GN - Trong suốt buổi trò chuyện về việc cắm hoa thiện nguyện của mình, gương mặt chị luôn ánh lên nụ cười bình an, hạnh phúc của một người có phước duyên được biết đến đạo qua những lời dạy, việc làm của ba mẹ, để đến ngày hôm nay chị luôn tri ân về những điều ấy.
Đó là Phật tử Diệu Huệ - Phan Thị Ngọc Mai, hiện là giáo viên dạy cắm hoa tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, chị đồng thời đang là giám đốc của một doanh nghiệp nhỏ.
Phật tử Ngọc Mai (Diệu Huệ) và mẹ cùng đi lễ chùa - Ảnh: CTV
Lập công ty để thực hiện tâm nguyện
Ngay từ nhỏ, chị đã được gia đình gieo duyên với đạo Phật qua việc theo ba mẹ đi lễ chùa. Điều may mắn là chị được sinh ra và trưởng thành trong tình thương yêu. Mẹ là người hướng dẫn về cách vun vén gia đình, ba là người dạy cho lẽ sống thanh lương đạo đức theo lời Phật dạy. Đó chính là hành trang quý giá để chị giữ được sự bình yên giữa những thăng trầm của cuộc đời.
Với tâm nguyện góp phần trang nghiêm cho các buổi lễ ở các chùa, từ năm 2002, chị bắt đầu phát tâm cắm hoa cúng dường ở một số ngôi chùa. Những ngày đầu, để tranh thủ thời gian, chị và những cộng sự đồng tâm nguyện thường làm việc buổi tối - sau giờ làm và những ngày cuối tuần. Qua thời gian, nhiều chùa biết đến việc thiện nguyện đó, dù thích được cắm hoa làm đẹp cho Phật, “mà đi như vậy hoài thì không đủ tiền để đi, nhiều khi đi dạy học, các chùa gọi không đi được, nếu bỏ việc dạy thì không có tiền nuôi gia đình, sau đó tôi mới quyết định thành lập Hoa Tâm Việt vào năm 2007. Gọi đâu có đó, để đảm bảo công việc ổn định, trôi chảy, hoàn thành tâm nguyện và cũng cần có một đội ngũ chuyên nghiệp để cùng lúc thực hiện được nhiều việc hơn”, chị Ngọc Mai chia sẻ.
Khi cắm hoa ở chùa, hoặc sự kiện, thì tùy mỗi lễ, tùy khung cảnh mà chọn hoa, có khi sử dụng tông màu vàng, có khi là ngũ sắc, có khi sử dụng tông màu hợp với nơi đó, có những nơi tới xem trước, hoặc cắm theo yêu cầu, nhưng quan trọng là phối màu cho phù hợp. “Chủ đích cắm hoa trang trí là làm sao cho phù hợp với chủ đề, làm sao cho trang nghiêm, để khi mọi người nhìn vô hoa trang trí xung quanh ngôi Tam bảo đều cảm nhận được an lạc”, chị tâm sự.
Có dịp đi cùng với đoàn trong lần cắm hoa công quả tại chùa Quan Thế Âm (Q.Phú Nhuận), công việc được các bạn phân công nhịp nhàng, có trưởng nhóm hướng dẫn phân việc, người cột xốp, tỉa lá, cắm chính, cắm phụ… Ai phần việc đó, dồn tâm lực chăm chút từng chiếc lá, cánh hoa, và trọn tâm ý với “tác phẩm” ý nghĩa.
Trao nụ cười nhận sự hoan hỷ
Giáo viên mà làm thêm kinh doanh thì thật không dễ, ý thức được điều đó nên có những lúc không thuận lợi, hoặc trong những trường hợp nóng tính, chị nhanh chóng quay về niệm Phật để giữ định tĩnh. Ngoài dịch vụ để mưu sinh và duy trì hoạt động của doanh nghiệp, chị và nhóm cộng sự vẫn giữ nếp thiện nguyện cắm hoa công quả ở các chùa mỗi khi lễ lạt.
“Phải hết lòng trung thực với tất cả mọi người, phải hòa nhã và luôn cho người ta. Cái đơn giản đầu tiên là nụ cười, cho nhau sự vui vẻ, đó là tài sản mà mỗi người có sẵn, càng cho đi càng nhận được nhiều niềm hoan hỷ, như vậy cắm hoa mới đẹp, mới có hồn. Vì cắm hoa là nghệ thuật không đo được bằng con số, không có một công thức hẳn hòi nào cả, cho dù là kiểu cắm đó, nhưng đường nét lại khác đi, mỗi người cắm sẽ thổi hồn cho hoa nó khác nên người cảm nhận sẽ khác”, chị chủ trương.
Nói về những cạnh tranh trong kinh doanh, chị cười chia sẻ: “Trong kinh doanh, tôi nghĩ sẽ có nhiều sự cạnh tranh, nhưng tôi không quan tâm, vì duyên ai nấy hưởng, phước của ai nấy giữ, cái gì đến thì tôi nhận, cái gì không đến là mình biết chưa đủ duyên”.
Phước duyên
Là con út trong gia đình có tới 11 người con, khi sinh chị Ngọc Mai, mẹ chị đã 46 tuổi. Ngay từ nhỏ, cảm nỗi vất vả của người mẹ, chị đã có ý thức làm những điều đem lại niềm vui cho mẹ, ý thức rèn luyện “công dung ngôn hạnh” để làm mẹ yên lòng. Chị vẫn nhớ lời ba thường căn dặn, rằng: “Sống sao để người cũng nể mà quỷ thần cũng thương”, gia đình là thiêng liêng, và chị coi đó là phước duyên mà chị đã có được.
Tuổi thơ của chị gắn liền với tiếng kinh, câu kệ, nơi mái chùa, gắn liền với mẹ - cũng là người bạn đạo luôn bên cạnh mỗi khi chị yếu lòng hoặc gặp những bất trắc trong cuộc sống. “Nhiều đêm cả ê-kíp phải thức để cắm hoa ở chùa, mẹ cũng đi theo. Mẹ vui chung niềm vui của tôi và lo chung nỗi lo tôi đang gánh. Cứ thấy tôi buồn, mẹ lại ngồi bên. Mỗi khi tôi la rầy nhân viên vì không hiểu ý, mẹ cũng chính là người xoa dịu giúp tôi”, chị xúc động kể.
Có duyên với việc làm này, với chị, cắm hoa không bao giờ là việc lặp lại, nhàm chán, mà luôn có sự đam mê, tâm huyết và mày mò để tìm ra những mẫu mới. Trong vai trò người hướng dẫn, tiếp xúc với học viên, có người học để làm nghề, nhưng cũng có người học để thư giãn. Trong việc truyền lại kinh nghiệm, chị thường lồng những câu chuyện đạo lý, và theo đó, tạo thêm nhiều duyên mới, được học hỏi và trợ duyên cho nhau chuyển hóa những muộn phiền, để sống thảnh thơi, an lạc hơn.
Với chị Ngọc Mai, gia đình là điểm tựa vững, là nơi bình yên, vì vẫn còn có mẹ, có người cha cởi mở nhưng nghiêm nghị, cùng một đức tin và luôn giữ nếp sống đạo. Chị ý thức và luôn tri ân nghề mà mẹ chị đã định hướng trong tinh thần chánh mạng của đạo Phật, vì nhờ đó, chị vừa được thỏa mãn ước mong góp phần làm đẹp cuộc đời, vừa có điều kiện nuôi sống bản thân và gia đình một cách chân chính.
Mỗi khi được cắm hoa cúng dường Đức Phật, chị luôn có một cảm xúc đặc biệt, và cảm xúc đó luôn mới, làm cho chị có thêm năng lượng sống, làm việc không mệt mỏi. “Tôi nghĩ đó là phước duyên, việc làm ý nghĩa nhất, phước báu vô giá mà tôi có được trong cuộc đời này”.
Nói về niềm ấp ủ của mình, chị chia sẻ: “Tôi rất mong có phong cách cắm hoa nghệ thuật riêng, trong đó có phong cách cắm hoa cúng dường Tam bảo, thiền môn, như một số nước đã có. Cắm hoa cúng dường khác với cắm hoa trang trí thông thường, từ kiểu dáng, chủng loại hoa… và khi nhìn vào sẽ nhận ra đó là đặc trưng của cắm hoa Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ có đủ duyên lành để làm được những việc như vậy”.