Đối diện với sân giận

Giác Ngộ - Người ta sân. Người ta nhìn bạn bằng đôi mắt chứa lửa, ngờ như có thể thiêu đốt bạn ngay tức khắc. Bạn sẽ thế nào? Sẽ sân giống họ để đối kháng lại, hay sợ hãi, hay bình thản theo dõi hơi thở, niệm danh hiệu Mẹ hiền Quán Thế Âm?

Đối diện với cơn sân của người

Đó là khi ta bất ngờ đụng phải năng lượng mang tính tàn phá của một ai đó. Họ sẽ hét lên: “Tao sẽ giết mày”, hoặc “Mày chết với tao, tao không tha cho mày…”. Và kèm theo đó có thể là những thoi đạp, ngắt nhéo! Da thịt con người với những tương tác như thế đương nhiên sẽ đau. Thân đau thì tâm cũng bị ảnh hưởng, có thể cũng đau như thế và có thể đau gấp bội bội lần (nếu người gây ra nỗi đau nơi thân mình là người mà mình định vị là người thân-thương, nghĩ là họ hiểu mình, họ sẽ chẳng bao giờ có thể nỡ giáng xuống thịt da mình những cay cú như thế).

 

Ảnh minh hoạ

Và mình sẽ tiếp tục chạy theo cơn đau và nỗi sân giận nơi người ta thế nào? Nếu mình yếu lòng có thể mình sẽ thất vọng, sẽ đau quặn và để cho mọi thứ nơi tâm mình “rớt hạng”. Niềm tin vào cái gọi là tình-yêu thương, tôn trọng, hoặc cả những kỷ niệm đẹp, những giá trị đã được nhận định trước đó về họ cũng có thể bị phủi sạch để thay vào đó là sự đớn đau thể xác lẫn tâm hồn. Và có thể bước tiếp theo của quy trình ấy, nếu bạn không kịp dừng lại thì nó sẽ dẫn bạn vào nỗi sân giận giống như năng lượng mà người kia vừa gây ra cho mình!

Ngược lại, nếu bạn bình tĩnh đón nhận nó. Nhận diện mình đau và chịu khó quán chiếu: “Có thể mình đã từng đánh đập, từng trút lên đầu người kia nỗi sân giận như thế này, hoặc hơn… Mình từng… và mình từng…”. Những giả định về nhân như thế mới dẫn đến quả như vầy sẽ cho mình một cái nhìn khác: chịu đựng, để “trả hết, trả hết cho người”. Vay thì phải trả, hoan hỷ mà trả thì nợ mới hết, phải không?

 

Và giả sử, nếu việc đối diện với nỗi sân của người kia là chưa có nhân nào cả, mà đó chỉ là sự vô lý của người ta thì với mình cũng có một cái lý: đó chính là bài test (kiểm tra) cho sự thực tập hạnh tha thứ, khoan dung, cho sự nhẫn nhục chịu đựng để level (thứ hạng) của nội tâm được bước lên những than điểm cao hơn! Đó chính là sự tiến tu trên lộ trình đi tới giác ngộ, giải thoát.

Đối diện với cơn sân của mình

Tham-sân-si, ba món độc ấy phàm là người thì ai cũng có, chỉ khác là cách biểu hiện. Nếu người có thực tập tĩnh tâm, có quán niệm, và nhận diện ba món độc ấy là nguyên nhân của khổ, của vô minh thì khi gặp lại “bạn cũ” (sân) thì có thể còn kịp kiểm soát và kịp chào, gọi đúng tên “người bạn” theo mình bấy lâu nay. 

Đó là khi, sân gõ cửa, mình mở cửa và chào: “Chào sân, tớ biết bạn rồi đấy”. Đó cũng là lúc mình nhận ra ngay: mình đang sân đây. Và mình cũng thừa biết, nếu để tình trạng này kéo dài thì mình sẽ làm phá vỡ nhiều thứ, phá vỡ những mối quan hệ và đặc biệt là những giá trị nội tâm mà mình đã xây dựng, giữ gìn trước đó. Ở chỗ này, Bụt nói là “một chút lửa sân, đốt tan cả rừng công đức”. Vì biết rõ như thế (nhờ gọi đúng tên) nên mình sẽ có cách đối trị, giống như thầy thuốc vậy đó, muốn trị bệnh thì phải bắt mạch, phải khám bệnh, rồi cho thuốc mới trúng, uống mới hết!

Đối trị

Trước cơn sân của người, nếu mọi thứ đã an bài thì mình quán chiếu như trên rồi xả bỏ, thứ tha. Nếu nó đến và mình có thể chuyển xoay tình thế bằng cách làm cho người kia nhận ra đó là cơn sân tội lỗi thì hãy giúp họ dừng tạo nghiệp. Còn nếu mình không thể giúp họ, và biết mình có khả năng né được cơn sân này thì nên né để tránh cho họ tạo nghiệp. Tất cả những cách ứng biến ấy đều trên cơ sở của tình thương và trí tuệ, đồng thời cũng nằm trong khả năng chịu đựng hoặc khả năng “chi trả” của mình.

 

Nhẫn - Ảnh: Internet

Giả sử mình mắc nợ thật, bây giờ mình có khả năng chi trả thì cứ vui vẻ trả, còn nếu họ đòi mà mình biết chưa đủ khả năng thì cứ tạm thời… khất nợ đã. Biểu hiện của sự khất nợ ấy chính là né, tránh đối tượng đang sân với mình.

Trước sự sân giận của bản thân mình thì như trên, cách đối trị phải là gọi đúng tên, quán niệm sâu sắc. Làm lắng dịu tâm mình bằng cách nhận diện cho rõ ràng: nếu sân có nghĩa là mình đang đốt những thiện lành đã tạo, đang tạo thêm nợ nần… Cứ thế, niệm câu thần chú ấy cùng với nhiều phương pháp khác kết hợp như niệm Phật, thiền hành, thiền tọa, cùng với sự phát nguyện trước Tam bảo rằng nguyện bỏ dần tập khí sân si, nguyện gieo hạt giống từ bi, hỷ xả trong tâm… Sự tưới tẩm hạt lành, ngăn đe hạt xấu như thế nếu được làm thường xuyên, miên mật (chánh tinh tấn) thì sợ gì thân tâm mình không an, sợ gì không hàng phục được con ma sân giận nơi tâm mình?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày