GNO - Đầu tuần rồi, Đức Dalai Lama đã có cuộc gặp gỡ với các thành viên thuộc tổ chức Mạng lưới Phật tử nhập thế Quốc tế (INEB).
Cuộc gặp gỡ có sự tham gia đặc biệt của nhà hoạt động xã hội, nhà trí thức nổi bật Sulak Sivaraksa tại Dharamsala, bắc Ấn Độ - tin từ The Buddhist Door.
Ngài Dalai Lama quang lâm tiếp đoàn INEB
Các thành viên INEB từ khắp nơi trên thế giới đã tụ hội ở tu viện Thekchen Choling gồm 35đại diện đến từ Thái Lan, 41 người ở Ấn Độ, 37 người đến từ Myanmar cùng các thành viên khác đến từ Bangladesh, Hong Kong, Hungary, Indonesia, Nhật Bản, Nepal, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đài Loan và Hoa Kỳ.
Tổ chức cộng đồng này được thành lập vào năm 1989 bởi học giả Sulak Sivaraksa; đồng thời cũng là nhà phê bình xã hội, nhà hoạt động xã hội, các thành viên Phật tử và các nhà hoạt động xã hội không theo Phật giáo.
Mục đích ra đời của tổ chức này là kết nối Phật tử nhập thế từ khắp nơi trên thế giới; thúc đẩy sự thấu hiểu, hợp tác và tương tác giữa các nhóm Phật tử và các nhóm không theo Phật giáo cùng nhận diện các vấn đề toàn cầu như: quyền con người, giải quyết xung đột và bảo vệ môi trường.
“Là con người, tất cả chúng ta đều mong muốn có cuộc sống hạnh phúc nhưng chúng ta lại thường phải đối diện các bất ổn do chính mình tạo ra. Nhiều vấn đề khởi sinh vì chúng ta nhất nhất nhìn người khác bằng các ý niệm phân biệt ‘chúng ta’ và ‘họ’. Và chúng ta cũng nhìn thấy các xung đột diễn ra nhân danh tôn giáo.
Có sự khác biệt giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta và thậm chí trong lòng mỗi truyền thống. Các quan điểm khác biệt tạo ra các khuynh hướng khác nhau trong chúng ta nhưng điều quan trọng nhất là tất cả các truyền thống tôn giáo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tu dưỡng lòng từ” - chia sẻ của Đức Dalai Lama với các thành viên INEB trong buổi gặp gỡ.
Chụp hình lưu niệm với Đức Dalai Lama sau buổi gặp
Các đại biểu INEB đến trước cuộc gặp với Đức Dalai Lama một ngày để tham dự Hội nghị INEB lần thứ 19 và tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập tổ chức này tại Viện Lộc Uyển (Bir, Himachal Pradesh). Hội nghị năm nay có chủ đề: Tỉnh giác - Tu dưỡng và thành tựu trí tuệ - nhận diện sự đa dạng và khác biệt trong các xã hội hiện đại để hiểu rõ hơn “liệu các giá trị mang tính toàn cầu như hòa bình, tự do, tiến bộ xã hội có đang được gìn giữ hay không, thông qua quyền con người, nhân cách cá nhân và các nguyên tắc dân chủ” và xem xét các giá trị này có xung đột hay bổ sung cho giáo lý và sự thực hành Phật giáo hay không.
Các thành viên của INEB gồm có chư Tăng Ni, người hoạt động xã hội, học giả, người làm công tác xã hội đến từ 25 quốc gia thuộc châu Úc, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Dù là tổ chức Phật giáo, INEB chào đón thành viên thuộc tất cả các truyền thống tâm linh khác vì tổ chức này hoạt động “dựa trên lòng từ bi, công bằng xã hội, phi bạo lực và cùng tồn tại”. Sứ mệnh cốt lõi của mạng lưới này là xử lý và kết thúc khổ đau bằng nhận thức, hành động dưới sự dẫn dắt của Tứ thánh đế - theo INEB.
Đức Hòa