Đọc sách: Người của một thời

GN - Người của một thời là tác phẩm mới nhất của Lê Công Cơ - Nguyễn Đông Nhật; sách do Nxb Hội Nhà Văn ấn hành quý 1 - 2017. Trên 400 trang sách với 16 bài viết mang dáng dấp thể loại ký khắc họa “chân dung nhân vật”, nhưng “không hoàn toàn như thế”, nó là những nét phác về chân-dung-bên-trong của nhân vật hay chân-dung-tâm-trạng của những người cùng thời thông qua tâm cảm của người-kể-chuyện.

Chuyện diễn ra trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, được các tác giả kể lại “hơn bốn mươi năm sau khi ngưng tiếng súng”. “Đã nhiều năm sau khi tiếng đạn bom thôi không còn gào thét. Nhưng những tiếng đau thầm, cũ và mới, vẫn không ngừng bên dưới bề mặt cuộc sống”.

sach, dangtam.jpg


Bìa sách

Từ những lớp bụi thời gian, từ những cái bóng mờ “trong hàng triệu cái bóng đã đi qua sân khấu lớn của đất nước trong những năm tháng dữ dội ấy”, những con người bình-thường mà vĩ-đại đã lại hồi sinh; họ là “những người đã bảo bọc chở che, những người bạn chiến đấu, những nhà giáo, những tu sĩ, những chính khách, những người lao động vất vả gặp tình cờ, trong những năm tháng gian khổ khốc liệt…”.

Có thể nói, dù không là tất cả, song họ chính là đại diện của một thời hào hùng, oanh liệt. Từ Người của một thời, chúng ta thấy nổi lên những con người có tên có tuổi, như: thầy Thích Đức Tâm, Thích Long Trí, Trương Văn Thông, Tôn Thất Nguyễn Phúc, Nguyễn Lương Y, Nguyễn Văn Sơn, Hồ Hiếu,…; tuy nhiên, cũng có những người không cần phải gọi rõ họ tên, như: một người chị Điện Hòa, một người sinh ra ở thôn Cẩm La, một người được biểu thị bằng “cái áo” (cà-sa).

Theo những người kể chuyện thì, “đại từ ‘tôi’ hay ‘anh’ trong tập sách không phải là một con người cụ thể nào, mà lúc thì là nhân vật được đề cập, khi thì là người quan sát hoặc mang lời lẽ của người kể chuyện hoặc dẫn chuyện”. Trên cái nền tâm tưởng, trên bức phông lịch sử, địa chí, những con người cùng thời ấy hiện lên chân thật, bình dị song không kém phần lung linh, sống động.

Nhưng, họ là ai? Hãy cùng nhìn qua ký ức và cảm nhận của một người con: “cô hiểu ra rằng, cha mình và những người cùng thế hệ với ông, ngày ấy tuy chỉ ở độ tuổi 20 nhưng đã rất chững chạc trong suy nghĩ và đối với họ, dẫu có chút lãng mạn của tuổi trẻ nhưng sự nghiệp và danh dự của con người là điều quan trọng nhất”. Dễ dàng nhận thấy: “Những người trẻ tuổi thời ấy là những trí thức còn rất trẻ tuổi. Trí thức là trái tim và khối óc của cộng đồng. Định nghĩa này là một giá trị không thay đổi, đối với bất kỳ cộng đồng nào. Và thái độ trí thức, trước hết, là sự thức tỉnh. Thức tỉnh, là để dấn thân-hành động. Từ những suy nghĩ như thế, nhiều người trẻ tuổi đã bước vào cuộc đấu tranh. Sức lực thân thể họ yếu đuối, nhưng sau lưng họ tồn tại một sức mạnh tinh thần được làm nên bởi âm nhạc, thơ ca, nghệ thuật… Đó là một phần của văn hóa; và bản chất văn hóa thì khó có sức mạnh nào có thể hủy diệt được…”.

Theo các tác giả, mục đích sự ra đời của tập sách là do mong muốn trả được, trong muôn một, món ‘nợ’ đối với cuộc đời qua những con người cùng gặp nhau ở một điểm chung: lòng yêu nước và khát vọng hòa bình - thống nhất tổ quốc. Do đó, “cuốn sách này cũng dành cho các bạn trẻ, với mong muốn rằng, thế hệ đi sau sẽ tiếp nhận những trải nghiệm của lớp người đi trước như một tài liệu tham khảo để bổ sung cho hành trang sống-làm-người của chính mình, một tài liệu sống đã được trả bằng máu của nhiều người”.

Đăng Tâm

Trời còn tối lắm. Và lạnh. Tháng Chín âm lịch ở vùng đất này đã sụt sùi mưa gió rồi. Không gian của đất trời thì sắt se, mà tâm trạng của người thì như lửa đốt. Dù có cố gắng bình tâm, thì cũng khó mà thoát được những thanh âm của cuộc sống đang gào réo chung quanh. Thầy biết rõ rằng, trên con đường tâm thức, đã là người tu thì phải vượt qua những trở ngại ấy. Nhưng đồng thời, thầy cũng hiểu, người tu không phải là người có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước bao khổ nạn của quần sinh. Những điều “vỡ lòng” ấy của chốn thiền môn, từ 20 năm trước, bổn sư và nhiều vị tôn túc vẫn thường nhắc nhở thầy mỗi khi có dịp...

Thầy thở dài, lặng lẽ nâng tách trà mộc đã nguội. Mấy tháng trước, thầy được các “ôn” gọi để cùng đi trong chuyến bay dân sự đặc biệt của Tổng thống Ngô Đình Diệm, vào Sài Gòn làm thủ tục cho phái đoàn Đại diện Ủy ban Liên phái Phật giáo, đi dự hội nghị cùng Ủy ban Liên bộ tại hội trường Diên Hồng. Ngỡ đâu bản Thông báo chung, trong đó có chữ ký của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Tổng thống Ngô Đình Diệm có thể làm dịu tình hình! Ngờ đâu đó chỉ là một kế hoãn binh để tạm thời xoa dịu khí thế đấu tranh đang sôi sục của đồng bào... Tiếp ngay sau đó, một Phật tử đã báo cho thầy biết tin nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam vừa tự sát để noi gương vô úy và từ bi của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Anh Phật tử này cũng kể lại nội dung bài báo của một nữ phóng viên tuần báo Newsweek tại Sài Gòn đã tiên báo sự sụp đổ của chính phủ ông Diệm. Rồi chỉ trong ba tháng mà đã có đến sáu vụ tự đốt thân tử đạo cho sự tồn vong của Phật giáo! Thầy nghĩ đến nhiệm vụ “hộ quốc an dân” của Phật giáo đối với dân tộc trong suốt hai ngàn năm lịch sử. Hộ quốc là gì nếu không là gắn bó với đồng bào trong mọi việc làm để cuộc sống được tốt đẹp hơn và an dân nào có gì khác hơn là đem ánh sáng trí tuệ đến với bao người? Phải làm gì để nối tiếp bước đi của những bậc tiền nhân, cổ đức?

Yên lặng đứng lên, thầy bước đến bàn thờ thắp thêm một nén nhang, nghĩ đến những việc phải làm ngày hôm nay. Trời đã mờ mờ; trước sân chùa, màu lá dần dần sáng xanh lên trong ánh sáng đang pha nhạt...

*

Trong những ngày tháng mà cả thành phố như bị đặt trên lò lửa nóng, thầy chợt nhớ một thanh niên yêu nước được thầy thương mến, trong nhiều lần anh đến gặp thầy. Qua những câu hỏi anh đặt ra đối với thầy về trách nhiệm của bất kỳ người dân Việt nào trước hoàn cảnh đất nước trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này, thầy hiểu anh là người của phía “bên kia”. Đã có lần thầy bộc lộ: Thời thế ni chắc là sẽ khó. Vận nước còn lênh đênh lắm, dân tình còn khổ sở và mất mát nhiều lắm; thầy chỉ mong nước nhà sớm thanh bình để khổ đau vơi bớt, để con người được sống với nhau như huynh đệ... Nhưng thầy cũng cho anh rõ: Là người tu, thầy không chấp nhận những tư tưởng bạo động và nghiêng về những giá trị vật chất. Và thầy cũng kiên định với ý tưởng rằng, Phật giáo không tách rời khỏi dân tộc.

(…)

Thời gian trôi nhanh quá! Mới đó mà đã hai mươi mấy năm rồi! Thầy nhớ lại, mới ngày nào bước vào chốn thiền môn ở tuổi 14. Rồi qua năm sau, thầy được Hòa thượng bổn sư cho thọ Sa-di giới. Rồi ở tuổi 20, sau năm năm hòa với nếp sinh hoạt-tu học của muối dưa-kinh kệ, thầy nguyện trọn đời hiến thân cho mục đích giải thoát, khi nhận giới Cụ túc tại giới đàn của tổ đình Báo Quốc do Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đường đầu.

Thầy nhớ lại thời gian những năm đầu của thập niên 1950, khi thầy làm cố vấn Giáo hạnh và phụ trách giảng dạy giáo lý Phật học cho các khóa huấn luyện Huynh trưởng và các lớp tu học thường kỳ của Gia đình Phật tử Thừa Thiên-Huế cùng những tháng ngày giảng dạy tại trường Bồ Đề Huế. Đã có biết bao san sẻ buồn vui cùng bà con Phật tử. Những con người chơn chất ấy, tuy không có nhiều kiến thức về giáo lý nhưng tín tâm của họ khiến thầy quý trọng và đã giúp thầy hiểu thêm về những gì cần phải vượt qua trên Con Đường. Việc hoằng pháp độ sanh với nhiệm vụ trụ trì ngôi chùa lớn ở cố đô (chùa Diệu Đế) ở tuổi đời lúc mới 26 cũng giúp thầy hiểu thêm trách nhiệm của bản thân.

Trong nhiều năm đảm nhận trọng trách Tổng Thư ký tòa soạn nguyệt san Liên Hoa và làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế), thầy đã hợp lực cùng Hòa thượng chủ nhiệm Trừng Nguyên Đôn Hậu và Ni trưởng Diệu Không làm thủ quỹ, làm cho Tạp chí Liên Hoa trở thành một cơ quan hoằng pháp mẫu mực, mang bản sắc văn hóa dân tộc. Ba mươi lăm năm sống trên đời, hai mươi mốt năm trong cửa chùa, thầy đã có một “vị trí” trong Giáo hội. Chợt thầy khẽ cười thầm, khi hai cái chữ này tự dưng thoáng qua. Có biết bao nhiêu vực thẳm bày ra đằng sau những hình tướng ấy!

(Trích Người của một thời, bài “Trước ao sen”
- câu chuyện về Hòa thượng Thích Đức Tâm, các trang từ 46-52)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày