Đội xây cầu thiện nguyện

GN - Tại Sóc Trăng có một đội “xóa cầu khỉ” thiện nguyện với hàng trăm chiếc cầu kiên cố được nối liền đôi bờ, phục vụ đời sống của nhân dân địa phương. Hành trình của những người “nối nhịp bờ vui” chính là sự tự nguyện dấn thân.

Hơn 10 năm xóa cầu khỉ, cầu tạm

TT.Thích Minh Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực GHPGVN tỉnh  Sóc Trăng cho biết: “Năm 2008, tôi có cơ duyên đi Mỹ. Khi bước đến xứ sở văn minh này, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là những chiếc cầu bắc ngang đường giao thông.

Từ đó, tôi có suy nghĩ, nước Mỹ được xem là cường quốc có phải nguyên nhân từ việc ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, câu hỏi này làm tôi trăn trở nhiều cho vấn đề ‘giao thông cầu khỉ’ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, quê hương của mình. Tôi đã nuôi mong ước xóa được những chiếc cầu tạm, cầu khỉ, xây dựng những chiếc cầu kiên cố hơn, bắc qua sông để thúc đẩy phát triển kinh tế những vùng nông thôn còn nghèo khó”.

XH hinh (2).JPG

Chiếc cầu bê-tông do đội xây cầu thiện nguyện thực hiện

Như TT.Thích Minh Hạnh nói, khó khăn gặp phải không ít nhưng với quyết tâm của nhiều người cùng chí hướng, đội xây cầu thiện nguyện đã trải qua những hành trình dài và ước mong đã thành hiện thực. Hơn 10 năm xây cầu, đội thiện nguyện đã xây dựng hơn 220 cây cầu bê-tông với nhiều kích thước khác nhau ở Sóc Trăng và các tỉnh lân cận. Có cây trị giá vài chục triệu đồng, có cây hơn 100 triệu đồng nhưng so với giá trị thật, nó có thể hơn thế.

Nói về quy trình làm cầu, TT.Thích Minh Hạnh cho biết, so với cầu nhà nước làm, thì cầu của đội thực hiện đỡ tốn chi phí hơn. Bởi, bên cạnh  tiền vật liệu cần thiết phải bỏ ra, các chi phí khác do nhân công tự nguyện thực hiện, hoàn toàn miễn phí. Hiện tại, đội thiện nguyện xây cầu do TT.Thích Minh Hạnh thành lập với hơn 20 thành viên, không chỉ xây cầu ở tỉnh Sóc Trăng mà còn nhiều tỉnh thành lân cận. Thi công xây cầu ở địa phương nào thì đội sẽ kêu gọi thêm sự đóng góp nhân công ở nơi ấy. Vì vậy, giá thành của những cây cầu bê-tông do đội thực hiện có chi phí tương đối thấp hơn.

Nói về những người thiện nguyện xây cầu, TT.Thích Minh Hạnh cho biết, hầu hết anh em đều làm trên tinh thần phục vụ là chính. Ngoài ra, họ cũng nhận chút ít thù lao bồi dưỡng nhưng không đáng kể, thấy được những thành tựu và lợi ích của công việc mình làm, nên hầu hết đều phấn khởi và hết lòng trong công việc.

“Còn cầu khỉ, cầu tạm thì còn dấn thân”

Đó là chia sẻ của hầu hết những anh em trong đội thiện nguyện làm cầu bê-tông. Mỗi người đến với công việc này từ nhiều nhân duyên khác nhau. Anh Trần Văn Đặng cho biết: “Ban đầu tôi chỉ đến chùa phụ làm công quả, gần thầy nhiều, thấy được công việc của thầy đang làm nên góp sức. Bên cạnh đó, tôi được gia đình ủng hộ hết lòng nên rất vui được đóng góp công sức của mình cho cộng đồng, thông qua những nhịp cầu yêu thương của thầy”.

Đội thiện nguyện xây cầu bê-tông ở Sóc Trăng đa phần là những người nông dân chân chất, không từng qua một trường lớp đào tạo về cầu đường nhưng từ công việc thực tế họ học hỏi thêm kinh nghiệm. Ngoài ra, nhóm còn được sự chỉ dạy của TT.Thích Minh Hạnh về cách đan phen, đổ dầm, làm móng, nghiên cứu độ lún của sông… để có thể tạo nên những chiếc cầu kiên cố mà giá thành lại rẻ.

Ông Nguyễn Văn Việt là người nhiều năm gắn bó và là thợ lành nghề trong đội cho biết: “Từ những ngày đầu khi đội làm cầu thành lập, tôi đã tham gia. Ban đầu đội chỉ có vài người, hiện nay đã lên đến con số hơn 20 người”. Ông Việt không nhớ mình đã cùng anh em làm ra bao nhiêu cây cầu, nối liền bao nhiêu bờ sông, con rạch nhưng theo ông chia sẻ thì nhiều lắm.

Chỉ người dân ở quanh những chiếc cầu là nhớ mãi về họ, về những người làm cầu thiện nguyện với sự biết ơn và niềm tin sâu sắc vào lòng tốt, sự dấn thân. Và hành trình của đội làm cầu thiện nguyện sẽ còn tiếp tục, khi những chiếc cầu khỉ, cầu ván chưa được thay thế bằng những chiếc cầu bê-tông kiên cố, như sự chân thành của họ khi chia sẻ “cầu khỉ, cầu tạm ở miền Tây còn nhiều lắm, chỉ sợ không có tiền để làm mà thôi”.

“Với tên gọi của chương trình ‘Nhịp cầu yêu thương’, chúng tôi mong muốn thông qua việc kêu gọi làm cầu bê-tông này, đã kết nối được tình người trong cộng đồng, giúp mọi người gần nhau hơn. Khi tình người và yêu thương được lan tỏa, thì cho dù khó khăn trở ngại như thế nào cũng sẽ vượt qua”, TT.Thích Minh Hạnh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày