Đi tìm người thương

Nhu yếu của con người là mong muốn tìm ra được người mình yêu thương và được đáp lại tình thương ấy một cách chân thật, thủy chung. Nếu con người sống trên cõi đời này mà thiếu vắng tình thương yêu thì kể như vô vị, chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Do đó, đi tìm đối tượng phù hợp về lối sống và tính cách để được thương yêu chăm sóc sớm chiều là vấn đề vô cùng trọng đại, ít ai có thể lơ là, buông trôi.

Người thương, không hẳn là người xinh đẹp hoặc có bằng cấp địa vị cao trong xã hội mà chỉ cần người ấy có khả năng thấu hiểu và chấp nhận được lối sống của bạn! Nếu như bạn lỡ dại thương yêu một ai đó vì sắc đẹp, vì giàu sang quyền quý nhưng tính cách giữa hai người không mấy hợp nhau thì chẳng đem lại kết quả tốt đẹp như bạn hằng mong muốn. Vì vậy, đi tìm được một mẫu người tương thích như ý muốn mà mình đặt ra là cả vấn đề hết sức khó khăn, vất vả. Trong thực tế không có ai hoàn hảo cả, người được mặt này thì lại yếu kém về mặt nọ, hay nói cách khác, bản chất của mỗi con người đều có các đức tính tốt đẹp và xen tạp những ý niệm xấu xa khó lường. Nếu trong hiện tại chúng ta không biết tu tập soi chiếu lại chính mình thì những hạt giống phiền não tiêu cực kia sẽ dễ dàng phát khởi và xâm chiếm tâm hồn. Cũng chính vì lẽ đó, cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng: 

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được điều phục. Tâm không được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn. Và ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được điều phục. Tâm được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn” (Tăng chi bộ kinh, chương I, phẩm Không điều phục).

PHAT HOC.jpg

Thật rõ ràng, nếu chúng ta không biết cách nhận diện, điều phục và làm chủ được tâm ý mình thì mọi hành động, nói năng ứng xử trong cuộc sống sẽ tùy thuộc vào cái ta tham ái chấp thủ, và dĩ nhiên là đưa tới bất lợi, khổ đau. Ngược lại, khi một người thường trực quán sát thân tâm và chuyển hóa được các ý niệm tiêu cực xấu ác thì mỗi việc làm của họ đều đem lại lợi ích an vui cho cuộc đời. Do đó, phẩm chất toàn hảo của con người được biểu hiện trọn vẹn hay không là tùy vào việc tu niệm và chuyển hóa của mỗi người ngay trong đời sống hiện tại.

Vậy thì, bạn muốn đi tìm mẫu người lý tưởng để thương yêu và được cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, nhưng trong khi đó tâm ý tham vọng chấp ngã của bạn chưa được điều phục, liệu tình thương yêu ấy có đem lại hạnh phúc toàn vẹn hay không? Bởi lẽ, khi chung sống với một người không mấy phù hợp thì bạn sẽ tìm cách tránh né, loại bỏ để đi tìm đối tượng khác. Đến khi chọn lựa được người dễ thương xinh đẹp hơn thì bạn lại lo lắng sợ mất và tìm đủ mọi phương cách để chiếm giữ. Như thế, cả hai trường hợp trên đều khiến cho bạn bất an và khổ sở. Mặt khác, mọi thứ trên cuộc đời này luôn luôn thay đổi, không có gì thực sự tồn tại lâu dài. Thân tâm của chúng ta sinh diệt biến đổi trong từng giây từng phút cho nên mới dẫn đến sự già nua và tật bệnh. Hoàn cảnh cuộc sống cũng vô thường không khác, có người giàu sang sung sướng rồi lại nghèo khổ túng thiếu, những mối tình tan vỡ chia cách vẫn thường xuyên xảy ra, và trong thiên nhiên các sự kiện sóng thần, động đất, bão lụt xảy ra khắp nơi không ai có thể lường trước hết được. Sự thật của đời sống này là như thế, cho nên dù bạn cố công gìn giữ, níu kéo để cho tình yêu mãi mãi sắt son bền vững thì cũng không thể được. Khi chúng ta nhận thức được điều này thì cho dù gặp bất cứ sự việc gì xảy ra cũng không khiến cho ta phải ngỡ ngàng và sầu khổ.

Thực ra, người thương chỉ có mặt đích thực khi bạn biết buông xuống cái ta lăng xăng tìm cầu, buông xuống chọn lựa cái này hoặc loại trừ cái kia, hay nói cách khác khi trong tâm bạn hoàn toàn vắng bóng cái ta phân biệt, kỳ thị thân sơ thì bạn dễ dàng mở lòng thương yêu tất cả mọi người. Bởi vì, bản chất của các pháp vốn bình đẳng, trong sáng không có sự phân chia tốt xấu, hay dở chỉ vì chúng ta sống trong thất niệm mê lầm, không thấy rõ thực tánh tự nhiên của các pháp nên mới tạo ra chuỗi dài sầu, bi, khổ, ưu não… Vì lẽ đó, cho nên khi Tổ Huệ Năng nghe được câu kinh “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Kinh Kim cang) thì ngài thốt lên rằng:

“Hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh,

Hà kỳ tự tánh bổn bất sanh diệt,

Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc,

Hà kỳ tự tánh bổn vô động diêu,

Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp”.

Dịch nghĩa:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,

Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,

Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,

Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.

(Kinh Pháp bảo đàn - HT.Thích Thanh Từ dịch)

Theo tuệ giác của Tổ Huệ Năng thì các pháp vốn đã hoàn chỉnh, chúng luôn luôn vận hành đúng với nhân quả tội phước mà ta đã tạo ra trong hiện tại. Mọi sự vật hiện tượng luôn luôn biến đổi, không có cái gì thực sự đứng yên một chỗ. Dòng sông, đám mây, cơn mưa, cây cỏ, ánh nắng mặt trời… chúng có mặt trong nhau, làm nên nhau và không có một cái ta riêng biệt độc lập, cũng chẳng có đối tượng để cho cái ta bám víu trụ chấp. Hay nói cách khác, khi tâm thức của bạn không dựng lập nên chủ thể (cái ta) thì đối tượng (của ta) cũng không hiện hữu và như thế bạn sẽ ung dung tự tại sống “tùy duyên thuận pháp”. Để được như thế, bạn chỉ cần có mặt trọn vẹn với những gì mà mình đang tiếp xúc, buông xuống thói quen phản ứng định đoạt để tùy thuận theo tiến trình diễn biến của thực tại đang là. Mỗi khi bản ngã tham sân si không còn hiệu lực chi phối lên đời sống, lúc bấy giờ khả năng chấp nhận và thương yêu của bạn mới thực sự trọn vẹn, vượt ra khỏi ranh giới chọn lựa lấy bỏ. Và nhờ đó, bạn không cần phải bỏ công sức để đi tìm người thương ở đâu cả, vì ở nơi bạn đã sẵn có tình thương yêu đích thực.

Trong thực tế, khi bạn muốn thương yêu một ai đó trước hết bạn phải biết thương lấy chính mình. Nếu bạn không biết thương yêu chăm sóc thân tâm của mình cho lành mạnh, trong sáng thì làm sao bạn có thể thấu hiểu và cảm thông đối với những người khác? Ví dụ, khi người nào đó nói về bạn một câu hơi nặng lời, nếu giây phút ấy bạn thiếu khả năng trầm tĩnh, sáng suốt để thấy rõ nguyên nhân của sự việc xảy ra thì bạn sẽ phản ứng trong sự bực bội hoặc chạy trốn hiện thực. Và như thế, bạn không thể trải nghiệm được những bài học thiết thực từ cuộc sống, nên khả năng chấp nhận và lòng thương yêu của bạn đối với mọi người chung quanh sẽ bị hạn hẹp. Cho nên trở về với chính mình, chuyển hóa những hạt giống xấu trở thành tốt, làm tươi mát vườn tâm của mình là vấn đề chính yếu cần phải thực thi để cho vườn tâm tuệ giác trong ta được dễ dàng biểu hiện.

Thiết nghĩ, niềm khát vọng của con người là muốn được nhiều người hoặc một ai đó thấu hiểu, cảm thông và sớm hôm cùng nhau yêu thương, chia sẻ tâm tình là vấn đề hết sức quan trọng không thể thiếu. Tuy nhiên, lòng mong ước này chỉ được thành tựu khi bạn biết chấp nhận những yếu kém của kẻ khác và đặc biệt buông xuống cái ta và cái của ta thì tình thương yêu chân thực tức thời hiện hữu. Hơn hết, bạn không cần phải chờ đợi hay là tìm cầu người thương ở đâu cả, bởi vì sự có mặt của người thương chỉ tùy thuộc vào thái độ sống tỉnh thức trọn vẹn của bạn ngay tại đây và bây giờ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày