GN - Các nghiên cứu thực hiện trên đối tượng trẻ sinh đôi cho thấy chỉ có khoảng 25% sự lạc quan của chúng ta “được lập trình bởi yếu tố gene”; phần còn lại đều do cách chúng ta phản hồi lại những trải nghiệm mang “vị chát đắng” của cuộc sống.
Nếu bạn có xu hướng cảm thấy bất an và bi quan về những căng thẳng, áp lực của cuộc sống, cũng đừng lo lắng quá mức. Chúng ta thật sự có thể rèn luyện để não bộ trở nên tích cực hơn.
Đã có nghiên cứu gợi ý rằng sự lạc quan có thể được đẩy mạnh hay trưởng dưỡng thông qua một số hình thức rèn luyện. Điều này mở ra khả năng rèn luyện sự lạc quan ở mỗi người và mang lại sự cải thiện ấn tượng, có lợi cho sức khỏe thể chất, tinh thần và tuổi thọ của con người - các nhà khoa học nói rõ.
Chỉ cần khoảng 30 phút thiền tập mỗi ngày liên tục trong thời gian 2 tuần lễ
cũng có thể quan sát thấy những thay đổi tích cực đối với não bộ - Ảnh minh họa
Tại Trung tâm Tâm thức Khỏe mạnh Davidson (Madison), các chuyên gia nghiên cứu não bộ của các nhà sư Tây Tạng, là các môn đồ của Đức Dalai Lama đã phát hiện rằng: Hàng chục ngàn giờ hành thiền đã làm thay đổi cấu trúc và chức năng não bộ của các nhà sư.
Tuy nhiên, chúng ta không phải dành cả đời người thiền tập mới có thể nhìn thấy sự thay đổi này. Theo đó, chúng ta chỉ cần khoảng 30 phút thiền tập mỗi ngày liên tục trong thời gian 2 tuần lễ cũng có thể quan sát thấy những thay đổi tích cực đối với não bộ của mình.
Các hình thức rèn luyện tâm thức này dạy cho chúng ta nhiều điều, làm thay đổi chức năng và cấu trúc não bộ theo cách chúng ta khuyến khích những phẩm chất và giá trị tích cực. Đây chính là yếu tố quan trọng tác động tích cực đến thân (cơ thể) của chúng ta.
Có nhiều cách để rèn luyện não bộ theo hướng tích cực được các chuyên gia rút ra từ nghiên cứu, như sau:
1. Hãy nghĩ về phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình
Đây chính là một trong những cách hiệu quả nhất làm tăng tính lạc quan cho con người, được gọi là phương pháp Best Possible Self.
Với phương pháp này, bạn tưởng tượng bản thân mình trong tương lai khi bạn thành tựu được các mục tiêu cuộc sống và giải quyết được tất cả các vấn đề cá nhân.
Một kỹ thuật được áp dụng trong phương pháp này là viết 15 phút về một ngày trong tương lai của bạn, về những điều ước mơ được hiện thực hóa. Sau đó dành ra khoảng 5 phút để nghĩ về thực tế đó. Thực hành như thế mỗi ngày sẽ giúp cải thiện được các cảm xúc nơi bạn.
Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy, các sinh viên thực hành theo phương pháp này khoảng 15 phút mỗi tuần trong thời gian 8 tuần có cảm xúc tích cực và các cảm xúc này kéo dài đến tận 6 tháng sau.
2. Ghi lại những điều tích cực trong cuộc sống hàng ngày
Nhiều người trong chúng ta có thể dễ dàng kể ra những cảm xúc tiêu cực đã xảy ra với mình trong ngày nhưng lại bỏ qua những điều thuận lợi, tốt đẹp của mình.
Đó là lý do vì sao việc ghi chép lại những trải nghiệm tích cực mỗi ngày có thể giúp hình thành cái nhìn lạc quan nơi bạn.
3. Hãy biết ơn
Dành ra vài phút mỗi ngày để viết ra hay nhớ lại những điều khiến bạn cảm thấy biết ơn, điều này giúp bạn cải thiện được cái nhìn về cuộc sống hiện tại và tương lai của mình.
Nhiều nghiên cứu đều cho thấy thực hành lòng biết ơn có thể giúp cải thiện các kỹ năng thích ứng với hoàn cảnh, bẻ gãy lối suy nghĩ tiêu cực điển hình, giảm thiểu sự bi quan và chán nản. Đếm những điều tốt đẹp có được cũng giúp làm dịu đi các vấn đề ứng xử ở thanh thiếu niên.
4. Thực hành sự chánh niệm
Đây là một trong những sự thực hành giúp nuôi dưỡng sự trân trọng, nhận định đúng đắn đang được nhiều người áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Hãy lan chuyển sự thực hành chánh niệm của bạn đến với những con người tỉnh giác trong cuộc đời mà từ những người đó bạn nhận được sự giúp đỡ nào đó. Hãy lan chuyển sự thực hành chánh niệm của bạn vào tâm và trân trọng sự quan tâm, khích lệ và hỗ trợ hay bất cứ điều gì tốt đẹp mà những con người tỉnh giác mang đến cho bạn.
Và tất cả những sự trân trọng này giúp thúc đẩy ý niệm lạc quan về tương lai.
Cũng giống như thể dục, chánh niệm sẽ cần được thực hành một cách thường xuyên để giúp não chúng ta duy trì sự hình thành cái nhìn tích cực. Và kết quả đạt được rất xứng đáng cho sự nỗ lực của bạn.
Đây chính là cách trưởng dưỡng tâm hồn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Trần Trọng Hiếu chuyển ngữ
(Theo Cnn Health)