GNO - Ghi nhận mới nhất, dịch bệnh Covid-19 hiện đã lan rộng đến 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 2 triệu người bị nhiễm, trên 126,7 ngàn người tử vong.
Covid-19 tác động nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống thế giới; đặc biệt là sự thiệt hại về sinh mạng, sự bất ổn về quan hệ quốc tế, sự khủng hoảng về y tế, kinh tế, tài chính và nhiều mặt khác của xã hội. Đây thật sự là cú sốc lớn của nhân loại.
Dĩ nhiên, không phải lần đầu tiên thế giới đối mặt với một đại dịch. Trong quá khứ, nhân loại từng chứng kiến những đại dịch chết người như dịch hạch thời Trung cổ, dịch “cúm Tây Ban Nha” vào năm 1918, “cúm châu Á” năm 1957, cúm A/H3N2 năm 1968 và gần đây hơn là cúm gia cầm SARS ở Hồng Kông, cúm A/H1N1 ở Mỹ hay dịch Ebola ở Châu Phi. Điểm chung của các đại dịch là gây ra những tổn thất nặng nề nhưng rồi chúng ta đều đã vượt qua.
Chung tay chuyển hóa
Covid-19 với quy mô và tốc độ lây nhiễm nhanh, tạo thành cuộc khủng hoảng “chưa từng có”. Nhưng chúng ta tin rằng, chắc chắn đến một lúc nào đó nạn dịch sẽ được khống chế và nhân loại sẽ phát triển được vaccine, những dây chuyền truyền nhiễm sẽ được chặn lại. Tin như vậy vì chúng ta đang hành động để kiểm soát và có hy vọng sẽ kiểm soát được tình hình. Và sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, hành tinh xanh có thể thở phào nhẹ nhõm, mọi người cùng hát bài ca chiến thắng để ăn mừng. Những bài học quý giá về sự kiên cường, lạc quan và hy vọng được đúc kết.
Thế nhưng, trong khi chờ đợi điều đó thành hiện thực, chúng ra hãy cùng nhau chia sẻ cách đối diện và tìm phương pháp góp phần cùng xã hội chuyển hóa dịch bệnh. Trong nhiều giải pháp cần thiết được tiến hành đồng bộ, giải pháp tâm linh cũng được xem là quan trọng và cần thiết hiện hiện nay.
Thứ nhất, hãy bình tĩnh và giữ sự cân bằng tâm lý. Dịch bệnh đối với thế giới cũng như bệnh tật đối với bản thân là hoàn toàn khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của con người. Ai cũng mong muốn được sống khỏe mạnh, nhưng sự khỏe mạnh của con người không thể là sự vắng mặt hoàn toàn bệnh tật ở trong đời sống, mà chỉ là sự vắng mặt ở mức độ tương đối.
Trong Tương ưng bộ kinh, tập III, phẩm Nakulapita, phần Nakulapita, Đức Phật đã dạy: “Ai mang cái thân này, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong giây phút, người ấy phải là người thiếu trí”. Thông điệp này xác nhận rằng, bệnh là một sự thật, không sớm thì muộn, không hình thái này thì hình thái khác, không ở nơi này thì cũng ở bộ phận khác trên cơ thể; con người cũng như mọi sinh vật khác đều phải kinh qua. Do vậy, hãy chấp nhận những giới hạn nhất định của kiếp người. Đây là một hiện tượng phổ quát, một hình thái của khổ (dukkha) bao trùm vạn vật. Biết chấp nhận sự thật khách quan và buông bỏ ý niệm mãi bám víu vào trạng thái khỏe mạnh trước đó của bản thân, ta sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
“Chìa khóa vàng để giải thoát chính mình khỏi những cảm xúc hoang mang, lo lắng vì dịch bệnh Covid-19 là hãy chung tay với Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; đồng thời nỗ lực thực hành pháp, làm thiện tích phước để chuyển hóa nghiệp lực. |
Cả hai thái cực này theo tác giả đều không nên vì sẽ tạo áp lực không đáng có với chính bản thân họ; đôi khi gây nguy hiểm cho gia đình và những người xung quanh. Về mặt tâm lý, khi nhận được thông tin dịch bệnh, tất nhiên ai cũng có phần bất an; cũng buồn, cũng sốc nhưng không nên xem đó là “tận thế” hay là đường cùng. Trong thời điểm này, cần bình tĩnh, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình chứ không nên quá hoang mang. Đồng thời, cần nhận thức rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bất kỳ ai cũng có thể bị lây nhiễm ngoài mong muốn. Do đó, không được chủ quan trong việc phòng chống dịch mà nên chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Một viễn cảnh không mấy tốt đẹp là nếu có người thân trong gia đình bị lây nhiễm, ta cũng cần tỉnh táo, làm chỗ dựa cho bệnh nhân hơn là cùng với người ấy hoảng loạn, làm phức tạp hóa vấn đề. Bao giờ cũng vậy, khi bình tâm chúng ta sẽ có giải pháp sáng suốt và hợp lý khi đối mặt với dịch bệnh để mang lại sự an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Giữ tâm bình tĩnh còn liên hệ mật thiết đến việc phát huy chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ trong đạo Phật. Ta đang sống trong xã hội thông tin, bên cạnh “dòng” thông tin chính thống và hữu ích, những tin giả xuất hiện tràn lan trên Internet và mạng xã hội thường gây hoang mang, lo lắng, bi quan cho không ít người. Các thông tin xấu, tin giả, tin sai lệch với mục đích “câu view”, xuyên tạc, bịa đặt có khi còn nguy hiểm hơn cả virus. Vì thế, khi tiếp nhận thông tin cần bình tĩnh, có chánh kiến, chánh tư duy để phân biệt, nhận diện đúng sai. Từ đó lên án, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, chỉ tuyên truyền những thông tin chính thống về dịch bệnh Covid-19 để cả cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh (chánh ngữ).
Thứ hai, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Chính phủ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Tại Việt Nam, riêng việc chống dịch, xử lý các vấn đề khi dịch bệnh xảy ra luôn được người dân tự hào và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao (trước đây là dịch SARS năm 2003 và bây giờ là dịch Covid-19).
Với diễn biến phức tạp, không ai biết dịch bệnh sẽ kéo dài đến bao giờ, nhưng với tinh thần chủ động, quyết liệt, Việt Nam dần khống chế và không để dịch bệnh bùng phát mất kiểm soát (nước ta đang có 267 ca nhiễm, trị khỏi 169 ca). Kết quả này là cơ sở giúp chúng ta có thêm sức mạnh, niềm tin để vượt qua khó khăn, bất ổn, hướng đến cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Ở bất cứ nơi nào bị dịch bệnh hoành hành, việc ngăn chặn lây lan và giảm thiểu các tác hại của virus không chỉ cần đến hệ thống lãnh đạo quốc gia, đội ngũ nhân viên y tế mà còn đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp hành động của toàn bộ người dân. Vì thế, mỗi người hãy chung tay, đồng lòng phòng tránh và ngăn chặn sự lây lan của virus, bằng cách chủ động thực hiện tốt các biện pháp đã được Bộ Y tế và Chính phủ khuyến cáo như: hạn chế ra đường, thường xuyên rửa tay bằng dịch kháng khuẩn, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không tụ tập đông người và thực hiện khai báo y tế... Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 có thắng lợi hay không trông chờ rất nhiều vào ý thức, vào trách nhiệm của mỗi công dân.
Thứ ba, nỗ lực thực hiện các thiện nghiệp để góp phần hóa giải dịch bệnh. Người Phật tử cần ý thức rằng, dịch bệnh là từ nghiệp sinh ra. Do vậy, muốn hết bệnh thì phải chuyển nghiệp; từ từ hóa giải được nghiệp bệnh. Covid-19 - đại dịch toàn cầu, có thể nói là cộng nghiệp của toàn nhân loại, của tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ. Thế mà trong “tâm bão” của dịch bệnh vẫn có người mắc bệnh có người không, có người bị ảnh hưởng nặng nề thậm chí đến phá sản, có người lại có thu nhập cao hơn bình thường,… Những biểu hiện sai biệt này chính là biệt nghiệp của mỗi người. Nhưng dù có cộng nghiệp hay biệt nghiệp, muốn đẩy lùi dịch bệnh chúng ta đều phải thực hiện các hành vi chuyển nghiệp.
Chúng ta có thể biến hoang mang, lo lắng thành sức mạnh thông qua việc cầu nguyện, thực hành pháp, năng làm các việc lành. Chuyển nghiệp trong dịch bệnh Covid-19 có rất nhiều phương thức thực hiện nhưng chung quy không ngoài ba cách, đó là: thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Y tế; thực hành pháp và làm phước thiện. Trước đã nói về cách chuyển nghiệp thứ nhất rồi, tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu về cách thứ 2 và 3.
Điểm cốt yếu của thực hành pháp trong đạo Phật là chuyển hóa nghiệp lực. Pháp ở đây có tụng kinh, niệm Phật, trì chú, sám hối, thiền chỉ, thiền quán và giữ giới. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ sở Phật giáo buộc phải dừng hoạt động để hạn chế lây lan dịch bệnh. Các thời khóa tu tập dành cho Phật tử tạm thời khép lại hoặc chuyển qua nghi lễ, sinh hoạt Phật pháp trực tuyến. Trong tình huống này, Trung ương Giáo hội Phật giáo khuyến khích Phật tử thực hành pháp tại gia đình “Ai ở nơi nào, ở yên chỗ đó”, “Tôi ở nhà cầu an cho bạn” và xem đó là một trong những biện pháp góp phần cùng nhân dân đẩy lùi dịch bệnh.
Nghiệp do tâm tạo, chuyển nghiệp cũng từ tâm mà chuyển. Việc thực hành các pháp giúp tâm ý được thanh tịnh; đồng thời chuyển tâm tham dục, vị kỷ thành tâm từ bi, vị tha. Nhờ đó mà diệt trừ được phiền não và nghiệp chướng đã tạo trong hiện đời cũng như nhiều đời quá khứ. Ngoài ra, phước đức được tăng trưởng, khả năng miễn dịch trong con người cũng được tăng cường để chống lại dịch bệnh.
Thực hành pháp trong Phật giáo luôn có sự dung thông giữa tha lực với tự lực, trong đó tự lực là chính. Một khi có niềm tin, có sự thành khẩn thì việc thực hành pháp cho một mục đích trong sáng cao thượng vì lợi ích tha nhân chắc chắn nhận được cảm ứng từ chư Phật và Bồ-tát. Điều cần lưu ý khi thực hành pháp là chúng ta đừng vì lòng vị kỷ bản thân, đừng để rơi vào cuồng tín (mê tín) cực đoan, thân tâm phải luôn luôn thanh tịnh, chánh tín.
Theo đó, thực hành pháp bằng tâm thanh tịnh, lòng từ bi, vị tha hồi hướng về cho gia đình, cho dân tộc và toàn thế giới sẽ tác động mạnh mẽ đến nghiệp lực của toàn nhân loại, giúp đẩy lùi dịch bệnh. Đây chính là chánh tín, là “cảm ứng đạo giao”, là viên mãn bất khả tư nghị. Nếu thực hành pháp với mục đích không đúng Chánh pháp hoặc để thực hiện tham vọng riêng tư thì không những không linh ứng mà còn phản tác dụng, tạo thêm ác nghiệp. Người Phật tử cần lưu ý điều này.
Khi chưa gặp Phật pháp, ta khởi tâm động niệm đều là vị kỷ tư lợi. Sau khi học Phật mới hiểu ra cái chấp trước này là sai lầm, tạo nghiệp xấu. Phật dạy thực tập từ bi hỷ xả, vô ngã, vị tha. Khi có sự chuyển đổi, tâm liền thanh tịnh, nghiệp lực biến thành nguyện lực vì lợi ích tha nhân, cảm ứng sức mạnh nội tâm rất lớn. Phật tử có thể phát tâm đóng góp tịnh tài mua trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm giúp đỡ đồng bào khó khăn hay đồng bào đang ở trong các khu cách ly tập trung hoặc san sẻ một chút công sức, tài sản (vật chất, tinh thần) của mình đến những người đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Khi cho đi, mình đang giải tỏa nghiệp lực cho bản thân và giúp người khác thoát khỏi sự bế tắc của họ.
Thực tế đang diễn ra, trong “tâm bão” của dịch bệnh, bên cạnh những người căng thẳng, đứng ngồi không yên, chúng ta vẫn thấy hình ảnh của những y bác sĩ, tình nguyện viên và nhiều chiến sĩ bộ đội, công an, người dân (trong đó có cả những em bé) sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân; có những hành động, việc làm ý nghĩa, tốt đẹp để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng, cứu giúp người có gia cảnh khó khăn. Dưới lăng kính Phật giáo, mỗi hành động của họ đều là phước thiện, là chuyển hóa nghiệp lực để thắp lên niềm tin, hy vọng chuyển hóa dịch bệnh và tô thêm truyền thống tương thân tương ái của người Việt bao đời.
Dịch bệnh nhắc ta điều gì?
Bệnh tật hay dịch bệnh thực ra còn báo động cho mình biết trân quý cuộc đời, thời gian và những người thân mình đang có. Dịch bệnh là cơ hội giúp chúng ta thay đổi và cân bằng lại nhiều mặt đời sống. Mọi thứ có sanh, diệt; dịch bệnh cũng vậy. Vì thế, ta không tuyệt vọng!
Chưa bao giờ con người lại gần nhau, gắn chặt với nhau như lúc này. Cùng chung số phận, nếu không có khả năng tương trợ, gánh vác cùng nhau và cho nhau, thì chỉ có thể đẩy nhau vào thảm họa. Cùng đồng lòng quyết chí thì dù chúng ta đang phải xa cách vì dịch bệnh nhưng vẫn có thể đến gần nhau hơn bằng lòng từ bi và tình nhân ái trong sự che chở của mười phương Tam bảo.
ĐĐ.TS.Thích Không Tú