngày 19-10-2024 - Ảnh: Nguyện Truyền

"Tôi xin tán dương công đức của Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN.

Nhân đây, tôi có một số suy nghĩ muốn chia sẻ với quý vị.

Việc phiên dịch, ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam là nguyện vọng của các bậc tiền bối cũng như của Tăng Ni và Phật tử chúng ta hôm nay. Do đó, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (1981), chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đã nghĩ ngay đến việc thành lập Viện Nghiên cứu Phật học VN và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam.

Đến nay, trải qua 35 năm (1989-2024), Viện Nghiên cứu Phật học VN đã làm được một vài việc đáng khích lệ, những thành tựu có được đó là nhờ công đức cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Viện trưởng sáng lập. Ngài là người dày công nghiên cứu Phật giáo Nam truyền, làm gạch nối giữa Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam. Những công trình của ngài đóng góp lớn cho Phật học Việt Nam; giúp Tăng Ni, Phật tử chúng ta có cái nhìn từ Đại thừa Phật giáo về Nguyên thủy Phật giáo một cách xuyên suốt. Đây là công đức rất lớn mà ngài đã làm được và để lại cho chúng ta hôm nay.

Tuy nhiên, nền tảng Phật giáo Việt Nam chúng ta là Phật giáo Đại thừa, lấy việc xây dựng đất nước, phát triển dân tộc, dấn thân hành đạo làm lý tưởng trên hết. Với tinh thần đó mà tiền nhân của chúng ta đã dấn thân trên con đường truyền thống hộ quốc an dân, khiến thế giới thán phục. Đó là nhờ tinh thần Đại thừa dấn thân hành đạo, vì lợi lạc cho cu­ộc đời.

Dấn thân đi vào cuộc đời mà không đánh mất lý tưởng giải thoát giác ngộ, đó là vì chúng ta không xa rời Phật giáo Nguyên thủy - những lời dạy căn bản của Đức Phật.

Chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật đã dạy những gì Ngài nói như nắm lá trong tay, còn những gì Ngài biết và muốn trao truyền cho chúng sanh thì như lá trong rừng, sinh động như cuộc sống của nhân loại bao đời tiếp nối từ thế hệ sang thế hệ khác. Do vậy, con đường lý tưởng là không xa rời Phật giáo Nguyên thủy nhưng phải có tầm nhìn Đại thừa thì mọi thứ mới vận hành theo hướng phát triển, điều đó đúng ở quá khứ, thích hợp ở hôm nay cho đến mãi về sau.

Với nền tảng tư tưởng như thế thì Phật giáo Việt Nam mới tồn tại trên đất nước này, mới có thể đóng góp cho Phật giáo thế giới. Đó là trách nhiệm lớn mà Viện Nghiên cứu Phật học VN phải ý thức để có thể tiếp nối sự nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu để lại.

Tôi mong Hòa thượng Thích Giác Toàn và tất cả huynh đệ hôm nay trách nhiệm điều hành Viện Nghiên cứu Phật học VN kết nối, mời thêm các nhà nghiên cứu, các Tăng Ni có trình độ học thuật, thực học vào trong các trung tâm, ban chuyên môn để thực hiện, thúc đẩy công tác nghiên cứu của chúng ta sâu rộng hơn nhằm đóng góp thiết thực cho Phật giáo nước nhà, đồng thời góp phần thêm sự phong phú cho Phật giáo quốc tế.

Cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho chư tôn đức luôn được an lành và trí tuệ".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày