Để con được là chính mình

0:00 / 0:00
0:00

GN - Cuối tháng 10 qua, buổi tọa đàm về phương pháp dạy con đã được tổ chức tại không gian Đường sách TP.HCM, với sự góp mặt của TS.Phạm Thị Thúy, TS.Nguyễn Thị Thu Huyền, ThS.Tô Thị Hoàng Lan và cô giáo Vũ Thị Thu Hằng - đồng tác giả của bộ sách Dưỡng trí não con tinhChăm trái tim con ấm.

Với kinh nghiệm giảng dạy về tâm lý, làm công tác sư phạm ở nhiều nơi, bốn cô giáo đã có những chia sẻ về việc yêu thương con đúng cách, để làm thế nào, cả con và ba mẹ đều hạnh phúc…

sgb 1.jpg

Bốn tác giả sách và bà Dương Ngọc Hân - biên tập SaigonBooks nói về việc thương con đúng cách

Đừng so sánh con với ai cả

Điều đó đã được ThS.Tô Thị Hoàng Lan nhấn mạnh khi kể chuyện học tiếng Anh của con mình. Đó là một hành trình mà người mẹ như chị đã kiên nhẫn dõi theo. Theo chị Lan, mỗi đứa trẻ để đạt mục tiêu nào đó cần phải có một quá trình khác nhau. “Mình không thể ép con mình phải giỏi ngay như con của một ai đó vốn có năng khiếu cao hơn về lĩnh vực này”, ThS.Tô Thị Hoàng Lan nhận định.

Còn cô giáo Vũ Thị Thu Hằng cho rằng không nên đem cái khung của con người khác đặt vào con mình vì nó không phù hợp. Theo chị Hằng, “phụ huynh phải nới rộng vùng chấp nhận của bản thân đối với trẻ để có thể giúp con phát triển đúng đắn”. Trả lời cho câu hỏi làm gì khi đứa trẻ có những hành vi gây chú ý, hoặc khủng hoảng tuổi lên 3, chị Hằng cho biết: “Hãy lờ đi những hành vi sai và khuyến khích hành vi đúng. Một đứa trẻ, để quen với hành vi nào đó, cần phải có 20 lần lặp lại”. Cô giáo Vũ Thị Thu Hằng ví dụ những hành vi cần khuyến khích đối với trẻ như đọc sách, đi ngủ đúng giờ, biết cảm ơn, chia sẻ…

Nói về những điều được cho là tốt mà phụ huynh hay áp đặt con mình làm theo, TS.Phạm Thị Thúy nhấn mạnh, cái tốt đối với người này chưa hẳn tốt với người kia và đặc biệt còn cần phải phù hợp nữa. Mỗi trẻ có tính cách, năng khiếu riêng, vì vậy phụ huynh phải lắng nghe để nhìn thấy cái nào phù hợp với con mình thì mới khuyến khích con phát triển theo thiên hướng đang có.

Đồng quan điểm trên, TS.Nguyễn Thị Thu Huyền nói: “Đầu tiên phải tôn trọng chấp nhận trẻ như nó vốn dĩ. Tôi hay nói với phụ huynh rằng anh chị hãy nhìn kỹ con mình, đừng nhìn con người khác. Quan sát để thấy rõ con có điểm mạnh là gì, yếu là gì, có bé nhanh điểm này mạnh điểm khác… để từ đó có sự giáo dục trong gia đình phù hợp”.

Kỷ luật là trừng phạt?

Trả lời câu hỏi có một phụ huynh không dùng kỷ luật để uốn nắn, do vậy cả năm trời vẫn không thể đưa trẻ đến trường được, liệu đó có phải là tôn trọng, chấp nhận trẻ không, cô giáo Thu Hằng cho rằng, phải phân biệt giữa yêu chiều và nuông chiều. Yêu chiều là hướng dẫn con đi giày, nuông chiều là đi giày thay con. Không thể có chuyện chiều theo tất cả những đòi hỏi của con và cho rằng đó là thương con. Làm như vậy không phải là thương đúng cách.

“Chúng ta dạy, tử tế là điều tuyệt vời, nhưng đầu tiên con phải tử tế với chính mình. Và sự tử tế chính là không khuất phục trước mọi đòi hỏi vô lý của người khác. Như vậy, việc không đưa trẻ tới trường theo yêu cầu của con khi con tới tuổi đi học không thể nào xem là sự tử tế được”, cô giáo Vũ Thị Thu Hằng nói.

Tiếp lời, TS.Phạm Thị Thúy nhấn mạnh về cái uy và ân của người làm cha mẹ. “Phụ huynh nhận ra và thực hiện cái ân - không trừng phạt con khi con không đáp ứng yêu cầu, nhưng chưa dùng đến cái uy - đưa trẻ vào khuôn phép. Không thể có chuyện con là vua và bố mẹ phải chạy theo”, chị giải thích.

Buổi tọa đàm cũng trao đổi về việc dùng hình phạt với trẻ, có phụ huynh cho biết đã “xích” con trên xe vì con hiếu động, rồi có cô giáo la mắng học sinh đến nỗi bạn này không dám đến trường… Cả bốn tác giả đều thống nhất với nhau ở chỗ kỷ luật không phải là trừng phạt, bởi trừng phạt chỉ làm chấm dứt hành vi sai trái một cách tạm thời, điều quan trọng hơn là sự kiên nhẫn để hướng dẫn trẻ hành vi đúng.

Theo đó, cách yêu thương con chưa đúng thể hiện ở hai trường hợp: quá chiều con hoặc quá nóng giận mà phạt trẻ. “Phụ huynh và thầy cô giáo phải hết sức mềm mỏng, kiên nhẫn và kiên định để giáo dục trẻ thì mới có thể giúp con phát triển cả trí não lẫn tâm hồn”, TS.Thúy chia sẻ.

Nhân đây, ThS.Tô Thị Hoàng Lan nói thêm về việc thầy cô giáo cũng chịu nhiều áp lực nên khi lên lớp có thể trút xuống học trò những lời nói, việc làm thiếu kiềm chế, thậm chí phản giáo dục - dẫn đến việc các em sợ hãi khi đến lớp, ức chế, tổn thương… Theo chị Lan, thầy cô hay phụ huynh đều phải có hành vi đúng và làm cho mình an trong khi thực hiện chức phận dạy con hay học trò mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.

Thông tin hàng ngày