Đối luận về Phật pháp cốt để an lạc

0:00 / 0:00
0:00

GN - Từ thời Thế Tôn, việc nhận thức giáo pháp trong các Tỳ-kheo đã có những bất đồng do nghiệp lực, trình độ và hiểu biết khác nhau. Vì vậy, khi một người diễn thuyết giáo pháp, người khác có thể nhận định đúng hoặc sai với Chánh pháp về văn cú lẫn nghĩa lý.

Văn cú là trích dẫn đúng hoặc không đúng nguyên văn lời Đức Phật. Nghĩa lý là diễn giảng, phân tích nội dung của văn cú ấy đúng hoặc không đúng với ý của Đức Phật. Trong bốn trường hợp: Cả văn và nghĩa đều sai, hoặc văn đúng mà nghĩa sai, hoặc văn sai mà nghĩa đúng, hoặc cả văn nghĩa đều đúng thì sự đối luận có thể xảy ra.

549911_10151302707909069_1997675474_n.jpg

“Một thời, Phật ở tại nước Ca-duy-la-vệ, trong khu rừng của Ưu-bà-tắc Miến-kỳ, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người…

Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

- Ta đối với pháp này tự thân tác chứng. Đó là bốn niệm xứ, bốn thần túc, bốn ý đoạn, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám đạo Hiền thánh. Các ngươi tất cả hãy cùng hòa hợp chớ sanh tranh chấp. Cùng theo học một Thầy, cũng như nước và sữa hòa một; ở trong Chánh pháp của Như Lai, hãy tự thắp sáng cho mình, nhanh chóng được an lạc.

- Sau khi đã được an lạc, nếu có Tỳ-kheo nào, trong lúc có Tỳ-kheo đang thuyết pháp, mà nói rằng: Điều được nói của vị kia, văn cú không chánh; nghĩa lý không chánh. Tỳ-kheo nghe như thế, không nên nói đấy là đúng, cũng không nên nói đấy là sai, mà hãy nói với Tỳ-kheo ấy rằng: Thế nào, chư Hiền? Câu của tôi như vậy. Câu của các ngài như vậy. Nghĩa của tôi như vậy. Nghĩa của các ngài như vậy. Cái nào hơn? Cái nào thua? Nếu Tỳ-kheo kia nói rằng: Câu của tôi như vậy. Câu của ngài như vậy. Nghĩa của tôi như vậy. Nghĩa của ngài như vậy. Câu của ngài hơn. Nghĩa của ngài cũng hơn. Tỳ-kheo kia nói vậy, nhưng cũng chớ cho là đúng, cũng chớ cho là sai, mà nên can gián Tỳ-kheo ấy, nên khuyến cáo hãy từ bỏ, hãy cùng suy cầu. Như vậy, cùng nhau hòa hợp, chớ sanh tranh chấp. Cùng một Thầy học, như sữa và nước hợp nhất; ở trong Chánh pháp của Như Lai, hãy tự mình thắp sáng, chóng được an lạc.

- Sau khi đã an lạc, nếu có Tỳ-kheo nào trong khi có Tỳ-kheo đang thuyết pháp mà nói như vậy: Điều mà vị ấy nói, văn cú không chánh, nhưng nghĩa thì chánh. Tỳ-kheo nghe như vậy, không nên nói đấy là đúng..., hãy tự mình thắp sáng, nhanh chóng được an lạc.

- Sau khi đã an lạc, nếu có Tỳ-kheo nào trong khi có Tỳ-kheo đang thuyết pháp mà nói như vậy: Điều mà vị kia nói, văn cú chánh, nhưng nghĩa không chánh. Tỳ-kheo nghe như vậy, không nên nói đấy là đúng..., hãy tự mình thắp sáng, chóng được an lạc.

- Sau khi được an lạc, nếu có Tỳ-kheo trong khi có Tỳ-kheo đang thuyết pháp mà nói như vậy: Điều được thuyết kia, văn cú chánh, nghĩa chánh. Tỳ-kheo nghe như vậy, không nên nói là sai, mà hãy nên khen ngợi Tỳ-kheo ấy rằng: Điều ngài nói là đúng. Điều ngài nói là đúng. Vì vậy, này Tỳ-kheo, trong mười hai bộ kinh hãy tự mình chứng nghiệm, rồi lưu bố rộng rãi. Một là Quán kinh. Hai là Kỳ dạ kinh. Ba là Thọ ký kinh. Bốn là Kệ kinh. Năm là Pháp cú kinh. Sáu là Tương ưng kinh. Bảy là Bổn duyên kinh. Tám là Thiên bổn kinh.

Chín là Quảng kinh. Mười là Vị tằng hữu kinh. Mười một là Thí dụ kinh. Mười hai là Đại giáo kinh. Các ngươi hãy khéo thọ trì, hãy tùy năng lực mà suy xét, phân bố rộng rãi”.

(Kinh Trường A-hàm, kinh Thanh tịnh, số 17 [trích])

Đức Phật đã dạy rõ ràng, trong bất cứ trường hợp nào, nếu đối luận xảy ra thì người thuyết pháp nên bình thản, nhẹ nhàng, từ tốn cùng nhau trao đổi, thảo luận vấn đề. Sự đối luận là hoạt động tri thức cần thiết, nhưng không phải vì hơn thua mà với mục đích cao cả là hiển bày Chánh pháp và mang đến sự an lạc. Vì thế, lời Đức Phật dạy: “Ở trong Chánh pháp của Như Lai, hãy tự mình thắp sáng, chóng được an lạc” luôn là kim chỉ nam cho tất cả các hoạt động thảo luận, đối luận về giáo pháp của tứ chúng đệ tử Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày