Đối diện với… vắc-xin

Ảnh: Anh Quốc
Ảnh: Anh Quốc
0:00 / 0:00
0:00
GN - Những ngày này, TP.HCM và một số tỉnh thành khác đã và đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 quy mô lớn. Theo ước tính, đến tối ngày 27-6, hơn 700 ngàn liều vắc-xin đã được tiêm xong.

Chiều ngày 22-6, tôi nằm trong nhóm nhân sự thuộc Báo Giác Ngộ đến điểm tiêm tại Bệnh viện Hùng Vương để tiêm vắc-xin Covid-19 mũi đầu tiên. Thật lòng mà nói, tiêm vắc-xin là việc mà tôi đã phải đắn đo rất nhiều lần trước khi quyết định. Một phần vì tuy còn trẻ nhưng sức khỏe tôi lại không hẳn tốt; phần khác vì trước đó, những thông tin trên báo chí về những phản ứng phụ sau khi tiêm xảy ra với một số người ở đây đó khiến tôi có phần… ớn ớn. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định đăng ký tiêm vắc-xin, vì bản thân mình cũng như vì sự an toàn chung cho mọi người xung quanh, trong khi thành phố đang ở trong khoảng thời gian căng thẳng nhất với những diễn biến phần nào nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch lần này.

Chuyện đi tiêm

Tại điểm tiêm, mọi công việc diễn ra khá nhanh chóng và chuẩn xác. Những người đến tiêm, ngoài việc khai báo y tế trước đó, còn phải trải qua khâu khám sàng lọc, kiểm tra thông tin về sức khỏe, tiền sử bệnh lý để xác định liệu người đó có đủ tiêu chuẩn để tiêm hay không. Có người vượt qua khâu khám sàng lọc rất nhanh, có người lại trắc trở, thậm chí phải ra về, không thể tiêm vì lý do phổ biến nhất là… tăng huyết áp.

Tôi có một chị bạn, làm việc ở một đài truyền hình lớn của thành phố đã phải hoãn việc tiêm vắc-xin vì vấn đề này. Theo chị kể, khi đến khám sàng lọc tại điểm tiêm, dù cố gắng đo huyết áp đến lần thứ 6 nhưng cuối cùng chị vẫn phải ra về vì huyết áp cứ tăng liên tục. Hóa ra, chị vốn bị hội chứng sợ bệnh viện, hễ vào bệnh viện là chị lại mất bình tĩnh và tăng huyết áp. Câu chuyện “sợ blouse trắng” này cũng xảy ra với một số người khác, trong đó có cả một vị đồng nghiệp trong nhóm tiêm của tôi. May mắn là đến lần đo thứ nhì thì huyết áp của đồng nghiệp tôi ổn định lại, và vị này sau đó đã được tiêm.

Ba ngày sau khi tiêm, sức khỏe của nhóm chúng tôi khá ổn định. Những phản ứng với vắc-xin vẫn xảy ra nhưng hầu như không có ai chịu ảnh hưởng do tác dụng phụ quá nhiều, hầu hết chỉ dừng lại ở những biểu hiện khá nhẹ nhàng: nhức mỏi cơ, đau đầu nhẹ, mệt mỏi,… Riêng tôi, người được coi có sức khỏe kém nhất nhóm và bản thân cũng xác định chắn chắn sẽ chịu phản ứng, cuối cùng lại không gặp nhiều vấn đề với vắc-xin.

“… Tâm vô quái ngại”

Trải nghiệm đi tiêm vắc-xin là một trải nghiệm kỳ lạ, có lẽ là kỳ lạ nhất mà bản thân tôi từng trải qua. Những ngày trước khi tiêm, vô số thông tin về các ca biến chứng, thậm chí tử vong do bệnh nền cộng với tác động từ vắc-xin được đăng tải trên các mặt báo khiến tôi đôi khi mất bình tĩnh, thậm chí có ý định dừng việc tiêm. Rồi trong hơn 2 ngày sau khi tiêm, lướt một vòng Facebook, tôi gặp không ít dòng ca thán của bạn bè phải “vật vã” sau khi tiêm vắc-xin khiến nỗi sợ trong tôi thi thoảng dâng cao. Trong những ngày đó, dù muốn hay không, bản thân tôi buộc phải theo dõi kỹ từng diễn tiến sức khỏe của mình. Và dần dần, tôi phát hiện ra, tâm lý có sự ảnh hưởng đến chúng ta còn lớn hơn cả những tác động sinh học.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mỗi tối, trước khi đi ngủ, tôi duy trì thói quen ngồi yên, theo dõi hơi thở và trì tụng Bát-nhã Tâm kinh. Những ngày “dưỡng thương”, thói quen ấy dường như phát huy phần nào tác dụng. Tập thở sâu, thở đều và chú ý quan sát hơi thở trong khi nhọc mệt không phải là điều dễ dàng, nhưng trong những lúc thân thể và tâm lý phải đối diện với tác động, hơi thở và tập theo dõi thở lại giúp ích cho chúng ta nhiều. Là một Phật tử, tụng vô số lần Bát-nhã Tâm kinh với câu “vô quái ngại, tâm vô quái ngại…”, nhưng chỉ đến lúc đối diện với… vắc-xin, tôi mới thấy “vô quái ngại” là điều không hề dễ dàng một chút nào, mặc dù trước khi đi tiêm, ai hỏi rằng “có sợ không?”, tôi đều khẳng định chắc như thép là “không!”.

Những cuộc điện thoại hỏi thăm liên tục từ ba mẹ, gia đình, bạn bè, những tin nhắn mang đầy nỗi lo lắng được gửi tới kèm những đường link mang hàng tá thông tin chính thống lẫn bên lề về vắc-xin,… đó là những gì tôi (và chắc chắn nhiều người khác) phải đối diện trong những ngày sau tiêm vắc-xin. Suy cho cùng, đó đều là những tình cảm thông thường của mỗi người đối với một cá nhân trong hoàn cảnh nhất định. Nhưng cách thể hiện tình cảm của mọi người xung quanh đôi lúc lại đẩy cá nhân đó đi đến chỗ tiêu cực, nhất là khi cá nhân đó không phải là một người vững vàng trước những “cơn bão” cảm xúc.

“Vô quái ngại” chính là điều mà tôi buộc phải thực tập trong những ngày sau tiêm. Đóng cửa bớt các giác quan, dừng đọc những thông tin tiêu cực, chú ý đến hơi thở và những biến đổi vi tế trong cơ thể mà bản thân có thể cảm nhận được và động viên những người xung quanh đang trong tình trạng tương tự như mình,… chỉ đơn giản như vậy thôi. Nhưng có lẽ, chính những điều đơn giản đó, cộng với thể trạng ổn định đã giúp tôi bước qua những ngày sau tiêm một cách vô sự.

Nên tiêm hay không nên tiêm?

Đó chắc chắn là câu hỏi mà nhiều người chưa tiêm và sắp tiêm đặt ra cho mình lúc này. Đối với tôi, tiêm vắc-xin là một điều nên làm nếu có cơ hội, tất nhiên là trong trường hợp sức khỏe chúng ta đảm bảo tiêu chuẩn để tiêm. Trong một đoạn clip được đăng tải trên YouTube, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I chia sẻ rằng khi nghe thông tin về những người gặp vấn đề về tiêm vắc-xin, chúng ta phải hết sức bình tĩnh.

Đôi lúc, không thể vì những biến chứng mà người này hay người khác gặp phải mà chúng ta lại e dè. “Sắp tới, khi nghe thấy những hiện tượng có thể xảy ra, mình phải hiểu được những biến chứng như nhồi máu cơ tim có thể chỉ là trùng hợp. Những người tiêm vắc-xin xong sẽ có các nhóm gặp tình trạng khác nhau, có thể có những người không gặp vấn đề gì cả; có những người gặp những vấn đề như đau nhức mình mẩy, sốt… và có thể có những người biểu hiện thật nhưng lại có phần lại là do… tưởng tượng…”, bác sĩ Khanh thông tin thêm.

Đồng thời, trong phần trao đổi của mình, bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo mọi người rằng đừng vì những gì mình chỉ mới nghe sơ qua hoặc thông tin từ nhiều chiều mà lại ngại việc tiêm vắc-xin. Điều quan trọng nhất với chúng ta khi tiêm chủng vắc-xin, đó chính là khai báo một cách chính xác về những vấn đề bệnh lý mà mình có, để từ đó, những người chịu trách nhiệm tại nơi tiêm chủng có thể đưa ra những quyết định phù hợp dành cho chúng ta.

Riêng tôi, bản thân vẫn giữ quan điểm rằng việc tiêm vắc-xin hiện nay là điều cần thiết. Trong khi những nỗ lực chặn đứng việc lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đang được thực hiện ráo riết, việc tiêm vắc-xin khi được đề nghị cũng có thể xem là cách để đóng góp vào việc giảm thiểu tác động của dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày