Chư tôn giáo phẩm chứng minh, tham dự |
Quang lâm chứng minh và dâng hương tại buổi lễ sáng nay cùng Đức Pháp chủ, có sự hiện diện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông, đồng Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự TP.HCM, cùng chư vị giáo phẩm Ủy viên Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh.
Tham dự còn có Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư; Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức; chư tôn đức Hội đồng Trị sự, Văn phòng II T.Ư; Ban Trị sự TP.HCM và các tỉnh; Thường trực các ban chuyên môn, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện; 71 vị Tăng tham gia Tuần huân tu và gần 800 Tăng Ni trong Khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2024.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Tổ chức đã cung tuyên tiểu sử Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông |
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Tổ chức đã cung tuyên tiểu sử Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam (1258-1308).
Theo đó, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông húy Trần Khâm, sinh ngày 7-12-1258 (11-11-Mậu Ngọ), con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Ngài thấm nhuần tư tưởng Phật giáo từ rất sớm, đặc biệt từ người thầy trực tiếp là Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Chư tôn đức chứng minh, tham dự |
Ngài là một lãnh tụ thiên tài, vị vua anh minh, anh hùng dân tộc; sau khi quốc gia, xã tắc được bình yên, ngài trở về hành cung Vũ Lâm (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay) xuất gia cầu đạo và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chủ trương tư tưởng Phật giáo nhập thế “Cư trần lạc đạo” cho Phật giáo Việt Nam, dòng chảy tư tưởng ấy đã được kế tục xuyên suốt đến hôm nay.
Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã chủ trì cho khắc in Đại tạng kinh và biên soạn kinh sách, ngữ lục. Ngài đã để lại cho hậu thế kho tàng pháp bảo như: Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng-già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ, Trung Hưng thực lục, Truyền đăng lục…. Cốt lõi nhất là bài kệ Pháp thân thường trụ trước khi nhập diệt, ngài nói cho đệ tử hầu cận là Thiền sư Bảo Sát: “Nhất thiết pháp bất sinh/ Nhất thiết pháp bất diệt/ Nhược năng như thị giải/ chư Phật thường tại tiền/ Hà khứ lai chi hữu” (được dịch nghĩa là: Tất cả pháp không sinh/ Tất cả pháp không diệt/ Ai hiểu được như vậy/ Thì chư Phật hiện tiền/ Nào có đến có đi).
Tăng Ni GHPGVN TP.HCM tham dự Lễ tưởng niệm, khai mạc Tuần huân tu |
Ngài nhập diệt vào ngày 1-11-Mậu Thân (1308), tại am Ngọa Vân - Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); trụ thế 51 năm. Xá-lợi của ngài tôn thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng (Thái Bình) và chùa Vân Yên - Yên Tử (Quảng Ninh), lấy hiệu là Huệ Quang kim tháp. Ngài được hậu thế dâng thánh hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.
Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thành kính dâng hương tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông |
Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thành kính dâng hương, đảnh lễ tưởng niệm, công hạnh đặc biệt của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông với đất nước và Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Quảng Chơn, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM xướng lễ truy tán; đại chúng đồng nhất tâm đồng tụng Tứ hoằng thệ nguyện cúng dường nhân Lễ tưởng niệm 716 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp dâng hương tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông |
Thay mặt Ban Tổ chức, Hòa thượng Thích Lệ Trang tác bạch cung thỉnh Đức Pháp chủ ban lời khai thị nhân Lễ tưởng niệm 716 năm ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn, khai mạc Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2024 cho Tăng Ni TP.HCM.
Đức Pháp chủ đã tán thán Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã tổ chức trang nghiêm, ý nghĩa Đại lễ tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, cũng là ngày mở đầu Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì và ngày kết thúc Tuần huân tu là Lễ tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, chư vị giáo phẩm Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.
Đức Pháp chủ GHPGVN khai thị đến Tăng Ni TP.HCM nhân khai mạc Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì |
Trong lời khai thị, Đức Pháp chủ GHPGVN nhắn nhủ đến Tăng Ni GHPGVN TP.HCM noi gương Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhận thức ý nghĩa của đời người và giá trị cao quý của nhân phẩm, đạo đức; hạnh xả ly, làm chủ tâm mình, dấn thân phụng sự tha nhân, xây dựng đất nước an lành.
Đại lão Hòa thượng Pháp chủ nhấn mạnh ý nghĩa của các hạnh tu và mục đích sau cùng của con đường tâm linh. Theo đó ngài dẫn dụ việc Đức vua Trần Nhân Tông từ bỏ mọi hưởng thụ vật chất, quyền lực khi ở đỉnh cao của cuộc đời và trong quyền lực của một đấng quân vương để thực hành hạnh đầu-đà, tuy nhiên không rập khuôn theo văn hóa Ấn Độ một cách máy móc, thiếu trí tuệ.
Hành trạng của một vị vua rời bỏ tất cả để trở thành người xuất gia, chuyên tâm thực hành Phật pháp và dấn thân đi khắp nơi vì sự an lạc cho quần chúng nhân dân, kiến tạo nền đạo đức lành mạnh, thiết định nên mẫu người Phật tử lý tưởng cho Phật giáo Việt Nam qua bài phú Cư trần lạc đạo là bài học vô cùng quý giá, ý nghĩa thiết thực đối với người xuất gia mà còn đối với tất cả người dân Việt Nam trong việc phát huy nội lực tự thân, nội lực dân tộc để tồn tại và phát triển ở mọi hoàn cảnh.
Hòa thượng Danh Lung thay mặt Ban Tổ chức đọc lời cảm tạ |
Thay mặt Ban Tổ chức, Hòa thượng Danh Lung, Phó Trưởng ban Trị sự TP.HCM phát biểu cảm tạ.
Được biết, Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì năm 2024, diễn ra từ ngày 1-12 đến 10-12-2024 (1-11 đến 10-11-Giáp Thìn), tại Việt Nam Quốc Tự.
Ngoài các thời khóa tu tập thiền môn, mỗi buổi sáng là thời khóa học tập, thảo luận mở rộng cho Tăng Ni TP.HCM về Hiến chương GHPGVN, Quy chế hoạt động Ban Tăng sự T.Ư, Nghiệp vụ Hoằng pháp... do chư tôn giáo phẩm T.Ư GHPGVN, Ban Trị sự TP.HCM chủ giảng.
Một số hình ảnh về buổi lễ sáng nay, 1-12, tại Việt Nam Quốc Tự:
Quang cảnh Lễ tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, khai mạc Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì 2024 của Phật giáo TP.HCM |