GN - Bốn năm trước, khi mọi thủ tục hoàn tất, từ Mỹ tôi lên đường đi Canada thăm tu viện Chân Nguyên như lời đã hứa với huynh đệ trong một buổi dự tang lễ của một Phật tử.
Mùa đông năm ấy, trong không khí của tình huynh đệ và chén trà Bắc, chúng tôi trao đổi huyên thuyên nhiều chuyện về công việc ở hải ngoại. Tu viện là một khu đất rộng với công viên rừng bao bọc, chẳng có nhà dân xung quanh để can dự sự yên tĩnh. Tôi cùng anh em dạo quanh vòng khu đất với chén trà nóng trên tay, đầu đội mũ, tay mang găng, áo quần kín mít.
Tôi nói: "Trăng rằm tháng Bảy đẹp quá phải không "thầy" V.Đ?
Anh nhoẻn miệng cười, nói nhỏ: “A Di Đà Phật” - Ảnh tác giả cung cấp
Những ngày đầu đông của vùng Vancouver xứ Canada đón tôi trong một cái lạnh nhè nhẹ. Trong lúc chúng tôi đi tản bộ, tuyết bắt đầu rơi. Từng bông tuyết rơi và bay tạt ngang khi có những cơn gió thi thoảng thổi từ phía sau cánh rừng. Tuyết rơi mỗi lúc một đều hạt hơn, nhưng không vì vậy mà chúng tôi dừng bước chân đi. Bởi mỗi chúng tôi đều biết “Anh em đang có mặt với nhau, trong giây phút hiện tại” - đó là sự nhiệm mầu và hạnh phúc.
Nói, cười, đi, thỉnh thoảng lại đứng lại ngắm nhìn thứ gì đó. Chú điệu để chóp lẽo đẽo theo sau, tay cầm bình trà inox, lắm lúc chú cũng cười ngặt nghẽo phô ra hàm răng sún một chiếc trong câu chuyện tiếu lâm của sư huynh chú.
"Chén trà trên hai tay
Chánh niệm dâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây".
Trên con đường tản bộ cùng nhau ấy, chúng tôi đã đứng ngắm nhìn một cây anh đào già cỗi, nó đã trơ cành. Mùa thu qua đã lấy đi của nó tất cả lá vàng. Thân chỉ còn là những chiếc cành khẳng khiu, tuyết rơi bám đầy trên thân nó. Nhìn cây cũng tuyệt đẹp trong hình thái ấy.
Đ. đã nói với tôi về cây anh đào này, mùa xuân nó ra hoa nhiều hoa và rất đẹp. Ngắm thân nó xù xì và gốc lớn, hẳn tôi biết nó vững chãi đến thế nào. Tôi buột miệng chia sẻ hai câu thơ kinh điển với Đ. và anh em đi chung: “Nếu chẳng một phen sương tuyết lạnh/ Hoa mai đâu dễ tỏa mùi hương…”. Một mùa đông qua sẽ un đúc, trui rèn cho sự chịu đựng và thành quả sẽ là sự bừng sáng tuyệt diệu của mùa xuân…
*
Tôi cũng vài lần thỉnh thoảng sang thăm mọi người khi có việc. Không lần nào đi Canada mà không ghé tu viện. Ở nơi xứ xa của quê người này, tình người vốn là thứ xa xỉ nói chi đến tình huynh đệ, quý nhau thì tìm đến nhau trong tình Linh Sơn chứ họa hoằn mạnh ai nấy sống, có nể trọng thì cũng cái cười chào, chắp tay xá nhau một cái rồi nhà ai nấy ở, chuyện ai nấy làm. Rất khó để thật sự đối đãi như cái thật, nếu như không phải tổ chức này, phe nhóm nọ.
Tôi vẫn hay thưa với thầy Viện trưởng rằng, cứ đứng ra ngoài mọi tổ chức thì sẽ được yên thân, ai thương quý thì tìm đến nhau để uống trà, không thương quý thì cứ “như thị” hay “kính nhi viễn chi” cho mọi thứ nó nhẹ nhàng. Chính vì thế, thầy Viện trưởng rất quý khách đến thăm và luôn thích anh em có cơ hội được ngồi bên nhau ăn một bữa cơm “thật quê như bên nhà”; chả là gì cả ngoài dăm đọt rau luộc, vài miếng đậu khuôn… ấy mà lại ấm áp.
Vừa rồi tôi qua thăm, đại chúng ở đó đãi rau muống luộc, cà pháo dầm tương, tôi ăn mà cứ tủm tỉm cười vì thấy bóng dáng quê mình ở đây, trong tình anh em.
Đầu năm trước, tôi nghe tin Đ. “ra đời”, cởi bỏ chiếc áo mà anh ấy thích. Tôi thoáng chốc bàng hoàng nhưng rồi cũng nghĩ lại biết đâu đây lại là cuộc chơi. Tôi đã gọi cho anh ấy ba ngày sau đó, tất nhiên không hỏi lý do của việc “dứt áo ra đi” ấy, mà đơn giản chỉ là những lời hỏi thăm như thường lệ, xem như không biết chuyện gì xảy ra. Đến giữa năm, tôi có việc sang bên ấy, nghĩ bụng sẽ hỏi chuyện và khuyên Đ. quay lại con đường cũ. Nhưng lúc ấy tôi chợt cảm nhận đây chưa phải là lúc và chưa thật là thời điểm thích hợp chín muồi. Song vẫn dọ hỏi những người quen biết Đ. về tình trạng hiện giờ của anh.
Vừa rồi sau một khóa tu, tôi chủ động gọi điện xin một cuộc hẹn. Anh nói 10g tối, sau khi đi làm ra sẽ gặp. Tôi vui vì cuộc hẹn được đồng ý. Điều tôi lo lắng là sợ Đ. mặc cảm không muốn gặp mặt và sợ nhất là không muốn chia sẻ chuyện đã qua. Nhưng không phải thế... Hơn 10g15 anh ấy có mặt. Chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều. Tôi biết anh ấy đã rất sẵn lòng để chia sẻ và rất cần người hỗ trợ tinh thần cho quyết định của anh ấy.
Tôi chỉ nói một điều “Phật dạy: Kẻ có trí là kẻ biết đi từ bóng tối ra ánh sáng…”, hãy quay về lại con đường mình đã lựa chọn trước kia. Anh ấy chỉ nhoẻn miệng cười khi tôi nói: “Hãy xốc dậy tinh thần của mình để đi tiếp Đ. nhé…”. Nghiệp báo, chông gai hay điều tiếng thị phi… nào rồi cũng sẽ qua; chẳng có thể nào cản nổi con đường mình đã chọn. Sương tuyết lạnh đâu dễ làm con người ta nhụt ý chí, cản trở chí quyết tâm đến cùng. Mà trái lại, nó vun bồi cho sự chịu đựng vượt qua… Và, cửa cho bậc Thánh sẽ tiếp tục được mở ra cho những ai biết quay về.
Tôi tiễn anh về trong đêm khuya. Trăng tháng 7 tròn vành vạnh giữa trời Bắc cực. Trước khi đóng cửa, tôi đã nhắc lại cái điển tích hoa mai trong sương tuyết ấy và đọc tặng anh bốn câu kệ:
“Phật là vầng trăng mát
Đi qua trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần”.
Tôi nói: "Trăng rằm tháng Bảy đẹp quá phải không "thầy" V.Đ? Anh nhoẻn miệng cười, nói nhỏ: “A Di Đà Phật”.
Cùng Tử (Hoa Kỳ)