GNO - Chúng tôi có duyên du lịch Bangkok - Pattaya với thời gian 5 ngày 4 đêm, ngoài tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố nghỉ mát Pattaya, mua sắm ở Trung tâm vàng bạc đá quý lớn nhất tại Thái thuộc Hoàng gia quản lý, chúng tôi lần lượt đến các nơi danh thắng Phật giáo...
Tượng Phật 5,5 tấn ở chùa Phật Vàng (Wat Traimit) - Bangkok
Viếng thăm cố đô Ayutthaya: Năm 1767, Thái Lan bị ngoại bang xâm lược, nên nhiều đền đài bị tàn phá, các tượng Phật nhỏ dưới 1m phần lớn bị giặc lấy mất đầu vì nghi có vàng trong đó. Theo sử sách ghi lại, từ năm 1350, Ayuthaya vô cùng hoành tráng với quần thể 11 đền đài nay chỉ còn là phế tích.
Chúng tôi lần lượt chiêm bái trong Wat Mahathat - có một đầu tượng Phật nằm trong chùm rễ cây bồ-đề với khuôn mặt đẹp, thanh thoát mang lại cảm giác bình an cho mọi người; rồi đến ngôi chùa Phra Mong Khon Bo Phit nay chỉ còn nguyên vẹn tôn tượng Đức Phật tọa thiền, cao 12m, ngang hơn 9m, được tôn tạo trong giai đoạn 1448 - 1602.
Tại Wat Lokaya Sutha còn tôn tượng Phật nhập Niết-bàn; Wat Phra Sisanpeth còn ba ngôi mộ cổ tháp kiểu Ceylonese (Sri Lanka) cao sừng sững bên nhau - là nơi cất giữ tro cốt của ba vị vua trị vì trong thời kỳ Ayuthaya…
Chiêm bái Wat Saman Rattanaram: Đây là một kiến trúc đặc biệt chỉ có ở đất Thái, nơi đây thờ theo tín ngưỡng của Phật giáo, Ấn giáo, Đạo giáo. Chánh điện có tôn tượng Đức Phật, phía trước có một bình bát khá to, du khách đến lễ bái.
Tại đây, bạn có thể đến lễ bái tôn tượng Đức Quan Thế Âm lộ thiên và tôn tượng ngài Tam Tạng pháp sư cùng 9 vị cao tăng bậc nhất của Thái; cạnh bên bờ sông còn có tòa sen lớn trăm cánh. Vào sâu du khách tham quan tượng voi khổng lồ, cao 16m, dài 22m - đây là tượng thần được người Thái thờ xem như các tượng thần Giáo Dục, Trí Tuệ… thuộc Ấn giáo cùng các công trình của Đạo giáo như Thái Thượng Lão quân, ông Tơ, bà Nguyệt...
Chiêm bái chùa Yai Chaimongkhon: Chúng tôi được chiêm bái một trong tứ động tâm là nơi thờ tôn tượng Đức Phật nhập Niết-bàn, mọi người thỉnh vàng mỏng để dát vàng lên tôn tượng, cung kính đảnh lễ và thì thầm niệm Phật; kế đến lễ bái ở chánh điện (tạm), dâng hoa lên Phật và góp phần công đức trùng tu chánh điện.
Tiếp đến, chúng tôi tham quan ngọn tháp cao 60m, được xây trên một nền cao với hai ngọn tháp nhỏ hai bên cùng được tôn trí hai tôn tượng Đức Phật lộ thiên. Sau khi ra về dưới những tán cây râm mát, lòng ai cũng cảm thấy nhẹ tênh, lâng lâng…
Tham bái Trân Bảo Phật Sơn - Núi Phật Vàng (Khao Chee Chan): Từ TP.Pattaya, xe chạy khoảng 15km là đến chùa Núi Phật Vàng. Ban sơ đây là ngọn núi hùng vĩ, công trình được khởi công ban đầu rất khó khăn trong việc xẻ núi nhằm tạo sự bằng thẳng để chiếu bằng tia laze khắc tượng lên vách núi tạo tôn tượng Đức Phật bằng vàng ròng, cao 130m, rộng hơn 70m.
Công trình được hoàn thành vào năm 1996 nhằm đón mừng lễ Đức vua Rama IX trị vì vương quốc Thái Lan được 50 năm. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy một sợi dây từ chánh điện ở mặt đất chạy thẳng lên núi, đó là sự truyền luồng cảm ứng của các bậc cao tăng, liên tục cầu nguyện từ khi khởi công cho đến khi tôn tượng hoàn thành viên mãn.
Đoàn tại chùa Phật Núi
Tham quan Đồi vọng cảnh: Đây là đỉnh của ngọn núi cao nhất Pattaya. Đường đi lên đồi mỗi lúc mỗi dốc. Tôi vừa đi vừa niệm Phật để không quan tâm đến độ cao, thế là đến đỉnh mà không thấy mệt. Nơi đây, được dựng bức tượng ngài Đô đốc Hải Quân nhìn ra biển rất là uy dũng. Đứng ở đây bạn phóng tầm mắt bao quát thành phố Pattaya và ngắm cảnh trời biển bao la tuyệt đẹp.
Trởi lại thủ đô Bangkok vào ngày thứ tư, chúng tôi đi xuống phố đến tham bái đền thờ Phật tứ diện. Ngày cuối, chúng tôi đến chiêm bái chùa Phật Vàng (Wat Traimit). Tại đây, chúng tôi được mời đến căn phòng để gặp vị Sư người Thái đọc bài kinh ngắn và vẫy nước chúc phúc. Di chuyển sang chiêm bái chánh điện có thờ tôn tượng Đức Phật tọa thiền bằng vàng khối, cao 3m, nặng 5,5 tấn với nét đẹp tỏa sáng ánh từ quang. Tôn tượng được đúc vào thời hoàng kim của Ayutthaya, trong thời đại Sukhothai (khoảng thế kỷ 13 - 15) là giai đoạn phát triển và nổi tiếng của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của Thái Lan.
Trước chánh điện Phật Vàng
Tương truyền, quân xâm lược cướp phá cố đô, nhà vua phải rút lui, sợ tượng vàng sa vào tay giặc, ngài lệnh cho quân lính phủ lên tôn tượng một lớp bê-tông. Sau này tượng được đặt tại chánh điện chùa Choti-Naram dưới thời vua Rama III (1824 - 1851). Năm 1931, ngôi chùa này bị bỏ hoang...
Mãi cho đến năm 1950, khi Sư trụ trì chùa Phật Vàng được báo mộng mới đi tìm tôn tượng. Qua một vết nứt, Sư trụ trì nhìn thấy một tia sáng màu vàng lóe lên và tôn tượng từ đó được cởi bỏ lớp bê-tông để trở về nguyên vị tôn tượng Phật Vàng và được tôn trí ở chánh điện cho Phật tử khắp nơi chiêm bái.
Nguyên tôn tượng nặng 5 tấn vàng khối, sau đó được Hoàng gia và dân chúng cùng tạo lập thêm tòa sen cho Phật ngự nặng 500kg vàng.