GN - Vừa qua, truyền thông trong và ngoài nước cũng như các trang cá nhân mạng xã hội lan truyền hình ảnh cùng đoạn phim ngắn về cảnh một vị sư “phát lộc” - là những dây đeo cổ có hình tượng Phật trong cảnh tranh giành hỗn loạn sau lễ khai hội chùa Hương - Hà Nội ngày mùng 6 Tết vừa qua, tạo nên làn sóng dư luận với những chỉ trích gay gắt.
Vụ việc "ngẫu hứng phát lộc" của một vị sư trong ngày khai hội chùa Hương đầu xuân Đinh Dậu 2017
bị dư luận lên án gay gắt - Ảnh: Zing
Trao đổi qua điện thoại, TT.Thích Minh Hiền, trú trì chùa Hương đã xác nhận với báo Giác Ngộ sự việc đó.
Sau lễ khai mạc, một vị sư là Tăng chúng chùa Hương tặng quà đầu xuân đến cho bá tánh thập phương du xuân lễ chùa tại sân gác chuông, nhưng đã không kiểm soát được đám đông người hiếu kỳ muốn sở hữu quà tặng cũng như thiếu sự tỉnh giác dẫn đến sự cố nói trên. Đó là “hành động bột phát cá nhân”, không phù hợp với oai nghi của người xuất gia và không có trong chương trình của Ban Tổ chức. “Sau ba mươi phút khi sự việc đó xảy ra, chúng tôi đã cho dừng, kiểm soát được tình hình; cũng trong chiều cùng ngày nhà chùa đã họp chúng nội tự, kiểm điểm, có biện pháp xử phạt theo thanh quy thiền môn, điều chuyển vị sư kia sang chấp tác ở vị trí thích hợp”, TT.Thích Minh Hiền cho biết.
Việc làm ngẫu hứng, theo quan sát của cộng tác viên báo Giác Ngộ có mặt tại chùa Hương trong ngày khai mạc, cũng chỉ là “sự cố” nhất thời, nhưng những gì được ghi hình lại và lan truyền trên các trang báo điện tử, trên mạng xã hội lại không như thế, mà bùng phát và lan truyền chóng mặt, như một ngọn lửa dư luận thiêu cháy hình ảnh đẹp về lễ hội chùa Hương, trong đó có cả những lời chỉ trích ác ý nhằm vào đạo Phật.
Cũng theo quan sát của cộng tác viên báo Giác Ngộ, lễ khai mạc cũng như những ngày qua lễ hội chùa Hương đã diễn ra có phần tốt hơn, trật tự hơn so với những năm trước, trừ một vài sự cố nhất thời, điển hình là vụ việc đáng tiếc trên.
Cần nói thêm rằng, cứ đến mỗi dịp đầu xuân, dư luận lại nóng lên những hình ảnh phản cảm ở các lễ hội, trong đó có các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo. Nhu cầu tín ngưỡng, cầu nguyện của người dân là chính đáng, nhưng không có nghĩa là ai muốn làm gì ở những nơi tôn nghiêm đó thì làm. Không thể cứ để xảy ra vụ việc rồi “yêu cầu rút kinh nghiệm” như phát biểu của đại diện của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mà hơn cả, cần phải ý thức về việc giáo dục văn hóa, trong đó có hành vi tín ngưỡng một cách bài bản trước khi đã quá muộn.
Với Phật giáo, cần phải hướng dẫn rõ ràng rằng, cầu nguyện là một phương pháp để thức tỉnh và nuôi dưỡng những năng lực bi, trí, dũng vốn tiềm ẩn trong mỗi người hơn là thỉnh cầu những năng lực bên ngoài nhờ vào sự kính sợ, sùng tín và mưu cầu lợi lộc từ các vị thần thánh.
Nếu được hướng dẫn, khi hiểu đúng, con người sẽ có sự tự điều chỉnh, tránh những cách giải thích “âm âm u u” rồi gắn mác là tâm linh, những hiện tượng xa rời chánh tín, thiếu trí tuệ, là cơ hội để những ngọn lửa bùng phát, có thể đốt rụi cả khu rừng khi vượt ngoài tầm kiểm soát.