Dấu xưa Thập Tháp Di Đà

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1271 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1271 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Năm Đinh Tỵ (1677), sau những ngày theo thương thuyền lênh đênh trên biển, Thiền sư Nguyên Thiều đặt bước chân đầu tiên đến xứ Đàng Trong, khởi đầu cho những năm tháng hành đạo trên đất Việt.

Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) dừng bước trước hết ở phủ Quy Ninh. Tại đây, ngài đã kiến lập nên ngôi chùa Thập Tháp Di Đà để tịnh tu và hoằng dương giáo pháp trong suốt 5 năm, trước khi rời Quy Ninh ra Thuận Hóa theo lời mời của Hiền vương Nguyễn Phước Tần.

Vào năm 1680, từ cơ sở ban đầu, chùa Thập Tháp được Thiền sư Nguyên Thiều hưng công xây dựng, 3 năm sau thì hoàn thành. Sau khi ngài Nguyên Thiều ra Thuận Hóa, ngài Tánh Đề Đạo Nguyên (1656-1716) kế đăng trụ trì chùa Thập Tháp, rồi các đời Tổ sư nối tiếp xiển dương đạo mạch của thiền phái Nguyên Thiều, phát triển rộng khắp vùng Nam Trung Bộ, vào tới Nam Bộ. Ngôi chùa Thập Tháp Di Đà cũng được trùng tu, mở rộng qua nhiều đời để trở nên một ngôi tổ đình bề thế, tồn tại cho đến ngày nay.

Hoành phi Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự

Hoành phi Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự

Tổ đình Thập Tháp Di Đà, hay còn được gọi với cái tên phổ biến và vắn tắt hơn là tổ đình Thập Tháp, nay tọa lạc trên địa phận huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định với lối kiến trúc đặc sắc, là sự tổng hòa giữa lối kiến trúc tự sở bề thế, trang nhã pha lẫn nét thuần phác của dân gian. Chùa tựa lưng vào đồi Long Bích, thuộc khu gò Thập Tháp, mặt nhìn về hướng Đông. Theo ghi chép, khu vực gò Thập Tháp vốn có mười ngọn tháp của người Chiêm Thành xây dựng, khi ngài Nguyên Thiều đến đây kiến lập đạo tràng, mười ngôi tháp này vẫn còn, do vậy mà địa danh được lấy làm tên chùa.

Trải hơn ba trăm năm, với nhiều lần sửa sang, xây dựng bổ sung, quy mô của tổ đình Thập Tháp cũng phát triển thêm trước khi có được một tổng thể như hiện tại với các công trình: chánh điện, tổ đường, phương trượng, giảng đường,… Trong đó, ngôi chánh điện tổ đình Thập Tháp được xây dựng với bộ rường nhà ba gian hai chái lớn, đặc trưng của nhà truyền thống vùng Nam Trung Bộ. Những bức vách xây bằng gạch Chăm, với chi tiết trang trí, vách cửa mang đậm dấu ấn địa phương.

Chánh điện tổ đình Thập Tháp

Chánh điện tổ đình Thập Tháp

Bên trong chánh điện chùa Thập Tháp có 9 khám thờ, tôn trí trong các khám thờ là những bộ tượng Phật, Bồ-tát, chư vị Tổ sư, La-hán vô cùng đặc sắc về nghệ thuật tạo hình. Đặc biệt phải kể đến bức hoành phi Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự do chúa Nguyễn Phước Chu ban cho chùa được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh xảo và cặp đối liễn do chúa Nguyễn Phước Khoát ngự đề hiện treo hai bên gian giữa có khám thờ Tam thế Phật.

Bộ tượng thờ Thập bát La-hán

Bộ tượng thờ Thập bát La-hán

Một công trình đặc biệt khác phải kể đến trong tổng thể kiến trúc tổ đình Thập Tháp đó là ngôi phương trượng tổ đình được Bộ Công của triều đình xây dựng để cúng dường Quốc sư Phước Huệ (1870-1945), trú trì đời thứ 12 của tổ đình Thập Tháp. Các công trình chính của tổ đình Thập Tháp được bố trí bao quanh sân bông thành hình chữ Khẩu, lối xây cất khá phổ biến của các ngôi tự viện lớn tại miền Trung.

Ngoài kiến trúc đặc sắc và hệ thống đồ tượng mang giá trị cao về nghệ thuật, tổ đình Thập Tháp hiện còn lưu giữ hệ thống liễn đối, bia chí, văn khắc đặc sắc về mặt tư liệu cùng với kho mộc bản đồ sộ gồm 833 ván khắc với niên đại từ thế kỷ XVII đến XX.

Hậu tổ tôn trí long vị Tổ sư Nguyên Thiều cùng lịch đại Tổ sư truyền thừa thiền phái

Hậu tổ tôn trí long vị Tổ sư Nguyên Thiều cùng lịch đại Tổ sư truyền thừa thiền phái

Qua tháng năm thăng trầm, ngôi tổ đình Thập Tháp vẫn vững chãi trước bao biến thiên, đổi dời. Bảng lảng trong khói hương quyện tỏa là vọng âm những giai thoại được dân gian kể đi kể lại bao đời về những ông cọp từ núi xuống quanh vườn chùa, về tiếng khóc đêm trăng nơi hòn đá chém kê nơi thềm phương trượng.

Bình phong trước phương trượng Tổ đình

Bình phong trước phương trượng Tổ đình

Nhưng hơn hết, thanh quy chốn Phật môn vẫn được bao thế hệ chư Tăng trú xứ tại đây nối tiếp gìn giữ. Trong khung cảnh thâm nghiêm u tịch, hồng chung ngân vọng mỗi sớm mai, trống sấm chuyển rền mỗi chiều tối, lời kinh tiếng kệ, nhịp tán âm tụng vẫn đều đặn vang lên mỗi ngày, để nếp cũ nhà thiền còn được truyền lưu mãi, người xa có chỗ nương về, mặc cho thế thời biến động đổi thay.

Hoành phi "Đại hùng điện"

Hoành phi "Đại hùng điện"

Nét kiến trúc hòa quyện giữa chút hoa mỹ, tôn nghiêm của tự sở và thuần phác dân gian

Nét kiến trúc hòa quyện giữa chút hoa mỹ, tôn nghiêm của tự sở và thuần phác dân gian

Tổ đình Thập Tháp lưu giữ một kho tàng hoành phi, liễn đối phong phú

Tổ đình Thập Tháp lưu giữ một kho tàng hoành phi, liễn đối phong phú

Còn lại với thời gian

Còn lại với thời gian

Mặt tiền nhà phương trượng với những cột trụ được đắp nổi dây nho đầy trang nhã

Mặt tiền nhà phương trượng với những cột trụ được đắp nổi dây nho đầy trang nhã

Tiếu tượng Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán và tôn tượng Lục tổ Huệ Năng

Tiếu tượng Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán và tôn tượng Lục tổ Huệ Năng

Khám thờ Quốc sư Phước Huệ trong nhà phương trượng

Khám thờ Quốc sư Phước Huệ trong nhà phương trượng

Bao thế hệ chư Tăng nối tiếp gìn giữ nếp sống Thiền môn

Bao thế hệ chư Tăng nối tiếp gìn giữ nếp sống Thiền môn

"Đất vắng đài thêm cổ..."

"Đất vắng đài thêm cổ..."

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày