Du mục qua thành phố Hohhot

Chùa Ngũ Tháp tại Hohhot - Ảnh: wikimedia
Chùa Ngũ Tháp tại Hohhot - Ảnh: wikimedia
Mùa hè, một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất là thành phố Hohhot (tiếng Việt còn gọi là Hồi Hột), thủ phủ của tỉnh Nội Mông, khu tự trị của người Mông Cổ tại Trung Quốc.

Hằng ngày có nhiều chuyến bay từ Bắc Kinh đến Hohhot, tuy nhiên xe lửa là phương tiện được dân du lịch yêu thích nhất vì giá rẻ hơn và thời gian rất thuận lợi, khoảng 9 giờ tối leo lên tàu, ngủ một giấc 7 giờ sáng mai là đến nơi. Chuyến tàu cao cấp K89 mùa này luôn kín khách, thế nên nhóm chúng tôi đặt vé trước mấy ngày mà vẫn phải nằm  giường tầng 2, tầng 3. Giá 66 USD một chiều cho giường cứng không rẻ đối với sinh viên, nhưng chất lượng thật đáng đồng tiền, tàu mới, đẹp và tiện nghi. Từ khi tàu bắt đầu vào địa phận Nội Mông là các nhà ga còn lại trong suốt chuyến hành trình đều có treo tranh vẽ Thành Cát Tư Hãn.

7 giờ 30 phút sáng bước xuống ga Hohhot, từ sân ga cũng khá hiện đại và sạch sẽ này chúng tôi đi taxi mất 5 phút là vào đến khách sạn đã đặt trước tại trung tâm thành phố. Sau khi dùng điểm tâm bằng một tách trà sữa có vị hơi mặn đúng theo phong cách ẩm thực Mông Cổ, chúng tôi tranh thủ đi ngắm phố xá. Nét đặc sắc của thành phố hơn 400 năm tuổi này là sự pha trộn giữa kiến trúc du mục Mông Cổ, kiến trúc Trung Hoa và Hồi giáo, nhiều kiến trúc cổ trông rất nghệ thuật và cũng nhiều tòa nhà mới xây dựng bốn bề ốp kính nhưng mái nhọn giả cổ trông khá ngộ nghĩnh. Trên các phố chính trong khu vực phố cổ, phần lớn công trình kiến trúc được trang trí bên ngoài theo phong cách Hồi giáo và Mông Cổ. Nơi đây hấp dẫn du khách nhờ nhiều đền miếu được xây từ thế kỷ XVII và nhiều cửa hàng bán đồ mỹ nghệ, tranh ảnh, các đồ dùng của đời sống du mục với nhiều màu sắc, hoa văn, chất liệu lạ mắt.

Chúng tôi ghé thăm một ngôi chùa 300 năm tuổi nổi tiếng tại đây có tên là Ngũ Giác Tự, chùa không thật đồ sộ nhưng kiến trúc rất lạ, trông tương tự với đền miếu Ấn Độ. Có đến hơn 1.500 tượng Phật trên các bờ tường của công trình này. Còn khu vực mới xây dựng, cũng như nhiều thành phố đang phát triển tại Trung Quốc, quảng trường và các đại lộ ở đây rộng thênh thang. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với con đường mang tên Thành Cát Tư Hãn bởi hai bên đường và trên “con lươn” được trồng hoa, cây cảnh rất đẹp. Mọi biển hiệu trên đường phố cũng như các thông báo về giao thông vận tải công cộng đều được ghi bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Mông Cổ.  

Hohhot được coi là “kinh đô sữa” của Trung Quốc bởi nơi đây tập trung nhiều các công ty sữa lớn. Niềm tự hào này có thể thấy ngay qua tượng đài sữa, một công trình điêu khắc hoành tráng bao quanh bởi vườn hoa xanh tươi được chăm sóc cẩn thận. Các món ăn đặc sản của Hohhot chủ yếu mang phong cách ẩm thực Mông Cổ với nhiều sản phẩm từ sữa: bơ, phô-mai, sữa chua... Tuy uống sữa nhiều là vậy nhưng những người Mông Cổ mà chúng tôi được tiếp xúc ở đây nhìn chung là không cao, đa số người thấp đậm, trông khỏe mạnh và chất phác. Có lẽ nhờ vậy họ mới thích nghi được với thời tiết khắc nghiệt nơi đây, nhiệt độ mùa đông ở Nội Mông thường xuống tới - 20°C trong khi mùa hè có khi lên tới trên 30°C. Kinh tế Trung Quốc phát triển, Hohhot trở thành điểm đến phổ biến cho du khách trong các tháng mùa hè nhờ nền văn hóa giao hòa hấp dẫn và các thảo nguyên mênh mông quanh thành phố. Tuy nhiên, gần đây do quá trình sa mạc hóa, thành phố phải thường xuyên chịu đựng các trận bão cát mù mịt trời đất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày