Dựng chòi bên điện Quan Âm trên đèo Cả

GN - Trong túp lều bạc thếch, đứng chơi vơi giữa một bên là núi rừng, một bên là biển cả, cụ bà vẫn ngày ngày thắp hương và dâng hoa quả lên điện Mẹ Quan Thế Âm tại cua Đá Đen trên đèo Cả (Phú Yên). Nơi đây là nhà mà cũng là am nhỏ để cụ bà Nguyễn Thị Phương, pháp hiệu Nguyên Quảng ngày ngày kinh kệ và sống hết quãng đời còn lại. Cũng từ khi có túp lều này, khách đường xa qua đèo có nơi dừng chân để lễ bái pho tượng và cầu mong sự an toàn trên suốt chặng đường đi.

       Thoát cửa tử đến nương nhờ cửa Phật

Những cơn mưa cuối mùa dai dẳng cùng với gió lớn nơi núi rừng hoang vu làm túp lều của cụ trở nên lạnh lẽo và chông chênh hơn. Gió lốc mạnh từng đợt rồi đổ ập lên cái chòi bạt nhỏ bé, xiêu vẹo, như muốn hất tung nó xuống biển. Trong căn chòi này, cụ bà (75 tuổi) đang co ro một mình bên bếp lửa sắp nguội lạnh. Nghe có tiếng động ngoài cánh cửa gần nơi điện Quan Âm, cụ lom khom ngồi dậy, đưa bàn tay nhăn nheo sờ soạng tìm bó nhang rồi niềm nở: “Nhang đây, thắp đi cô!”.

h_nh 3 cßi ch_i b_c bOn =i_n Quan -m.JPG

Tôn tượng Đức Quan Thế Âm trên đèo Cả - Ảnh: N.Diện

Đã hơn một năm, khách qua đường luôn tò mò khi thấy một bà cụ sống đơn độc giữa núi rừng không người ở này. Có lẽ ngoài câu chuyện cụ thoát chết sau một tai nạn xe kinh hoàng, không ai biết được cụ đã trải qua hơn 40 năm gian khổ để tìm hiểu, tu tập giáo pháp.

Trước khi xuất gia, cụ Phương cũng có mái ấm của riêng mình với chồng và hai người con gái (Phú Thạnh, TP.Tuy Hòa, Phú Yên). Cho đến một ngày, trên chuyến xe đi qua đến đèo Cả (đoạn gần đường ray xe lửa), xe đã lao thẳng xuống vực sâu. “Đó là một ngày kinh hoàng của năm 1968, chiếc xe lao xuống vực như một chiếc máy bay mất phương hướng lao từ bầu trời xuống”, cụ bà nhớ lại trong sự khiếp đảm. 72 người trên chuyến xe đó đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn lại bà, đứa bé trai 10 tuổi và tài xế may mắn thoát chết.

“Nghe đâu ông tài xế sau tai nạn đó đã bị điên, còn thằng nhỏ nay làm nghề lái xe. Thỉnh thoảng, nó có ghé qua chòi này thăm tui”, bà ngậm ngùi nói. Sau cái lần gặp nạn dữ không chết, cụ đã bỏ nhà đi tu. Năm đó cụ chỉ mới 32 tuổi.

Nhẹ nâng tà áo nâu bạc màu, cụ chùi hai hàng nước mắt đang rỉ ra từ khóe mắt đã mờ, chập choạng. Cụ xúc động khi có người hỏi về chuyện quá khứ đau buồn: “Khi đó khoảng 3 giờ sáng, đợi mọi người say giấc, tui lén gùi chuông mõ, kinh kệ rồi trốn đi. Cái duyên nó đến thì mình đi thôi cô, không đi cũng không được đâu”.

Ban đầu, bà tìm đến miễu Ông Cọp (Sông Cầu, Phú Yên) để tìm nơi ẩn tu. Nhưng chỉ sau đó hai ngày, có người quen gặp bà rồi báo về cho gia đình. Chồng bà đến tận nơi dắt bà về. Ở nhà được một ngày, bà lại tìm cách trốn đi. Lần này, bà đến cái miếu hoang ven đường trên đèo Cả rồi ở đó. Bà sống bằng hoa quả mà những người đi đường cúng tại miếu.

Thời gian sau, bà chuyển đến sống trong một hang đá cũng trên đoạn đường đèo này, cách miếu đó không xa. Cái hang rộng và đẹp nhưng có thú rừng ở. Tối lại, bà thấy có con cọp bạch đến đây. Đôi lúc có cả gấu và rắn nữa. Hỏi bà có sợ không, bà nói: “Tui cũng là người mà cô, gan đồng dạ sắt đâu mà không sợ. Nhưng nó có ăn thịt thì ăn chứ biết làm sao”.

Ở trong hang đá được 2 năm, sau đó cụ đi khắp nơi. Nhưng đặc biệt những nơi cụ đến là núi cao, rừng sâu chứ không phải chùa chiền.

Khi tuổi đã cao, không còn đủ sức để mà đi nữa, cụ bà trở lại khu đèo Cả này, xây một cái nhà ở tạm để tránh gió sương. Trong một đợt bão lớn, ngôi nhà của bà cũng bị cuốn theo. Thế là, cụ bà đến điện thờ Quan Thế Âm này dựng cái chòi để tiện hương khói.

… dựng tượng trên đèo Đá Đen

Hơn 40 năm tìm cầu Phật pháp, cụ bà chỉ có một tâm nguyện đó là chịu tất cả nỗi đau khổ và làm điều thiện lành để cứu giúp nhân sinh. Trong thời gian tu tập ở nơi rừng núi, vốn sẵn nghề thuốc Nam , bà đã tìm thuốc chữa bệnh cho mọi người. Hàng ngày, cụ bà lên núi đào rễ cây về bào chế thuốc. Đào từ sáng đến chiều cũng được 50kg, bà đem phơi khô làm thuốc. Ai có bệnh đến hỏi thì bà bốc thuốc mang về uống. Trong 6 năm làm nghề này, bà đã chữa hết bệnh

h_nh 1 C_ ba  d_ng ch_i bOn t²_ng Quan -m.JPG

Cụ Nguyễn Thị Phương - Ảnh: N.Diện

cho rất nhiều người. Khi tuổi cao sức yếu, không đi đào thuốc được, bà mới thôi không làm nữa.

Dân làng quanh đây cho biết, bà cụ cũng là người xây điện thờ Mẹ Quan Thế Âm tại cua Đá Đen này. Pho tượng được một Phật tử từ miền Nam phát tâm cúng dường. Sau đó, cụ bà đã nhờ người xây điện và dựng tượng tại nơi đây để khách đi đường lễ bái.

“Đã hơn mười năm nay, Phật bà đứng ở nơi này, dưới kia biển cả mênh mông còn bên trên là núi rừng hoang vắng. Phật bà độ trì cho những người đi đường tai qua nạn khỏi. Tui ở đây trông hương đèn, nhang khói cho Phật bà. Khách qua đường ai cần nhang để lễ bái thì tui đưa. Mình hướng tâm của họ đến cửa Phật, lạy Phật một lạy phước đức vô lượng đó cô”, cụ tâm sự.

Rồi ngày qua tháng lại, cụ chuyên đọc tụng kinh điển để cầu nguyện cho người đi đường được bình an. Cuộc đời ẩn tu của cụ bà cũng hết sức bình dị. Hàng ngày, cứ đến trưa là cô cháu ngoại mang cơm đến, cho bà ăn xong rồi lại về nhà. Mỗi ngày, cụ chỉ ăn một lần cơm. Để thích nghi với điều kiện sống nơi “đầu sóng ngọn gió”, cụ tự chế cho mình cây đèn bão. Mọi khi có việc cần, cụ xách ra ngoài trời có gió cũng không tắt được. Trong chòi, vật dụng không có gì khác ngoài chiếc giường đơn và bàn thờ tôn tượng Đức Bổn Sư. Mùa này, cụ để sẵn mấy cái thau để hứng nước mưa. Kinh sách cũng được cụ bọc kỹ vào bịch ny-lông để khỏi bị ướt. Hỏi cụ ở đây một mình có buồn không, cụ cười hiền lành: “Đã đi tu mà còn sợ buồn thì sao tu cho được”.

Cụ sống cuộc đời bình dị và chuyên tâm tu hành bao nhiêu năm nay, vậy mà khi đến đây cụ vẫn không thoát khỏi tiếng đời. Có người gọi cụ là “Bà lão ăn mày lạy Phật”. Cũng có nhiều người không tin cụ là người tu hành, họ đến hỏi chuyện rồi bắt cụ đọc kinh, để xem cụ có thuộc không. Cụ không buồn mà cho đó là một “thử thách” rồi tự mình cố gắng vượt qua.

Cụ ở một mình trong căn chòi nhỏ này, đôi khi sự nguy hiểm rình rập lúc nào không hay. Tuổi già nên dễ mắc bệnh. Nói chuyện với khách một lát, cụ lại quay người ra sau ho khục khặc. Rồi cụ lại chỉ vào cái tay đang sưng to: “Tối hôm qua đi ngủ, tui mới cầm cái mền chưa kịp đắp, con bò cạp núp sẵn ở đâu trong đó cắn tui một cái rồi chạy mất. Tui cũng không biết nó đi chưa hay còn ở trên giường nên nằm ngủ mà không yên vì sợ nó lại ra cắn nữa. Nhưng có đi tìm cũng không thấy, mắt tui kém quá rồi”.

Cụ tâm nguyện: “Giờ tui đã già rồi, không còn sống được bao lâu nữa nên sẽ ở đây cho đến hết đời. Hàng ngày, tui ở đây tụng kinh gõ mõ, cầu nguyện cho người qua đường và tạo duyên lành để mọi người qua đường khởi tâm lễ bái Phật, như vậy là tui mãn nguyện rồi”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày