GNO - Không hiểu sao những ngày này, khi mọi công tác chuẩn bị đón mừng Phật đản đang khẩn trương hoàn tất để bước vào mùa lễ, tôi lại nhớ đến bà - người nghệ sĩ có biệt danh thật buồn “Sầu nữ” Út Bạch Lan.
Bởi lẽ, sinh thời, mỗi khi đến lễ Phật đản là bà cùng các anh chị em nghệ sĩ trong nhóm Hoa Lan trắng lại tất bật với những show diễn tại các chùa trong và ngoài thành phố. Với bà, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của một người Phật tử - một nghệ sĩ lúc tuổi xế chiều.
Buông tấm màn nhung danh vọng hết,
Người về lòng rũ sạch sầu thương
Người vào cởi áo lau son phấn
Nhận cả vinh quang lẫn đoạn trường.
Trên sân khấu cải lương, bà là một nghệ sĩ nổi tiếng. Giọng ca buồn da diết cùng những vai diễn có số phận bi thương của bà đã lấy đi biết bao nước mắt của công chúng mộ điệu. Có người cho rằng, chính những thân phận buồn trên sân khấu đã “vận” vào bà, khiến đời riêng của bà cũng thật buồn.
Thuở còn xuân sắc, bà yêu và ưng một kép hát đẹp trai, đào hoa. Cuộc tình duyên này đã làm tốn hao biết bao bút mực của giới báo chí thời bấy giờ nhưng đáng tiếc, nó chỉ ngắn ngủi có vài năm. Và trong khoảng thời gian chung sống ấy, kể cả sau này, khi đã ly hôn, bà đã đứng ra nhận nuôi những đứa con rơi của chồng khi chúng còn đỏ hỏn. Khi được phỏng vấn: “Tại sao bà lại làm như vậy?”, bà mỉm cười: “Út muốn tụi nhỏ được gần cha. Tụi nó đã phải xa mẹ rồi, nếu không có cha nữa thì…tội quá!”. Vậy đó, chỉ gói gọn trong hai từ “tội quá” thôi mà bà đã vượt qua được cái “ngưỡng” ghen tuông thường tình để mở lòng đón nhận.
Bao nhiêu năm chắt chiu, nuôi nấng, đến một ngày, bất ngờ, mẹ của những đứa trẻ ấy quay lại tìm con. Bà lại lầm lũi đi làm lại khai sanh, giấy tờ để trả con về với mẹ. Một lần nữa, câu hỏi “tại sao” lại xoáy vào cuộc đời bà. Bà vẫn nhẹ nhàng: “Nếu Út giữ tụi nhỏ lại thì những người mẹ đó mất con. Út thấy mình không nỡ ích kỷ như thế. Út không có phước sinh con, bao năm qua, mình đã ‘mượn’ con của người ta để an ủi mình, giờ trả tụi nhỏ về cho mẹ con chúng được đoàn tụ, Út cảm thấy cũng tốt, vì dù sao đi nữa, đó cũng là tình thâm”. Vốn dĩ là một Phật tử, nên giáo lý nhà Phật phần nào đã thấm trong tư tưởng của bà. Bà đã nương theo đó, lấy từ bi, hỷ xả làm cứu cánh để sống.
Còn đối với người chồng năm xưa, khi được hỏi, bà có hận ông không? Bà cười hiền: “Không đâu! Có lẽ đó là nghiệp mà Út phải trả. Chắc kiếp trước, Út vay của ổng quá nhiều, nên kiếp này phải trả cho xong”. Thật vậy, nếu thế gian là một cuộc khóc - cười, thì sống ở đời, làm sao ta có thể thoát khỏi luật vay - trả của chính mình. Bà đã sống với cuộc đời và trả nợ cuộc đời bằng một tình thương như thế.
Cố nghệ sĩ Út Bạch Lan trong một chuyến thăm, tặng quà đến các em mồ côi tại chùa Từ Hạnh (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Hiệp |
Tuổi về chiều, bà không còn đứng nhiều trên sân khấu, nhưng bước chân bà lại âm thầm len lỏi đến tận những mảnh đất xa xôi, hẻo lánh, những mái chùa quê… để hát cho bà con, Phật tử nghe; để trao tận tay những món quà nhỏ nhưng chan chứa ân tình. Có chứng kiến bà khệ nệ ôm từng phần quà nặng trĩu, lội bộ quãng xa vì đường nhỏ hẹp, xe không vào được để phát cho bà con nghèo, mới cảm nhận được hết tấm lòng của bà. Ở những ngôi chùa quê, đời sống sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, bà cùng với anh chị em nghệ sĩ trong nhóm thiện nguyện lại bàn nhau hát gây quỹ cho chùa. Có khi hát xong, mọi người chỉ ăn một bữa cơm chay rồi về, vậy mà vui…
Và khi những dự định thiện nguyện hãy còn ấp ủ, thì vô thường đến, bà đã nằm xuống vào một đêm cuối thu…
Đám tang của bà được quàng ở chùa, thật ấm cúng. Bà nằm đó giữa rừng hoa lan trắng, trong tiếng tụng kinh trầm mặc không dứt của từng đoàn Tăng Ni, Phật tử. Ngày đưa tang bà, trời mưa tầm tả, nhưng mọi người vẫn đội mưa đến tiễn bà rất đông. Và khi chiếc quan tài dần được đưa xuống nơi hỏa táng, thì dòng chữ “Vĩnh biệt Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan” trên bảng đèn led cũng được tắt đi. Bất giác, tôi chợt nhớ đến câu thơ của thiền sư Vạn Hạnh: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô…” (Thân như bóng chớp có rồi không). Một đời người, đi cho đến tận cùng thì danh vọng, của cải, tiền tài… cũng chỉ là phù vân. Chỉ có cái “duy ngã độc tôn” - là bản tâm, là Phật tánh mà khi mới ra đời Đức Phật đã khai thị cho mỗi người chúng ta là bất sanh, bất diệt. Vì vậy, khi còn hiện hữu, những gì tốt đẹp, thiện lành chúng ta có thể làm được cho người, cho đời hãy cố gắng thực hiện, đừng so đo, tính toán. Hãy sống hết lòng với hiện tại, bởi lẽ:
Dòng đời xâu chuỗi mộng,
Có bao giờ mộng lại giấc đêm qua.