Đi tìm Thánh Gióng của thời đại

Từ Hào Anh đến Jordan Romero

Vào ngày 1 tháng 6 hàng năm, chúng ta đều tổ chức các lễ hội cho thiếu nhi, một cách để chứng tỏ xã hội vẫn rất quan tâm đến thế hệ đời sau. Nhưng ngày ấy sẽ vui biết mấy mà không cần lễ hội, không cần diễn văn, nếu trên các báo không còn nói đến tệ nạn "ăn bám trẻ thơ", khi những kẻ "ác tâm" buộc con em của mình và của người khác phải bị đọa đày, hành khất mưu sinh…; lại càng vui nếu không có những Hào Anh, hay Chí Điền ở Cà Mau… Chỉ cần lên mạng, gõ "đày đọa trẻ thơ" và bấm con trỏ ta sẽ có vô số những câu chuyện đau lòng đến kinh ngạc. Hãy thử xem một vài dòng tin vắn: "Ngay giữa giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - đường số 15, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM tối 21-10, phóng viên ghi nhận hàng chục đứa trẻ bị bắt phải lang thang ăn xin. Trong ảnh là đứa trẻ bị đặt nằm lạnh lẽo ở lề đường gần ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - đường số 15 để một đứa trẻ lớn hơn được nhận tiền bố thí trong đêm 21-10.

thangiong-1.jpg

Phải biết nuôi lớn ước mơ bằng huyền thoại và lịch sử của dân tộc... -

Ảnh: Thế Phong

Còn em bé dưới đây chỉ khoảng 20 tháng tuổi, bị lột trần truồng và thường xuyên nằm li bì giữa đêm lạnh giá tại ngã tư đường Nguyễn Hữu Thọ - đường số 15, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM (ảnh chụp tối 21-10). Ở khu vực này có hàng chục đứa trẻ bị bắt lang thang ăn xin".

Còn những đứa trẻ may mắn hơn được đi học thì sao? Các em cũng lại phải đối phó với một chương trình học "mưu sát niềm vui" với chất chồng bài vở và thời khóa biểu dày đặc, không còn thời gian vui chơi hay thư giãn. Học đến… "tâm thần"! Thống kê chỉ ở TP.HCM, trong 1.900 ca rối loạn tâm thần trong tháng 4 có đến 1.300 ca trong lứa tuổi học sinh (Tuổi Trẻ, 27 tháng 5, 2010). Chưa kể những cơ sở giáo dục nghèo nàn thiếu sân bãi hay phương tiện giải trí lành mạnh cho trẻ em. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng buồn nhất vì xã hội chúng ta còn đang thiếu rất nhiều thứ, quan trọng nhất, một nền tảng giáo dục đức hạnh, hay nền tảng cần thiết để xây dựng tâm thức.

Lại nghĩ đến câu chuyện Jordan Romero, cậu bé 13 tuổi trèo lên đỉnh Everest thực sự bất chấp hiểm nguy và cả những lời đàm tiếu cho là cha mẹ cậu muốn nổi tiếng và qua đó kiếm tiền thông qua câu chuyện thành công của cậu mà không hề biết rằng chính cha cậu là người huấn luyện và chỉ dẫn cho con trai mình. Ông tôn trọng ước mơ của con và giúp nó biến ước mơ đó thành hiện thực.

Trả lời phỏng vấn với Đài CBS trong chương trình The Early Show, ông bố của Jordan Romero đã nói:"Tôi không phải là người ngu xuẩn. Tôi biết có rất nhiều người đã chết nhưng Jordan Romero là một cậu bé rất đặc biệt, rất khỏe mạnh. Khi đến đỉnh Denali, Jordan đã cho tôi thấy sức mạnh ý chí, sự dũng cảm, và bản lĩnh đàn ông mà tôi sẽ không thể nào quên được. Đó là khi mà Jordan trở thành người đàn ông thật sự".

Chính suy nghĩ phải giúp con mình đạt được ước mơ, ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, dựa trên những nghiên cứu của những nhà leo núi chuyên nghiệp để vạch ra kế hoạch cho con mình, từ sức khỏe đến nghị lực và cả những nguy hiểm có thể xảy ra cho buồng phổi thiếu niên. Ông kết luận rằng nếu chuẩn bị tốt, đúng phương pháp và tính toán kỹ thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Và việc người ta phản đối vì không muốn thấy một em nhỏ leo núi mà thôi. Nếu chúng ta biết rằng cậu bé đã dày công rèn luyện suốt 4 năm từ kỹ năng leo núi, kiến thức y học tổng quát, nghị lực đối phó với hoàn cảnh khắc nghiệt để rồi khi vượt qua tất cả, em có thể tự hào mình đã "vượt qua chính mình", là một người bản lĩnh, một người đàn ông thực sự biết thắp sáng ước mơ và vạch ra con đường chinh phục.

Từ Giáo Thứ mơ làm Thánh Gióng

Có bao nhiêu em nhỏ Việt Nam tự nuôi lớn ước mơ của mình, suy nghĩ vượt ra khuôn khổ "mặc định" của xã hội, gia đình và học đường, thoạt đầu là học sinh giỏi, rồi sau là sinh viên xuất sắc và sau đó là bác sĩ, giáo sư, công chức…Có em dù có năng khiếu rất đặc biệt về thể thao hay âm nhạc nhưng không dám theo đuổi ước mơ ấy đến cùng.

Cứ thế, nền giáo dục chúng ta lăn bánh trên những "đường xưa lối cũ", sản sinh ra những anh công chức theo kiểu "sống mòn", miệng hô hào lý tưởng, kêu gọi mọi người vươn lên những tầm cao mới mà lòng mãi bó hẹp sau "lũy tre làng" của tư duy, của tinh thần cầu an cho bản thân. Bao giờ chúng ta đào tạo được những con người thực thụ bản lĩnh ở lứa tuổi thanh niên hay trung niên, chứ đừng nói đến thiếu niên. Nếu có một em nào dám tỏ ra khác người một chút là bị chấn chỉnh ngay, ví dụ như học sinh dám chất vấn thầy cô giáo về lịch sử hay quan điểm sống. Trong lúc xã hội lại đề cao giá trị vật chất và sức mạnh của đồng tiền đang ra sức tung hoành khắp nơi, làm sao giải thích tuổi trẻ hiện nay sống thiếu bản lĩnh khi ước mơ Thánh Gióng cũng xa vời như… Thánh Gióng trong đời thường!

thanhgiong-2.jpg

Không biết còn bao nhiêu trẻ em phải tự mưu sinh như thế này?... 

Điều gì quan trọng hơn học vấn?

Nói như Krisnamurti: "Có một tâm thức phóng khoáng rộng mở còn quan trọng hơn là học vấn. Và chúng ta có thể có một tâm thức rộng mở không bằng cách nhét đầy học thức vào nó nhưng bằng cách ý thức đến những cảm giác và tư tưởng của chúng ta, bằng cách cẩn thận quan sát bản thân chúng ta và những ảnh hưởng xung quanh chúng ta, bằng cách lắng nghe kẻ khác, bằng cách lưu ý đến người giàu và kẻ nghèo, kẻ quyền uy và người thấp kém. Đức hạnh không đến qua sợ hãi và áp bức, nhưng qua sự quan sát và hiểu biết những chuyện tình cờ hàng ngày trong tương giao con người" (Education and the Significance of Life). Một nền giáo dục chủ trương xây dựng đức hạnh không chỉ qua việc nhồi nhét kiến thức và các kỳ thi. Cha mẹ, thầy cô phải vượt lên trên nỗi lo thường trực về tương lai con em của mình để hướng chúng đến một đời sống mở rộng tâm hồn ra ngoài cửa lớp, ở đó là lòng nhân ái, là sự quan tâm đến tha nhân, là đạo lý làm người, chứ không chỉ là địa vị, quyền chức và những phương tiện thỏa mãn sự vênh váo của "cái tôi" ảo.

Dấu chân huyền thoại

Hãy tin vào huyền thoại, vì lịch sử đất nước đã sống bằng hơi thở của huyền thoại mấy ngàn năm. Vì huyền thoại đã chắp cánh cho tuổi trẻ biết ước mơ và bay cao với niềm tin vững chắc vào năng lực nội tại và nhất là tâm hồn. Đó chính là mạch nguồn xây dựng nên sức mạnh tổng hòa của một xã hội, vô hình nhưng cảm nhận được trong cuộc sống. Đó chính là điều người xưa gọi là "hùng tâm tráng khí" của tuổi trẻ, giữ cho lịch sử đi tới, mạnh mẽ và kiên định. Phải tập cho tuổi trẻ quen dần với một lối tư duy độc lập, trên đôi chân của mình, không đi theo lối mòn của người đi trước. Hôm nay dù có ước mơ vươn cao như Thánh Gióng, cũng không thể theo lốt chân ngựa của người xưa, vì những lối mòn trong tư duy hành động và triết học sẽ đưa đến thảm họa cá nhân và đất nước vì thế giới đang biến đổi hàng ngày rất nhanh và khó dự báo trước được. Nói như Giáo sư Tương Lai "… sáng tạo và linh hoạt trong tư duy cũng như trong hành động phải là phẩm chất hàng đầu của con người Việt Nam đang sống trong thế kỷ XXI".

Phải biết nuôi lớn ước mơ bằng huyền thoại để thấy mình không hổ thẹn với tiền nhân và thế hệ mai sau!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.

Thông tin hàng ngày