Di tích chùa tháp bị lãng quên

Từng sở hữu những cổ tự nổi tiếng một thời của Phật giáo xứ Đàng Trong, được Vua Minh Mạng sắc danh là “Linh Thái sơn”, nhưng nơi đây hiện chỉ còn là đống đổ nát và đang cần sự chung tay góp sức để phục dựng các di tích. Đây không chỉ là nhu cầu tâm linh, mà còn là nghĩa vụ đối với đất nước, dân tộc.

04-di-tich-16309-300.jpg

Thắng cảnh của quốc gia

Vượt đầm Cao Đôi mênh mông, chạy dọc theo bãi Tiểu Trường Sa nằm sát biển Đông ngút ngàn quanh năm sóng vỗ, đến gần cửa biển Tư Dung (nay là Tư Hiền) bỗng thiên nhiên bày phép lạ, đột ngột khởi lên nơi đây một ngọn núi nhỏ, cao chừng 150m, hình thù trông giống như con rùa đang bò hướng ra biển cả.

Ngọn núi xinh đẹp ấy, năm 1837 đã được Vua Minh Mạng sắc danh là Linh Thái sơn, và chẳng biết từ lúc nào được người dân đặt tên là núi Rùa hay núi Cổ Rùa. Trên đỉnh núi còn sót lại dấu tích của Thiền Tĩnh viện, chùa Linh Hòa và chùa Trấn Hải, những cổ tự nổi tiếng một thời của Phật giáo xứ Đàng Trong.

Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt nhìn quanh, du khách thật sự ngỡ ngàng trước địa thế đặc biệt của núi Linh Thái: Nằm sát bên cửa biển Tư Dung về hướng Nam, lấy Thúy Vân làm thế gối đầu ở hướng Tây, phía Bắc giáp đầm Thủy Tú thông ra cửa Thuận An; phía Nam tiếp ngọn Vĩnh Phong phát xuất từ dãy Trường Sơn ôm sát chạy ra tận biển, núi Rùa nổi lên giữa đầm phá Cầu Hai mênh mông, xa xa phía trước là núi Bạch Mã, núi Truồi, rồi đến hòn Doi, hòn Cạnh... Tất cả đã làm cho núi Rùa có đủ trời nước núi mây, tạo thành cảnh trí của một hòn non bộ vừa tĩnh mặc vừa trầm hùng giữa phong vân hòa cùng âm ba của biển cả. Chính vì có địa thế đặc biệt như vậy nên từ lâu, cùng với núi Thúy Vân, núi Rùa đã trở thành thắng cảnh nổi tiếng “tứ khí hiển linh”, vừa là nơi “chân như thắng tích”, thu hút mặc khách tao nhân.

Núi Rùa, vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần, có tên chữ là Quy sơn, Linh sơn hay Hãn Môn sơn. Mùa hạ tháng Tư năm 1667, một hôm ngự giá ra chơi cửa biển Tư Dung, thấy Quy sơn có thế núi đẹp và biết ở đây vốn có một ngọn tháp của Chiêm Thành nổi tiếng linh thiêng, chúa đã sai Thủ bạ Trần Đình ân đốc suất quân lính dựng một ngôi chùa phía đằng sau tháp. Xây xong, chúa đặt tên chùa là Vinh Hòa và cho mở hội trên núi bảy ngày đêm.

Quy sơn từng được chúa Nguyễn Phúc Tần đặt tên là Quy Cảnh sơn và lập trên núi một thiền viện gọi là Thiền Tĩnh viện hay Quy Kính thiền viện. Chúa cũng đã nhiều lần cho mở đạo tràng lớn, mời Thiền sư Hương Hải ở đảo Tiêm Bút La, tức cù lao Chàm, Quảng Nam, về thuyết pháp tại đây.

Linh địa thu hút mặc khách tao nhân

Nằm sát bên núi Linh Thái là cửa biển Tư Dung. Khi cửa Thuận An chưa được khai thác, đây là cửa biển duy nhất và quan trọng của Thuận Hóa trong việc giao lưu chính trị, kinh tế với nước ngoài. Tư Dung không chỉ là cửa biển chiến lược, mà còn là một cảnh quan lý tưởng. Đọc Tư Dung vãn của Đào Duy Từ, ta không khỏi ngỡ ngàng trước cái nhìn tinh tế của người xưa khi ông mô tả cảnh đẹp nơi đây:

Khéo ưa thay, cảnh Tư Dung!
Cửa thâu bốn bể nước thông trăm ngòi.
Trên trời tinh tú phân ngôi
Đêm treo thỏ bạc ngày soi ác vàng.
Dưới thời sơn thủy khác thường,
Động thời ấy nước, thái hàng kia non.

Các Thiền sư Trung Hoa nổi tiếng như Hoán Bích Nguyên Thiều, Minh Hoằng Tử Dung, Đại Sán Thạch Liêm... sau những lần đến hoằng pháp tại Thuận Hóa, ngang qua cửa biển Tư Dung đều ghé thăm Quy sơn.
Do chiến tranh, chùa Vinh Hòa và Thiền Tĩnh viện đều trở thành hoang phế. Gần 200 năm sau, vào triều Minh Mạng, năm 1836, nhân lần ngự giá ra chơi cửa biển Tư Dung, thấy di tích cũ hoàn toàn đổ nát, chỉ còn lại bức bình phong quân sự, nên vua đã cho trùng tu chùa. Sau lần trùng tu này, vua đã đặt tên chùa là Trấn Hải, đồng thời đổi tên núi thành Linh Thái sơn. Ngoài ra vua còn cho dựng thêm lầu Vọng Hải, có vệ binh phòng ngự để trấn ngự cửa biển Tư Dung.

Di tích chùa tháp bị lãng quên

Trải qua chiến tranh, các di tích cũ đến nay đã hoàn toàn bị đổ nát, khiến ta rất khó có thể xác định được vị trí của Vọng Hải, Thiền Tĩnh viện và chùa Trấn Hải, tức chùa Vinh Hòa cũ. Nằm xuôi theo triền núi là một đống gạch vụn có cây bồ đề mọc ở trên.

Trong đống đổ nát này, có một am đá bị chôn vùi sâu chừng 2m. Trong am có tượng Phật kiết già bằng đá bị gãy phần thân trên, chỉ còn lại bán thân phần dưới. Cũng xuôi theo triền núi về hướng Đông Nam xuống thêm chừng 20m có hai phiến đá nằm cách nhau không xa mấy, mỗi phiến chu vi chừng 0,5m. Phiến thứ nhất có hình bệ của một tòa sen và phiến kia là hình trái khế có 8 cạnh. Cả hai phiến đá này đều không thấy có khắc chữ gì. Phải chăng đây là hình chóp của một ngọn tháp có từ thời Champa?

Theo người dân địa phương, năm 2002, trong đống phế tích cũ trên núi Linh Thái vẫn còn sót lại nhiều pho tượng Phật và một tấm bia có khắc chữ Chàm bằng đá. Tiếc là tấm bia và các pho tượng Phật bằng đá ấy đến nay đã không còn.

Hiện nay tại chùa Hải Triều, cách núi Linh Thái về phía Nam chừng 700m còn tôn trí một bức phù điêu có khắc chữ Chàm bằng đá. Phù điêu này do các Phật tử vớt lên từ hồ Tam Bạc nằm trong vùng núi Linh Thái và thỉnh về thờ tại đây. Nằm dưới chân núi Linh Thái, ở ngã ba hướng đi từ đường làng ra biển, đến nay vẫn còn dựng một tấm bia đá, cao khoảng 0,5m. Lòng bia khắc ba chữ Hán Linh Thái sơn. Bia do vua Minh Mạng sắc danh, lạc khoản đề Minh mạng thập thất niên, tức năm 1836, cùng niên đại với việc vua cho dựng chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân.

Cần sớm phục dựng các di tích

Nhìn xuống cửa Tư Dung, núi Linh Thái có vị trí của một trấn đài hải, gìn giữ một cửa biển chiến lược của đất nước. Những dấu tích của người xưa thể hiện tầm nhìn chiến lược của cha ông đối với ngọn núi lịch sử này nay chỉ là những đống đổ nát. Đến thăm núi Linh Thái, du khách không khỏi khắc khoải mong muốn nhìn lại những hình ảnh xưa. Nỗi niềm ấy không chỉ để thỏa mãn một tình hoài cổ, mà còn nhằm hun đúc ý chí giữ biển, giữ đất, bắt chước tiền nhân.

Xét như thế, việc phục dựng các di tích trên núi Linh Thái không chỉ là một nhu cầu tâm linh, mà còn là một nghĩa vụ đối với đất nước, dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày