GNO - Đức Dalai Lama đã bày tỏ quyết tâm sống đến tuổi 110 trong một buổi cầu nguyện ở Dharamsala (miền Bắc Ấn Độ) cuối tháng 5 qua.
Đức Dalai Lama hoan hỷ quang lâm buổi lễ
Buổi lễ được tổ chức vào ngày 17-5 ở tu viện Tsuglagkhang - một khu phức hợp ở Mcleod Ganj (Dharamsala), là nơi ở chính thức của ngài với sự tham gia của khoảng 7.500 người Tây Tạng và Phật tử khắp nơi; trong đó có nhiều vị hiệu trưởng của các trường Phật học Tây Tạng và các truyền thống tôn giáo khác.
Trong số các vị Lama đến cầu nguyện tuổi thọ cho ngài Dalai Lama 14 có ngài Menri Lopon Trinley Nyima Rinpoche, người đứng đầu truyền thống Bon; ngài Ringu Tulku từ trường Phật học Nyingma; ngài Tai Situ Rinpoche đến từ trường Phật học Kagyu; ngài Sakya Trizin Ratna Vajra Rinpoche, đứng đầu truyền thống Sakya; và các ngài Jangtse Choeje Gosok Rinpoche, Ganden Tripa Jetsun Lobsang Tenzin Rinpoche, Kyabje Sharpa Choeje Rinpoche từ trường Phật học Gelug.
Tháng 7 năm nay, ngài Dalai Lama sẽ bước sang tuổi 84, vừa hồi phục hoàn toàn sau khi bị viêm nhiễm vùng phổi và được điều trị tại Bệnh viện New Delhi tháng 4 qua. “Tôi biết ơn vì lời cầu nguyện của tất cả mọi người” - ngài chia sẻ trên Tibet Sun.
“Ngài Dalai Lama đệ nhất, Gyalwa Gendun Drup trụ thế 84 tuổi và không có ước muốn được sinh ra ở Tây phương. Vì tôi có cơ hội được giúp ích cho con người, sẽ tốt hơn nếu tôi có thể sống lâu hơn. Tôi cầu nguyện và mong ngài cho tôi sống thêm 10 - 15 năm nữa. Tôi hy vọng mình có thể sống đến 110 tuổi”.
Buổi cầu nguyện gồm các nghi thức lễ bái, cầu nguyện, tụng kinh… do các nhà sư thuộc các tu viện Namgyal, Gyuto và Kirti tiến hành.
Mong muốn sống thọ của ngài Dalai Lama là để phục vụ con người, đặc biệt là phúc lợi cho người dân Tây Tạng - điều mà ngài đã và đang làm trong hơn 60 năm qua.
Trong bối cảnh thế giới có quá nhiều bạo lực, con người chịu đựng nhiều khổ đau và bị giết chóc bởi sự nhân danh tôn giáo, ngài Dalai Lama nhấn mạnh về sự cấp thiết của hòa hợp tôn giáo, cần nhìn nhận các vấn đề xã hội vượt ra ngoài ý niệm tôn giáo, ưu tiên thực hành lòng từ bi, yêu thương và hòa bình.
Trần Trọng Hiếu
(theo Buddhist Door)