Dịch Covid-19, Phật tử học Phật qua mạng

GNO - Để phòng tránh lây lan dịch bệnh Covid-19, nhiều sinh hoạt tôn giáo tại các chùa ở tất cả các địa phương đã tạm hoãn theo khuyến cáo của Bộ Y tế và công văn từ HĐTS GHPGVN.

Tuy nhiên, việc học Phật không phải vì thế mà bị gián đoạn, và đặc biệt, đây là "cơ hội" ứng dụng Phật pháp trong chuyển hóa lo lắng, phiền não.

F47F8D9A-7E75-46A8-8A27-20DAA13D9353.jpg


Nghe pháp online trong mùa dịch - Ảnh: Chánh Quán


Theo đó, Phật tử tìm tới những “ngôi chùa online” – đó là báo Phật giáo, những trang web có chuyển tải nội dung Phật học và hướng dẫn thiền tập của những vị cao tăng, những vị tôn đức lớn.

“Tôi thường đọc báo Giác Ngộ online, ngoài cập nhật tin tức Phật sự, những ứng xử của Phật giáo trong đại dịch Covid-19, còn có nhiều bài Phật học giúp tôi thực tập định tĩnh, kiến tạo bình an”, bạn Nguyễn Thành Binh (TP.HCM) cho biết.

Trong khi đó, một số Phật tử được PV báo Giác Ngộ hỏi thì cho biết, thường vào trang langmai.org để đọc các bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh; hoặc tìm kiếm các video pháp thoại của các vị Trưởng lão Hòa thượng như HT.Thích Thanh Từ, HT.Thích Trí Quảng… để nghe, tĩnh tâm.

Bạn Trần Phú Quý (Đà Nẵng) thì chia sẻ: “Mùa dịch này tôi đi làm về sớm hơn mọi khi, không đi chùa tụng kinh tối thì về nhà lên góc thờ của mình ngồi thiền, quán niệm, chia phước cho chư thiên, cho mọi người. Tôi cũng hay tìm đọc và nghe các bài giảng của quý sư Nam tông để hiểu hơn về lời Phật dạy, thiền tập theo sự hướng dẫn của quý ngài”.

Chị Hồng Nga (TP.Vinh, Nghệ An) cũng nói “đi chùa online” trong thời gian phòng dịch Covid-19 giúp mình không gián đoạn tu học, và đó cũng là thể hiện sự tinh tấn trong mọi hoàn cảnh của người học Phật.


Nói về việc “ứng biến” với dịch bệnh bằng cách “đi chùa online”, HT.Thích Hải Ấn, Phó ban Văn hóa T.Ư, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế cho biết, Phật tử đã bắt kịp với thời đại công nghệ 4.0, việc nghiên cứu Phật pháp qua mạng phù hợp với giới trẻ.

Theo Hòa thượng, dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng Phật tử cũng đừng quá lo lắng, tuy mình bị “cách ly” với sinh hoạt ở chùa nhưng tâm mình không cách ly với Tam bảo, đó là điều quan trọng.

Hòa thượng cũng lưu ý, Phật tử nên đến những địa chỉ “chùa online” đã được kiểm duyệt nội dung để học hỏi giáo lý nhà Phật, tránh sa đà vào những nơi không tốt, chưa được kiểm duyệt nội dung, rơi vào mê tín dị đoan…

“Ngay sau khi công bố hết dịch, Phật tử và người dân lại tiếp tục đi chùa để chiêm bái, lễ Phật, nghe giảng pháp, thực hành theo pháp môn mình đã học, đã tu… Những tương tác trực tiếp tất nhiên tốt hơn là nghe qua một phương tiện thu phát”, Hòa thượng nói.

Hữu Tình - Chánh Quán

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày