Đức Dalai Lama kêu gọi ăn chay

GN - Nhân Ngày Động vật Thế giới 4-10 vừa qua, Đức Dalai Lama đã gửi thông điệp kêu gọi cộng đồng thế giới tiếp tục áp dụng và sáng kiến các phương thức sống từ bi, bền vững cũng như giảm thiểu phụ thuộc việc khai thác động vật.

2.jpg

Đức Dalai Lama trong chuyến thăm Vườn thú San Diego (California, Hoa Kỳ) năm 2017 - Ảnh: Jeremy Russell

“Thật hữu ích nếu mọi người có thể thúc đẩy việc ăn chay, giảm tiêu thụ thịt động vật. Đồng thời, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đối với việc phát triển nguồn thực phẩm thực vật trong chế độ ăn hàng ngày”, ngài nhấn mạnh.

Qua đó, Đức Dalai Lama cũng ví von rằng, động vật là những thực thể làm đẹp cho thế giới; lên án việc bóc lột tàn nhẫn động vật, tiêu thụ quá mức thịt động vật từ những trang trại cung ứng cho súc sản công nghiệp tại nhiều quốc gia hiện nay. Điều này gây bất lợi cho môi trường sống của nhân loại toàn cầu. Bên cạnh đó, ngài cũng tán thán sự quan tâm đến quyền động vật và khuyến khích lan tỏa, phát huy hành vi ứng xử công bằng, tốt đẹp này trong cộng đồng thế giới.

Trong thông điệp gửi đi, Đức Dalai Lama cũng khẳng định: “Sẽ thiếu thực tế nếu gợi ý tất cả mọi người trên thế giới này cùng trở thành người kiêng thịt động vật, bởi có những điều kiện đặc thù - chẳng hạn như người dân khu vực phía Bắc Mông Cổ và Tây Tạng, nơi có khí hậu lạnh cực đoan và nguồn thực phẩm chính là thịt gia súc. Trong khi đó, việc ăn chay có thể dễ dàng thực hiện hơn ở các nước với sự giàu có về nguồn cung thực vật và nổi tiếng về ẩm thực chay - điều này nên được tiếp tục khích lệ để gợi cảm hứng cho người dân các vùng khác trên thế giới có điều kiện thuận lợi”.

Ngài cũng chia sẻ thêm, trong những năm qua, bản thân ngài đã chủ động khuyến khích các tu viện Phật giáo và các Phật học viện ở Tây Tạng tăng cường chế biến và tiêu thụ thực phẩm thực vật trong chế độ ăn hàng ngày; số lượng vụ mùa rau củ và cây ăn quả được canh tác nhiều hơn để phục vụ và hướng đến mục tiêu này.

“Giết chết động vật dưới các hình thức khác nhau để phục vụ trong lĩnh vực thể thao, giải trí, thời trang hoặc phụ kiện trang trí luôn gây ra đau đớn thể xác và tinh thần cho cả động vật và người sử dụng. Đây là hành vi bạo ác khó có thể lý giải…”, Đức Dalai Lama nói.


Ngày Động vật Thế giới (World Animal Day) có nguồn gốc từ năm 1925, do nhà nghiên cứu động vật học Zimmermann tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Berlin (Đức). Đến nay, ngày này trở thành sự kiện thế giới được tài trợ bởi Quỹ Naturewatch (trụ sở tại Vương quốc Anh), được tổ chức kỷ niệm thường niên nhằm “nâng cao vị trí của các loài động vật, hướng đến việc cải thiện tiêu chuẩn ứng xử của con người đối với các loài động vật trên toàn thế giới”.

Quỹ này cũng liên kết với các hoạt động cùng mục tiêu và ý nghĩa của những tổ chức khác, “biến Quả đất thành nơi sinh sống tốt đẹp hơn cho động vật. Thông qua việc nâng cao nhận thức và giáo dục, con người có thể cùng phát triển nền tảng ứng xử yêu thương hơn đối với các loài động vật” - thông điệp từ Ngày Động vật Thế giới.

Đăng Minh / Báo Giác Ngộ

(theo The Buddhist Door, dalailama.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày