GNO - Vitamin B3, còn được gọi là niacin - là một trong 8 phức hợp vitamin B tan trong nước. Loại vitamin này có nhiều tác dụng với cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hệ tiêu hóa, da và hệ thần kinh.
Các nguồn thực phẩm giàu vitamin B3 là yến mạch, trứng, sữa, đậu hạt các loại, rau cải xanh, các loại đậu hạt, bánh mì và ngũ cốc có bổ sung vitamin B3. Cơ thể chúng ta cũng tự sản xuất ra niacin từ amino acid tryptophan - theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH).
Tác dụng của vitamin B3
Cũng như các vitamin nhóm B khác, niacin giúp cơ thể phân hủy các carbohydrate, chất béo và các protein thành năng lượng – theo Trung tâm Y khoa Đại học Maryland. Ngoài ra, vitamin B3 còn quan trọng với chức năng gan và thận. Niacin có chức năng sản xuất một số hormone trong tuyến thượng thận và giúp loại bỏ các hóa chất độc hại ra khỏi gan.
Nicanin cũng có tác dụng quan trọng trong cải thiện sức khỏe nói chung. Theo NIH, niacin còn được dùng trong điều trị đau nửa đầu, các bất ổn về tuần hoàn máu và chíng mặt; giảm tiêu chảy có liên quan đến bệnh tả.
Một số nghiên cứu còn cho thấy hấp thu niacin còn có thể giúp ích cho bệnh nhân đột quỵ. Vật thử bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ được cho hấp thu niacin thì trong não có sự phát triển của các mạch máu mới – theo nghiên cứu của các bác sĩ Đại học Henry Ford (Detroit, Michigan).
Vitamin B3 còn hữu ích với bệnh nhân ung thư. Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng loại vitamin này giảm nguy cơ mắc ung thư da không phải tế bào hắc tố. Bên cạnh đó, loại vitamin này cũng tốt cho da. Theo đó, sử dụng gel có 4% niacinamide 2 lần mỗi ngày, liên tục trong 2 tháng có thể giúp cải thiện vùng da bị mụn - theo Đại học Bang New York.
Vitamin B3 và mức cholesterol
Niacin được cho là có tác dụng hạ giảm mức cholesterol xấu LDL và mức triglyceride trong máu. Ngoài ra, thông tin từ Bệnh viện Mayo còn đưa ra báo cáo rằng: Niacin có thể giúp tăng cường mức cholesterol có lợi HDL lên đến 30%. Vì thế, vitamin B3 được sử dụng khá nhiều trong điều trị cholesterol cao trong 50 năm qua.