Du xuân

Du xuân
GN - Theo chương trình đã vạch ra, vào ngày mồng ba Tết, tôi sẽ cùng với anh bạn chí cốt du xuân theo hướng Tây - Bắc...

Điểm đến đầu tiên là ngôi làng nội của anh là làng Phương An, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Điểm đến thứ hai là nhà thông gia của tôi ở thôn 7, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà! Khi bắt đầu xuất hiện những tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân chiếu rực rỡ trên cánh mai vàng, thì cái cảnh thu đông héo khô tàn tạ cũng chớp nhoáng chuyển đổi bởi bàn tay phù thủy tài tình của tạo hóa, cây cối đâm chồi nẩy lộc, màu xanh non tơ trên những đám lá non mới nhú lấm tấm giọt sương long lanh; bướm trắng, bướm vàng, bướm xanh, nhởn nhơ trên cành điểm tô cho bức tranh xuân thêm phần diễm kiều tráng lệ.

Ở thành phố, đất chật người đông, cuộc sống xô bồ khép kín, nhà nào biết nhà đó. Cũng phải thôi! Vì ai cũng phải đi làm; đi làm về, phải lo chăm chút gia đình con cái, đâu có thời gian rảnh rỗi nhiều để đi chơi đây đó. Nay có dịp đi về nông thôn, làng quê Việt Nam, mới thấy thật là thú vị! Khung cảnh ruộng đồng, con trâu, con bò gặm cỏ trên bờ ruộng, có chú mục đồng nhỏ cầm cây roi đứng kế bên, hình ảnh làng quê thanh bình thật là đẹp! Làng Phương An thuộc vùng Cùa (Tân Sở), nơi đây ngày xưa Vua Hàm Nghi đã từng nương náu, nay vẫn còn dấu tích di chỉ. Con người nơi đây hiền hoà, chất phác. Anh bạn tôi kể về người cha của mình năm nay gần 80 tuổi, thỉnh thoảng ông đi bộ 27km từ nhà đến thành phố thăm anh là chuyện bình thường. Ông là nông dân thứ thiệt, đến tuổi này vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, ngủ dậy là thấy ông loay hoay ngoài vườn tiêu chăm bón hái lượm, hoặc con rựa trên vai đi phát cỏ bờ ruộng, bờ mương. Cuộc sống như vậy đó, con cái của ông bà hôm nay thành đạt, có hai thạc sĩ và một kỹ sư xây dựng là anh bạn chí cốt của tôi đây.

Có một điều bất ngờ thú vị là làng Phương An và những ngôi làng lân cận vùng Cùa, ban đêm đi ngủ người ta để xe máy ngoài sân mà không bị mất trộm. Đó là điều khó tin nhưng có thật! Cũng dễ hiểu thôi “Thời thái bình cửa thưòng bỏ ngỏ” (Hàn nho phong vị phú - Nguyễn Công Trứ). Một thôn làng mà mọi người trẻ già gái trai đoàn kết một lòng thương yêu đùm bọc lẫn nhau, tự bên trong không có người gian thì không có một kẻ gian nào từ bên ngoài có thể xâm nhập qua được cái cổng làng uy nghi hùng tráng ấy được.

Sau khi được gia đình anh bạn đãi một vài món ăn cổ truyền ngày Tết, tôi chia tay gia đình và ngôi làng Phương An mến khách để đi về phía con đường Trường Sơn. Địa chỉ tôi sắp đến trong chuyến hành trình du xuân là thôn 7, xã Hải Thái, gần Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. Con đường tôi đi qua ít có nhà dân, có nhiều lô cao su như con đường 14 từ Bình Phước đi Ban Mê Thuột. Xã này có 8 thôn mang tên từ thôn 1 đến thôn 8. Tên làng thôn rất đơn giản là những con số đếm, giống như đời sống thật thà mộc mạc của họ. Khác với làng Phương An là một ngôi làng truyền thống lâu đời, xã Hải Thái là một xã kinh tế mới từ sau năm 1975, vùng đất này cũng là một địa danh nổi tiếng trong chiến tranh, đó là căn cứ quân sự Cồn Tiên. Sau chiến tranh, ở đây bom mìn còn sót lại rất nhiều, để có thể được như bây giờ, người dân tình nguyện đi khai hoang đã trải qua lắm gian nan vất vả. Khác với cây tiêu của làng Phương An, cây cao su là cây giúp xóa đói giảm nghèo của người dân xã kinh tế mới này. Cuộc sống của người dân Việt rất chịu thương chịu khó, dù đi đâu ở đâu. Nhưng có điều đáng nói ở đây là 8 thôn của xã này có một điểm chung với làng Phương An là cái tình làng nghĩa xóm, cái quan hôn tang tế, cái nghĩa tử là nghĩa tận, con người rất có tình có nghĩa, và ban đêm người ta cũng để xe máy ở ngoài sân mà không sợ mất trộm.

Những người Phật tử ở hai vùng này muốn đi chùa, họ phải đi mất 10km mới đến ngôi chùa thị trấn. Nhưng không sao, những người dân quê lương thiện đã có sẵn trong tâm họ một ngôi chùa vững chắc nhất được xây dựng kiên cố bằng chất liệu Từ bi” của Bụt.  

Tôi đã có một chuyến du xuân thật là thú vị! Được biết thêm đựơc bao điều mới lạ. Được tận mắt nhìn thấy những con người dân quê Việt Nam dân dã hiền lành. Được tận mắt nhìn thấy những làng quê yên bình có cái cổng làng oai linh, có lũy tre, có cây xanh bao che xanh mát, dù cho thiên tai, chiến tranh có tàn phá, con người vẫn luôn nỗ lực lạc quan xây dựng bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là chỉ mới những ngôi làng yên bình tôi được đi qua, nhưng vẫn còn đâu đó nhiều lắm, những ngôi làng mẫu mực như vậy trên đất nước Việt Nam thân yêu này.

Tôi đang sống ở một thành phố, đô thị loại 3, đời sống vật chất của tôi có phần đầy đủ hơn so với nhiều gia đình nông thôn, con cái của tôi học hành thuận lợi hơn; nếu đem so sánh như thế này thì thật khập khiễng, nhưng không hiểu sao tôi lại có một ước muốn trở về sống ở những ngôi làng như là làng Phương An, như là thôn 7, những ngôi làng quê yên vui: “Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày