Dấu hiệu nhận diện của người tu

GN - Phải thống nhất với nhau rằng: người cư sĩ Phật tử không nên nói lỗi của người xuất gia bởi ý niệm, lời nói, hành động chỉ lỗi ấy sẽ gây tổn hại đến con đường tiến tu của chính người nói lỗi.

Chiếc áo tâm linh.jpg

Chiếc áo của người tu là chiếc áo giải thoát - Ảnh minh họa

Tác giả Nhật Nguyệt trong bài Chiếc áo tâm linh (GN 636) cũng khẳng định người tu dù sao cũng hơn hàng cư sĩ rất nhiều khi chọn con đường xuất thế, do đó, người cư sĩ không có tư cách để luận bàn phải quấy, chỉ trích hàng xuất gia. Đó là chưa nói, việc luận bàn, chỉ trích lầm lỗi của người Phật tử thường xuất phát bởi tâm phàm phu (tâm chúng sinh) nên sẽ chứa đựng lòng sân giận, si mê, và đương nhiên không có chánh niệm, dễ dàng tưới tẩm hạt giống tham-sân-si trỗi dậy, làm tổn hại cho đến đánh mất chơn tâm tu hành trên bước đường học-hành theo lời Phật dạy.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phớt lờ trước những lời chia sẻ có tính chất góp ý và khá sát với thực tế (mắt thấy tai nghe) về hình ảnh tu sĩ thời hiện đại. Đức Phật không cấm tu sĩ sử dụng phương tiện để giáo hóa, thậm chí còn khuyến khích, và Ngài đã khẳng định hầu hết trong các kinh với đại ý rằng: nếu phương tiện mà hóa độ được chúng sinh đi theo chánh đạo, liễu thoát sanh tử, hoằng dương Chánh pháp… thì cần thiết, không hư dối.

Do vậy, việc sử dụng các phương tiện mà cụ thể là ứng dụng khoa học vào đời sống tu học, hoằng pháp, giáo dục… là điều tối ư cần thiết, phù hợp với thời đại hầu làm cho đạo Phật nhập thế, đi vào lòng quần chúng sâu rộng. Nhưng, phương tiện như thế nào để không trở thành lạm dụng, để tránh hiểu lầm về đời sống người xuất gia thiểu dục tri túc và nhất là tránh để người ác ý với đạo dựa vào đó mà công kích, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Tăng đoàn là điều phải suy nghĩ.

Ngày xưa, thời Đức Phật còn tại thế, Ngài dạy hàng đệ tử phải biết tùy thuận chúng sanh, tùy thuận quốc độ mà có ứng xử khác nhau, sao cho phù hợp với chúng sanh để rồi từ đó trao ánh sáng Phật pháp giác ngộ họ. Nên, khi chư Tăng Ni sống trong một cộng đồng, nhất là cộng đồng mở, kết nối xuyên quốc gia như hiện nay thì lối sống, ứng dụng các phương tiện cũng phải tùy thuận như thế. Khi Phật tử phản ứng về “chiếc áo” người tu quá sang trọng, nghĩa là hình ảnh người tu đã không thật gần gũi, không thật đi vào lòng người và tự động thu hẹp đối tượng tiếp cận trong công tác hoằng pháp.

Cụ thể, số đông Phật tử còn nghèo khó sẽ khó đến gần người xuất gia khi người tu sĩ ấy quá sang trọng; ngoài ra, nếu chùa to, Phật lớn quá thì chúng sanh có khi cũng khó đến để gieo duyên vì tự nghĩ mình không xứng đáng để tới nơi quá sang trọng (theo cách nghĩ bình thường của con người). Không phải ai cũng hiểu đạo, hiểu về Tăng đoàn một cách thấu đáo nên người tu không thể cứ lấy hai chữ “phương tiện” để bao bọc cho một hình thức “sáng chói” của mình.

Trong Tương ưng bộ II, chương 10, phần Nanda Đức Phật đã dạy Tôn giả Nanda khi Tôn giả đắp y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ mắt, cầm bát sáng chói như sau: “Như vậy không xứng đáng cho ông, này Nanda, là con nhà lành, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, lại mang những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ con mắt và cầm bát sáng chói. Như vậy là xứng đáng cho ông, này Nanda, là con nhà lành, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, tức là sống trong rừng, sống bằng khất thực, sống mặc y phấn tảo và sống không mong đợi các dục vọng”. Với phần này, tác giả Quảng Tánh trong lời bàn cũng khẳng định: “… một khi nội tâm chưa thật sự thúc liễm để đạt được thanh tịnh thì sự xun xoe áo mão bên ngoài trong chừng mực nào đó cũng cần nhưng không thiết thực”.

Và tất nhiên, y cứ theo lời Phật dạy cũng như theo góc nhìn trung dung về người xuất gia, việc thiết thực nhất chính là như ngài Nanda đã làm sau khi nghe lời dạy của Đức Phật: chuyển sang nếp sống thanh bần (phù hợp với thực tế thời đại). Thiết nghĩ đó cũng là một trong những yếu tố nhận diện người tu vốn đã được Đức Thế Tôn dạy từ khi khai sinh Phật đạo!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày