Đồ Nam Tử- Nguyễn Trọng Thuật

Nguyễn Trọng Thuật sinh năm 1883, ở xã Mạn Nhuế, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân là nhà giáo, viết báo, từng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng thời Nguyễn Thái Học(1).

donam-1.gif

Những thành viên trong Ban Sáng lập Hội Phật giáo Bắc kỳ

tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, 1936

Vốn là một "Tay Nho học uyên bác" vang danh lừng lẫy khắp ba kỳ sau khi cuốn tiểu thuyết Quả dưa đỏ của ông được Hội đồng kiểm duyệt Hội Khai Trí Tiến Đức liệt vào giải nhất, ông còn là cây bút sáng giá ở tạp chí Nam Phong và là một trong số ít người Việt Nam viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ.

Không rõ Nguyễn Trọng Thuật bắt đầu nghiên cứu Phật giáo từ bao giờ, nhưng với các bài viết trên tạp chí Nam Phong như Bình luận về sách Khóa hư (1933), Phật giáo tân luận (1934), chứng tỏ ông đã có một căn bản Phật học khá vững chắc, vì vậy ông được bằng hữu suy tôn là Phật tử trong Khổng môn.

Đầu năm 1934, cùng với các ông Lê Dư, Nguyễn Hữu Tiến..., những cây bút chủ lực của tạp chí Nam Phong, Nguyễn Trọng Thuật cộng tác với nhóm Phật học Tùng thư do sư Trí Hải đứng đầu, gồm các cư sĩ: Trần Văn Giác, Lê Toại, Nguyễn Hữu Kha và Thượng toạ Thái Hòa, sư Vũ Đình Ứng ở chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Ngày 24-8-1934 (15-7 Giáp Tuất), Phật học Tùng thư tổ chức tuần Trung nguyên phổ độ gia tiên, mời các vị trí thức tân học và cựu học cùng một số Tăng sĩ vào Ban sáng lập và dự thảo điều lệ, làm đơn đề nghị, và được nhà cầm quyền cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ vào tháng 11-1934.

Tháng 2-1935, Nguyễn Trọng Thuật được Hội đồng ý cấp cho ông mỗi tháng 20$00 để ông lưu trú tại Hà Nội làm Thư ký Ban Khảo cứu và giảng diễn Phật học của Hội do Trần Trọng Kim đứng đầu.

Nguyễn Trọng Thuật từng tâm sự với bằng hữu rằng: Ít năm nữa con cái ông khôn lớn, gia lụy sạch rồi thì ông quyết xuất gia, hiến thân làm Tăng, trụ trì hẳn một nơi am tự để dìu dắt các bạn nhà Nho đều cùng đầu thân Tăng giới cho có chỗ thi triển cái chí nghiệp giác thế giác nhân.

Nhờ văn tài, lại sẵn có hoài bão chấn hưng Phật giáo, nên Nguyễn Trọng Thuật làm việc rất dũng mãnh, tinh tiến, tận tuỵ, không quản sức quản công với tòa báo Đuốc Tuệ(2) mà ông là Thư ký Ban Biên tập. Sức viết của ông rất khỏe, chỉ trong 5 năm, ông đã viết ngót 60 bài (không tính các bài chuyên khảo, bài dịch) trên mọi lĩnh vực từ chính luận, lịch sử Phật giáo đến truyện dài đăng nhiều kỳ như Cô con gái Phật hái dâu, kể lại cuộc đời của một cô gái nông thôn chuyên nghề hái dâu nuôi tằm ở làng Siêu Loại (Bắc Ninh), được vua Lý Thánh Tông đem về cung thành nguyên phi Ỷ Lan, sinh ra vua Lý Nhân Tông - một ông vua sáng, đã đem tinh thần đạo Phật mà dựng nước và cải tổ những bất công xã hội ở nông thôn. Nguyễn Lang nhận xét "đây là một truyện dài viết rất có nghệ thuật, hơn hẳn tác phẩm Quả dưa đỏ của cùng một tác giả"(3). Sinh động hơn, Nguyễn Trọng Thuật còn Phật học hóa tiểu thuyết qua các bức thư (Thư cô Mai gửi chị Băng Tâm, Sài Gòn đăng nhiều số Đuốc Tuệ).

Với bài Nhân gian Phật giáo đăng trên báo Đuốc Tuệ, số 55, ngày 15-2-1937, cư sĩ - nhà văn Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật là người khởi xướng tư tưởng Nhân gian Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Ông viết:

"…Chủ nghĩa Nhân gian Phật giáo đối với đạo Phật là phát biểu những điều chân chính có quan thiết đối với đời người ra để làm lợi ích cho đời, chứ không có gì là lạ khác". Đối với hội Phật giáo ta thì đạo đã cùng chung nhau (với Trung Quốc), ta tuy chưa kịp xướng lên cái đề mục là Nhân gian Phật giáo, ta cũng đã phát huy ra rồi, và ông kêu gọi: "Vậy ta nên biểu đồng tình với giáo hữu bên Trung Quốc từ nay hễ nói đến đạo Phật mà ta đang chấn hưng đây, ta nên nhớ mà gọi là Nhân gian Phật giáo. Ta làm việc gì, ta suy nghĩ điều gì về đạo Phật, ta viết sách, giảng diễn, khảo cứu, giải nghĩa kinh sách gì về đạo Phật, ta phải nhớ và phải theo về cái chủ nghĩa Nhân gian Phật giáo mà làm. Thì chân lý chính nghĩa của đạo Phật mới sáng tỏ ra đời, mới có thực ích thực lợi cho người, mà con đường ta tin theo mới không mơ màng huyền hão, sai lạc với bản tâm cứu thế của Đức Thế Tôn"(4).

Ông cho biết: "Vì đạo Phật là đạo cứu tế, cứu thời, là đạo lấy chủ nghĩa bình đẳng, chủ nghĩa từ bi làm nghĩa vụ thực hành cứu độ cho loài người, là đạo ở nhân gian hiện tại, cho nên Ban Khảo cứu Hội Phật giáo chúng tôi hơn một năm nay chuyên tìm tòi những cái chủ nghĩa cốt yếu Nhân gian Phật giáo ấy để đề xướng lên và dâng cúng cùng thập phương giáo hữu.

"Chỉ nguyền bể khổ tát vơi,

Xây đài Cực lạc giữa nơi Sa bà".

Với các bài Tinh thần Phật giáo đối với thanh niên ngày nay; Tinh thần nhân gian Phật giáo của Việt Nam xưa; Chủ nghĩa quần chúng giải thoát của đạo Phật; Câu chuyện đạo Phật với việc làng; Đạo Phật rất cần cho vấn đề kinh tế ngày nay..., Nguyễn Trọng Thuật đã tuyên truyền mạnh mẽ và rộng rãi cho việc đem đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày, cải tạo và hướng dẫn cuộc sống nông thôn bằng tinh thần đạo Phật tiến tới xã hội hóa Phật giáo.

Trong bài luận bàn Lễ kết hôn trước cửa Phật(5), Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật nhận định hôn lễ là "lễ văn để làm tôn trọng vẻ vang cho cái sống của mình... Người ta trong một đời duy có hôn lễ là quan thiết đến bản thân hơn cả". Ông cho rằng ở Việt Nam, hôn lễ chịu ảnh hưởng cả Nho giáo lẫn Đạo giáo. Theo đó, lễ bái yết gia tiên hai nhà là theo Nho giáo đối với cái quan niệm gia tộc, phụng tiên tư hiếu, thực là biết ơn, chịu mệnh một cách chu đáo, có nghĩa lý thiết thực thì nên giữ. Còn lễ tế tơ hồng là theo cái thuyết số mệnh của phái đạo sĩ, cám ơn vị thiên tiên đã xe duyên cho nên vợ nên chồng. Xét ra nó chỉ như cái cách đem quà biếu người làm mối mà thôi, không có nghĩa lý gì đáng làm giáo hóa, thì nên bỏ. Ông nhấn mạnh: "Song ngoài cái lễ bái yết gia tiên ra không có lễ gì nữa, thì cái quan niệm kết hôn của người đời chỉ loanh quanh trong cái tư tưởng nối dõi tông đường của một nhà, e không khỏi còn hẹp hòi lắm".

donam-2.gif

Nguyễn Trọng Thuật đề nghị: "Nay nhân phong trào Chấn hưng Phật giáo đang hưng thịnh, tiện dịp ta hãy nên cử hành lễ kết hôn trước cửa Phật... Việc đem lễ kết hôn vào cửa Phật này tuy là việc mới, nhưng tôi quyết không phải là một việc cưỡng ép gì". Ông đề nghị một nghi thức kết hôn gồm có tấu văn và huấn từ của một vị Tăng sĩ làm giới sư hướng đạo cuộc lễ. Vị giới sư này trước Phật đài phải nhắc nhở cặp tân hôn phải nhớ đạo lý Tứ ân của Phật dạy mà đền đáp công ơn cha mẹ, ơn đất nước, ơn sư trưởng và ơn chúng sinh. Kinh Thiện Sinh là cơ bản cho sự xây dựng gia đình, và lễ kết hôn trước cửa Phật được tiêu biểu bằng hai câu đối:

"Hiếu mẹ cha, ân đất nước, đạo Tứ ân đã dạy bảo đủ luân thường;

Chồng kính ái, vợ thuận tùng, lễ Lục phương càng ân cần về gia đạo".

Với đề nghị trên, Nguyễn Trọng Thuật là người đầu tiên đề xuất việc Phật tử từ nay trở đi nên làm lễ kết hôn nơi cửa Phật trước sự chứng kiến của một vị Tăng sĩ làm giới sư. Đây là một nét đẹp trong văn hóa Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung, một truyền thống từ trước đến nay chưa có ở Việt Nam.

Nhờ tinh thông tiếng Hán, Phạn, Anh, Pháp, dưới các bút danh Quảng Tràng Thiệt, Đồ Nam Tử, ĐNT, Nguyễn Trọng Thuật đã giới thiệu với độc giả Báo Đuốc Tuệ các chuyên khảo về Phật giáo Cao Miên (Campuchia), Xiêm La (Thái Lan), Nhật Bản, Phật giáo Trung Hoa, Hội Phật học nước Anh.

Dựa vào sách Thiền uyển tập anh, Nguyễn Trọng Thuật đã viết Việt Nam Thiền tông thế hệ, đăng trên báo Đuốc Tuệ từ số 52 (1-1-1937) đến số 120 ra ngày 15-11-1939. Ông cũng cho đăng thiên biên khảo Việt Nam cao tăng khảo nhiều kỳ trên báo. Chuyên đề này ông dựa vào Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn để viết. Việt Nam cao tăng khảo, Việt Nam Thiền tông thế hệ của Nguyễn Trọng Thuật vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học. (Chúng tôi sẽ giới thiệu ở các số tiếp theo).

Công bằng mà nói, Nguyễn Trọng Thuật phải là đồng tác giả cuốn Phật lục của Trần Trọng Kim xuất bản năm 1940, vì phần lớn chương 1, 2, 3 là những bài do Nguyễn Trọng Thuật viết đăng nhiều kỳ trên báo Đuốc Tuệ.

Nguyễn Trọng Thuật là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu kiêm thông Nho Phật tài năng và đa dạng. Tiếc thay ông lâm bạo bệnh, mất ngày 19-1-Mậu Tý tại Hà Nội, hưởng dương 57 tuổi.

Hội Phật giáo Bắc Kỳ có câu liễn phúng ông:Độ mình rồi độ người, làm nhà ngôn luận, làm nhà trước thuật, làm thầy đồ dạy học, làm cư sĩ tụng kinh, tỉnh thế nghìn tay dong đuốc tuệ.

Duyệt tướng không duyệt tính, còn hang Kinh Chủ, còn núi Côn Sơn, còn hội quán Hà Thành, còn giảng đàn Nam Sách, hiện thân muôn đóa mọc tòa sen(6).

Đôi nét về thiên biên khảo Việt Nam thiền tông thế hệ của Nguyễn Trọng Thuật

Thiền uyển tập anh (TUTA) là tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán của Việt Nam ghi lại tương đối hệ thống về hành trạng, thi văn và tư tưởng của các Thiền sư Việt Nam thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông kể từ khoảng cuối thời Bắc thuộc đến một số năm đầu của thời Trần. Trong di sản Hán Nôm của nước ta, TUTA là một tác phẩm truyện ký có giá trị về các mặt văn học, sử học, triết học, văn hóa dân gian… và cả về mặt văn bản.Năm 1973, Hòa thượng Thích Thanh Từ viết cuốn Thiền Sư Việt Nam, từ trang 11-195 đã phỏng dịch đủ Thiền sư cả hai sơn môn Pháp Vân và Kiến Sơ (1).

Trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, học giả Lê Mạnh Thát cho biết: "Khánh Vân Nguyễn Thụy Hòa viết Tiểu truyện các Thiền sư Việt Nam (phái Vô Ngôn Thông) - Sài Gòn, 1974, chỉ dịch lướt phần đầu của phái Vô Ngôn Thông. Ông Nguyễn Ðổng Chi có cho tôi hay vào khoảng 1938, Nguyễn Trọng Thuật có dịch TUTA đăng trong báo Ðuốc Tuệ, nhưng cũng chỉ dịch lướt. Tôi chưa có dịp thấy bản dịch ấy" (2).

Nhận xét về các bản dịch nói trên, Lê Mạnh Thát viết: "Nhưng tất cả đều chưa đạt yêu cầu. Tình trạng này xuất phát từ hai nguyên cớ chính, đó là: Một, họ chưa nắm vững lịch sử truyền bản của bản văn, nên đã không chọn được một truyền bản chính xác để làm đề bản cho công tác hiệu thù và phiên dịch. Hai, họ chưa phân tích kỹ nội dung bản văn, nên tới những đoạn khó, họ hoặc đa số lướt qua không dịch, hoặc nếu bắt buộc quá mà phải dịch, họ thường phạm phải những sai lầm".

Không rõ Lê Mạnh Thát có tính tới TUTA do Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga (3) dịch năm 1990 và Việt Nam Thiền tông thế hệ (VNTTTH) của Nguyễn Trọng Thuật hay không?

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu thiên biên khảo VNTTTH của Nguyễn Trọng Thuật dưới bút danh ĐNT đăng nhiều kỳ trên báo Đuốc Tuệ, cơ quan hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ từ số 49 (17-11-1936) đến số 120 ra ngày 15-11-1939, để giúp quý vị độc giả biết về tác phẩm này.

donam-3.gif

1. Tại sao Nguyễn Trọng Thuật lại đặt tên thiên biên khảo là Việt Nam Thiền tông thế hệ?

Trong lời mở đầu, Nguyễn Trọng Thuật cho rằng nếu chỉ như cái tên gọi cũ là TUTA, nghĩa là hợp những hoa thơm quý trong vườn Thiền lại, nghĩa ấy nó chỉ tiêu biểu được cho những lời nói hay ho tốt đẹp về đạo Thiền đã hợp được ở trong sách ấy mà thôi. Nhưng nhắm đích cao hơn, trên cơ sở sách Thiền uyển tập anh ngữ lục, ĐNT diễn thuật một cách rõ rệt sự truyền đạo kế thế của một tông phái chính thống mà theo ông đó là Thiền phái Vô Ngôn Thông. Vì thế, ông đã đổi lại cái tên mới là Việt Nam Thiền tông thế hệ.

2. Về nội dung của Việt Nam Thiền tông thế hệ

Trong VNTTTH, Nguyễn Trọng Thuật đã dịch 59 tiểu truyện (31 vị thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, 28 vị thuộc Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi) và danh sách 18 vị thuộc Thiền phái Thảo Đường. Như vậy, so với TUTA thì VNTTTH ít hơn 7 vị trong phái Vô Ngôn Thông là vua Lý Thái Tông và các Thiền sư: Ngộ Ấn, Đạo Huệ, Biện Tài, Bảo Giám, Không Lộ, Bản Tịnh.

Theo Ngô Đức Kế thì sách Thiền uyển tập anh ngữ lục và bản Trùng san Thiền uyển tập anh, khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) mà ông căn cứ vào đó để dịch nội dung là hoàn toàn giống nhau (4). Nguyên nhân của sự thiếu này, theo chúng tôi có thể là do Đuốc Tuệ đã bỏ sót khi phải in những bài khác cần hơn.

Một điều đáng lưu ý là ở một số tiểu truyện, ĐNT còn có lời bàn mà ông gọi là "cẩn án" để làm rõ thêm về hành trạng của nhân vật được nêu, cũng như giúp người đọc hiểu biết về giáo lý đạo Phật và lịch sử Phật giáo, ví dụ:

a) "Cẩn án" cuối tiểu truyện Cứu Liên thiền sư, tức Đại sư Mãn Giác:

Đọc lời dụ của vua Lý Nhân Tông trao trách nhiệm cho Cứu Liên thiền sư vào triều đình cùng làm việc với tòa Tam tư, để lo toan quốc chính trên ấy, chúng ta càng thêm hiểu cái cớ Việt Nam hồi Đinh, Lê, Lý, Trần sở dĩ sùng đạo Phật mà nước cường dân thịnh là ở chỗ nào rồi. Lời dụ nói: "Đấng chí nhân ra đời là cốt vì sự cứu giúp cho sinh dân. Cho nên không hạnh gì mà Ngài không đủ, không việc gì mà Ngài không tu. Không phải Ngài chỉ dụng lực về phép định tuệ mà thôi, chính Ngài cũng làm công nghiệp giúp dạy cho nước nhà nữa đó". Chí nhân là bậc người tài đức hoàn toàn đến cực điểm tức là Phật. Ý vua nói người thường chỉ biết Phật là đấng bỏ ngôi vua đi xuất gia tu Phật do ngồi thiền định mà sinh trí tuệ và đắc đạo. Thì tu đạo Phật là đạo chỉ có một việc ngồi thiền định để cầu sinh trí tuệ và đắc đạo mà thôi, chứ không có quan hệ gì với việc đời. Song nghĩ như thế là lầm. Phải biết đấng chí nhân ra đời là bởi một đại sự nhân duyên là cứu độ cả phần tâm thần và phần thân thể cho chúng sinh vậy. Cho nên Đức Phật Ngài lập giáo, trong lấy giới định tuệ để tu thân tiến học, ngoài lấy tứ ân lục lễ để xử thế giúp đời. Tức như Ngài răn người kinh thành Xá Vệ, tuy có quân hùng tướng mạnh mà trong đừng có tự hoại lẫn nhau thì mới giữ được nước. Còn đối với vua các nước, Ngài dạy cho phép tu thân trị quốc, kinh còn chép lại cũng nhiều. Thế chính là những công nghiệp giúp dạp nước nhà của Ngài đó. Ngài còn mong giúp dạp cho cả cái nước nhà ba nghìn thế giới nữa kia. Chứ nếu những phép định tuệ mà không giúp ích gì cho đời hiện thế, thì ngồi lắm phỏng có làm gì, mà sao được Đức Phật Ngài có chuộng.

Đời Lý Nhân Tông là thời đại mở cõi Nam, dẹp cõi Bắc, một thời đại toàn thịnh của Việt Nam, trong triều đình có Thiền tăng Cứu Liên tham dự. Thiền tăng Cứu Liên thực no đủ cả hai cái học Nho Phật từ thuở thiếu thời. Coi đó chúng ta thấy đạo Đại thặng (Đại thừa) Phật giáo thực không phụ gì nước nhà người ta. Ngày nay chúng ta đề xướng chủ nghĩa nhân gian Phật giáo, thực là việc nối sáng lại ngọn đèn tổ đăng, không có ý gì trái ngược vậy.

b) "Cẩn án" cuối tiểu truyện Ma Ha thiền sư

- Về thời đại dân trí còn thấp, người ta hay tin những sự kỳ dị, khó có thể lấy cái công phu một đôi ngày đem cái chân lý, chính đạo mà hiểu bảo cho họ nghe ran ngay được. Bởi thế một số nhà đi truyền bá Phật pháp ngày xưa cũng phải có luyện thêm pháp thuật để giúp việc giảng giáo cho chóng có hiệu quả, dễ hàng phục quần chúng rồi sẽ dạy bảo đến Chính giác.

Trong phái Thiền tông Việt Nam xưa mà có những vị thiền sư kiêm có pháp thuật như Ma Ha thiền sư đây cũng là vì cớ đó.

- Đời Tiền Lê đã có đặt chuyên viện khảo dịch kinh Phật ở sách lá bái (lá bối), tức như cha con nhà Ma Ha thiền sư đây. Thiền sư giống người Chiêm Thành thì kinh lá bối ấy về phái Nam tông và viết bằng chữ Ba lị (Pali). Coi đó Phật học nước ta khi ấy đã mở rộng cửa ngõ, không những chỉ chuyên học lại kinh chữ Hán của Tàu dịch mà thôi. Chẳng may Ma Ha thiền sư bị đau mắt, hủ tục chức thuyết cho là bởi cái nghiệp học chữ ngoại quốc khiến thiền sư bèn phế nghiệp. Tiếc thay!

Phật học Việt Nam ta, đời Sĩ vương(5) các Tăng Ấn Độ đến đây dịch chữ Phạn ra, đời Đường các Tăng của ta vào Tàu dịch kinh cho Tàu, đời Tiền Lê bái cha con Ma Ha thiền sư dịch chữ Ba lị, mà cứu kính đến nay chẳng còn di tích gì.

Điều trên chứng tỏ, Nguyễn Trọng Thuật không hề dịch lướt Thiền uyển tập anh ngữ lục chút nào.

3. VNTTTH được Nguyễn Trọng Thuật chuyển tải một cách văn chương dễ đọc và dễ hiểu

Nhìn chung, các tiểu truyện trong TUTA có kết cấu tương đối ngắn gọn, một số ít tiểu truyện đã có vẻ là một đoản thiên văn xuôi hoàn chỉnh, có khi in đậm màu sắc kỳ ảo và phần nào mang dáng dấp của truyện cổ tích hay truyện truyền kỳ (như tiểu truyện Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thiền sư Ma Ha…). Song, có thể nói phần lớn tiểu truyện trong TUTA là những ghi chép tiểu sử khô khan, vắn tắt, thậm chí chỉ vài dòng sơ lược, nên ngoài giá trị tôn giáo, lịch sử, tàng trữ các sáng tác thi ca của các thiền sư, tác phẩm thực sự không mấy hấp dẫn (6).

Để cho VNTTTH hấp dẫn, Nguyễn Trọng Thuật đã chuyển tải một cách văn chương hơn những đoạn đối thoại, bài kệ, lại điểm xuyết những nhận xét làm cho người đọc cảm thấy tác phẩm đỡ khô khan hơn, dễ hiểu hơn. Đơn cử đoạn cuối tiểu truyện Cư sĩ Thông Sư, TUTA dịch: Lại có vị Tăng hỏi: "Thế nào là Phật?". Đáp: "Tâm vốn là Phật, cho nên Tam Tạng Huyền Trang đời Đường nói: Chỉ liễu ngộ đất lòng cho nên gọi tổng trì, ngộ pháp vô sinh gọi là diệu giác".

Sau sư qua đời tháng 7 năm Mậu Tý, niên hiệu Kiến Trung thứ IV (1228) đời Hoàng Triều (Trần).

VNTTTH dịch: Vị Tăng ấy lại hỏi: "Thế nào là Phật?" Thông Sư nói: "Bản tâm là Phật. Cho nên Tổ Tam tạng Huyền Trang nhà Đường dạy rằng: Chỉ hiểu tới một nơi tâm địa là đủ, bởi vậy mới gọi nơi tâm địa ấy là Tổng trì, nghĩa là nó chủ trì hết thảy".

Đến năm Kiến Trung thứ tư nhà Lý, Mậu Tuất (7), tháng Bảy, Thông Sư cư sĩ thị tịch. Phật pháp Việt Nam ở đời Lý-Trần, các cư sĩ cũng cùng tăng chúng chịu chung cái gánh truyền thụ tâm ấn mà Tổ Thông Sư cư sĩ là bắt đầu. Coi đó biết Phật pháp lúc ấy hoạt bát viên thông là dường nào, thực là không phân biệt tịnh nhiễm, không nề tăng tục, không như cái lối môn hộ quyền lợi đời sau.

Hoặc ở phần cuối TUTA chỉ thống kê danh sách 18 vị thuộc Thiền phái Thảo Đường (pháp danh, nơi tu hành…). Ở VNTTTH, Nguyễn Trọng Thuật còn làm rõ thêm thiền phái này, ông viết: "Phái Tuyết Thực Minh Giác này cộng có 5 đời, 20 vị truyền thụ đạo chính thống. Trong 20 vị có 10 vị xuất gia, còn 10 vị là tại gia. Trong 10 vị tại gia thì 3 vị là hoàng đế, còn lại là các quan, cư sĩ và bình dân. Một điều rất lạ là phú quý đến ngôi hoàng đế, lãng mạn đến người kép hát cô đầu mà học Phật đều đắc đạo và đều truyền đạo, thực là trong khắp các nước theo Đại thừa Phật giáo xưa nay chưa từng thấy. Coi đó biết đạo Phật ở đời Lý không những hưng thịnh mà lại còn viên thông diệu hoạt nữa. Cái cớ sở dĩ hưng thịnh là ở chỗ viên thông diệu hoạt đó. Nghĩa là không phân biệt sang hèn, không chấp trệ tịnh nhiễm, ai thiết đạo thì học, ai đắc đạo thì kế thống và thiên hạ quy theo. Bởi không phân tư cách nên người ta dễ học dễ tu, nhiều người tu học là đạo tràng sáng rõ mà thịnh vượng. Đời sau càng câu nệ tư cách, truyền càng hẹp, đạo càng mờ tối và càng suy kém đi.

Về thi ca, xin dẫn hai bản dịch bài kệ 24 câu ở tiểu truyện Thiền sư Cảm Thành để bạn đọc so sánh:

a) Bản dịch của TUTA (Minh Chi dịch):

…Hãy nghe lời kệ của ta: Các nơi đồn đại / Dối tự trao truyền / Rằng thủy tổ ta / Gốc tự Tây Thiên / Truyền pháp nhân tạng / Gọi đấy là Thiền / Một hoa năm lá / Hạt giống liên miên / Ngầm hợp mật ngữ / Muôn ngàn có duyên / Tâm tông đều gọi / Thanh tịnh bản nhiên / Tây Thiên cõi này / Cõi này Tây Thiên / Xưa nay nhật nguyệt / Xưa nay sơn xuyên / Chạm đến thành trệ / Phật tổ thành oan / Sai một mảy may / Đi mất trăm ngàn / Ngươi khéo quan sát / Chớ lừa cháu con / Nói thẳng đến ta / Ta vốn vô ngôn.

b) ĐNT dịch ra thể thơ lục bát:

Thế Tôn đạo pháp chân truyền,

Mỗi nơi mỗi nói huyên thuyên một đường.

Duy Tổ ta, ở Tây phương,

Đem y bát mở đạo trường cõi Đông.

Ấy là Sơ tổ khai tông,

Muôn đời pháp nhỡn, một dòng Thiền gia.

Liên đài năm cánh một hoa.

Cháu con nảy nở riềm rà mai sau.

Mật truyền chỉ một vài câu,

Nghìn muôn duyên chứa cả đâu trong này

Tâm tông đạo nhiệm mầu thay,

Trong ngoài thanh tịnh, xưa rầy bản nhiên.

Đạo này chính thống Tây Thiên,

Từ Tây Thiên đã đem truyền sang đây.

Đất trời xưa cũng thế này,

Non sông sau cũng như rầy khác chi.

Nệ thì ngăn mất lối đi,

Mà con cho Phật ích gì cho ta.

Phải nên cẩn thận mới là,

Hễ sai một mảy liền xa dặm nghìn.

Mỗi lời phải xét kỹ xem,

Chớ lừa con cháu để phiền về sau.

Ấy là đạo cả nghĩa mầu,

Hỏi chi ta nữa ta nào nói chi.Tuy có một số thiếu sót (như không dịch năm sinh chư liệt vị) hoặc nhầm lẫn về năm tháng hay viết: phái Tuyết Thực Minh Giác (mà đúng ra là Tuyết Đậu Minh Giác, tức Thiền sư Trùng Hiển (980-1052), trụ trì chùa Tư Khánh ở núi Tuyết Đậu, Trung Quốc, được vua Tống ban hiệu là Minh Giác)… nhưng VNTTTH là một thiên biên khảo tốt về các Thiền sư Việt Nam từ thế kỷ thứ VI đến đầu thế kỷ XIII. Đây là bản dịch Thiền uyển tập anh ra chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. (Còn tiếp)

(1) Thích Thanh Từ: Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chân Không xuất bản, Sài Gòn, 1973. (Năm 1992, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tái bản có bổ sung).

(2) Lê Mạnh Thát: Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, NXB. Phương Đông, 2005.

(3) Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích theo nguyên bản chữ Hán Trùng san Thiền uyển tập anh, khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) Minh Chi hiệu đính, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và NXB. Văn Học xuất bản, Hà Nội, 1990.

(4) Trong Lời giới thiệu Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ viết: "Chúng ta có thể biết là bản Vĩnh Thịnh của nhà Nho ở Hải Phòng (Thúc Ngọc Trần Văn Giáp phát hiện năm 1927) ít lâu sau cũng đã được nhượng lại cho Trường Viễn Đông Bác Cổ, mang ký hiệu A3114 (mất tờ 65 như đã mô tả). Ngoài 2 điểm khác nhau (hình vẽ và tiểu truyện Tam tổ Trúc Lâm, bài Bạt và ghi tên tín chủ công đức in sách ở bản VHv.1267) thì hai bản A3114 và VHv.1267 hoàn toàn giống nhau. Ngô Đức Kế và Nguyễn Thúy Nga dịch theo bản VHv.1267.

(5) Tức Sĩ Nhiếp (187-226), là Thái thú quận Giao Chỉ, sau đổi là Giao Châu, cuối đời nhà Đông Hán.

(6) Từ điển văn học, Chủ biên: Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, NXB. Thế Giới, Hà Nội, 2004

(7) Chỗ này ĐNT nhầm, năm 1228 là năm Mậu Tý.

(1) Không biết có phải vì việc này mà đến nay chưa có phố mang tên ông ở Hà Nội (?).

(2) Tuần báo Đuốc Tuệ - cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, ra số đầu tiên vào ngày 10-12-1935. Chủ nhiệm là Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, Quản lý là cư sĩ Cung Đình Bính; Chủ bút là Hòa thượng Phan Trung Thứ, trụ trì chùa Bằng Sở, Hà Đông; Phó Chủ bút là Hòa thượng Dương Văn Hiến, trụ trì chùa Tế Cát, Hà Nam.

(3) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn Học, 1994.

(4) Nguyễn Trọng Thuật, "Nhân gian Phật giáo", Đuốc Tuệ, số 55, ngày 15-2-1937.

(5) Tuần báo Đuốc Tuệ số 4 (31-12-1935) và số 5 ra ngày 7-1-1936

(6) Đuốc Tuệ, số 125 ra ngày 1-2-1940.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày