Đường về

GN - Tấn lững thững vào sảnh, sau khi cất xe ở mái hiên. Cả người cậu ướt nhẹp, gió và cái lạnh thâu tóm da thịt. Ông khách đang cong người lại như tôm luộc chắc cũng cảm nhận như thế.

Thành phố núi mùa này hay có những chuyến mưa đột ngột, “nhớ bỏ áo mưa vô cốp nha”, anh Định đã cẩn thận dúi vào tay nhưng cậu trả lại, nhăn trán ra bộ chỉ vòng vòng chút rồi về, ở Sài Gòn tắm mưa riết quen rồi. Nhưng ở đây không phải Sài Gòn.

Lúc Định chạy u ra nhoẻn miệng chỉ tay vào nhà tắm, cậu có ngoảnh đầu lại một chút, khoảnh sân phủ sắc tím quý phái của nàng oải hương, nàng lan phi điệp giờ đã nhạt nhòa, vũng nước ánh lên chất màu hoài cổ nom xa như một đầm lầy thu nhỏ. Điều đó đã chẳng hay ho gì, đến độ anh Định và hai chị người làm phải đội mưa cạy mấy phiến đá che ống thoát nước xuống con dốc, trước đó bít lại vì tính thẩm mỹ. Tấn chỉ biết chặc lưỡi, vì giờ nếu không có nước nóng và tô mì gói, đại loại, chắc cậu xỉu.

duong ve.jpg

Ảnh minh họa từ internet

Những rắc rối đã thành lệ với người cao nguyên, riêng cậu là cả bầu trời lạ lẫm. Phải độ khuya khuya, khi được anh Định vỗ vỗ lên đầu, cậu mới thấy dịu lòng. Anh kêu mai phòng kia kia kia trả, lên phụ dọn dẹp với mấy chị cho quen. Có một phòng người Trung biết tiếng Anh, em nói giúp. Chui tọt trong cái mền dày cộm, tiếng cậu vọng ra mong mai không sao để còn làm việc. Phiên dịch là chuyện hàng ngày của cậu khi còn chưa tạm nghỉ công ty. Còn chuyện lôi chăn drap nặng trịch từ từng phòng xuống, coi chẳng nhẹ nhàng gì. Anh động viên không sao đâu, mưa Sài Gòn còn không ăn thua mà, ráng giặt giũ quét dọn, lương ngày năm bữa, thích gì mua đó nếu… rẻ. Cậu biết anh ghẹo mình. Nhưng không giận được. Trái lại giúp cậu có thêm động lực. Ngay lần đầu gặp Tấn biết đây sẽ là một mảnh ghép của mình, cũng tại tính hài hước này chăng?

Giờ mảnh ghép ấy đang rất gần cậu, anh chắc vừa bắt đầu ngồi như mọi khi, đôi mắt nhắm hờ, chừng như nhìn mà không nhìn. Về sau, đây cũng là điều cậu thử bắt chước. Đó là chuyện tương lai, hiện tại cậu chỉ muốn giữ giây phút này để dễ vào nhịp ngủ, không cần những viên dịu thần như hôm qua hôm kia.

Nhưng giây phút đó đã lạc mất khi anh hơi trầm giọng.

- Hồi rồi chú có gọi…

Chiều, khi cung đèo mimosa rung mình trong mưa, Tấn đã thử định nghĩa lại những ai không thể thiếu trong cuộc đời. Không biết có còn người đó?

Đôi mắt Tấn chừng không gì thâm nhập được, Định xoay người đi. Ngoài kia khung cửa sổ, màn đêm nhập nhằng với ánh đèn đường. Căn phòng chìm vào tiếng ếch kêu ồm ộp.

*

Trưa nay hai chị đãi bún bò Huế, Tấn hết ngạc nhiên khi thấy mấy món cùng tên ở Sài Gòn được nấu bằng rau củ, mấy lát “bò” viên bằng lúa mì, “bắp bò” người thợ nén chặt lớp lớp tàu hũ ky trộn màu dầu điều. Nói nào ngay Tấn thấy dễ ăn hơn bún bò thiệt, bằng chứng hai tô hết vèo. Tụi chị khen thằng nhỏ có căn ăn chay. Tấn cười khì, em ăn “trai” thì có. Vừa dứt lời đã bị chị nhằn.

Tấn nhớ hồi còn làm ruộng má hay dắt đi chùa, đến trưa người ta bận đồ lam dài dài đọc rì rầm gì đó nửa tiếng đồng hồ còn Tấn trốn đi ngắm cá, tụi bạn chỉ trong chùa có ao cá bự lắm mầy ngon mầy bắt giùm tao, mà Tấn không dám. Tới hết giờ cậu chạy vô ngồi kế má ăn tỉnh queo. Đồ nhạt ngon lắm. Ở nhà má thi thoảng vẫn nấu, toàn rau trái trong nhà, nhưng bảo đọc kinh như chùa xong mới ăn cậu không làm được. Nếp sinh hoạt ở chùa tiện tay má bưng về nhà. Tối tối má í ới thằng Tấn vô lạy sám hối, y như rằng con trai má leo lên giường giả đò ngủ. Kỳ. Chẳng biết cậu sợ giai điệu tụng kinh hay sợ ngôn từ trong kinh. Từ hồi đường nhựa tràn về nông thôn cậu cũng không màng đến câu trả lời nữa, vì gia đình cậu phải để thời gian lo nhiều thứ hơn.

Anh đi chùa từ tờ mờ, để cúng năm thứ tư ông nội, muốn rủ Tấn mà thôi để cậu ngủ. Hồi đêm uống gấp đôi liều nhà thuốc dặn mà cũng còn lăn qua lăn lại. Mà, có dậy sớm chắc cu cậu cũng ở nhà, sợ lại nghe kinh, dù biết sau khi cha mẹ tai nạn ông nội là người đón anh Định về. Cậu quẹo vô tiệm chim kiểng, “không đi chung được, thả cá giùm anh”, anh dặn. Vậy chứ cậu không thích phóng sinh cá, đưa ra hồ Xuân Hương dễ bị chụp lại lắm, thích thả dế hơn. Một bịch to đùng. Và nơi chốn không thể lý tưởng hơn. Làm, để hồi hướng cho ông, người chưa từng gặp mặt, nhưng đã dưỡng dục cháu ông nên người. Nếu ông còn, nhất định sẽ đón nhận Tấn, không chừng còn vỗ vai Tấn độp độp tuyên bố từ nay tao có thêm đứa cháu trai.

Mường tượng vậy, tại nhiều lần anh kể chuyện ông cụ hồi xưa nghiêm khắc dữ thần, nhân duyên sao mà sau này hiền hòa, độ lượng, ai cũng quý. Ông sinh hai người con. Con trai lớn mất khi đi đèo. Cô gái út xuất gia, nghe nói coi sóc hai ngôi thiền tự ngoài xứ biển, được cử đi giảng nhiều nơi, một người rất đáng nể. Lòng đầy ghen tỵ, nên khi tháo dây buộc bao dế Tấn đã khựng lại. Ước phải như gia đình mình ai cũng giống ông giống cô. Không như bây giờ. Mình giống tụi dế, Tấn quẹt nước mắt, được trốn chạy hoặc ở lại làm mồi. Chắc không ngoẻo liền như bị bỏ vào lồng, nhưng không khí ngạt ngột nơi căn nhà tên tổ ấm làm người ta chán hít thở. Má Tấn biểu thôi con né thời gian cho ổng khuây khuây, rủi sùng lên ổng lái xe ẩu mang tội. Giờ ổng khuây chưa? Tấn không biết. Cuộc gọi cho Định hôm rồi. Lời mời đối thoại. Là cầu hòa hay gây chiến thêm? Tấn từ chối, vì còn sợ.

Ngoài ban công hôm nào trời ráo có đám bồ câu kêu gục gục, Tấn không dám mở cửa sổ tại e mất công tụi nó phá. Phải đến anh Định về kiếm Tấn, biết sắp có đồ ăn tụi nó sà xuống mổ lóc chóc, đứa nào cũng hiền khô. Hai chị biểu chắc thằng cu sắp về, anh chủ khách sạn gật đầu rồi thủng thẳng mời trà mấy người khách Tây.

Tấn đến với anh, vì ở anh có một năng lượng tích cực dù trước đây đứa nào cũng có bạn gái. Hình như càng già đi người ta càng thích tìm về an yên, thứ được nhắc đến nhiều trong sách Phật. Có người ruột thịt giành nhau từng mét đất, rồi đổ máu, nhưng lúc tàn hơi mới thấy mình dại khi đánh rơi điều quan trọng ấy. Tấn thấy nó hay xuất hiện nhất khi anh dắt Tấn đi ủy lạo bên Ung Bướu. Lần đầu gặp cũng ở nơi này. Có bé kia ung một bên mắt coi khổ vậy mà vẫn cười há há khi anh bắt tay hỏi han. Cô bé có. Tấn và anh lúc đó cũng có. Nhưng anh thường trực hơn. Hẳn đó là thành quả những tối hành thiền. Để soi lại mình, coi mình còn dao động không. Một công việc làm hoài và không dễ dàng gì. Ông anh nói còn tâm địa nóng nảy mai rày khách sạn chẳng ai thèm tới. Nên từ bé anh đã được tập soi mình.

Tấn nhận ra đó là một cách giáo dục sâu sắc. Khác với những gì xã hội dạy cậu. Khi lên cấp ba, căn nhà đã vắng tiếng gõ mõ. Ai cũng mất mát cái gì đó. Má lâu lâu còn dắt cậu ghé chùa thắp nhang, còn người kia hình như không nghĩ tới. Cậu tự hỏi hay tại làm tài xế cho hợp tác xã mấy nhật trình quẩn quanh thành phố đã bó chặt ông ấy hay sao, mà lâu lắm chưa thấy ông bình an. Đụng chuyện trái ý ông gắt hơn xưa, như mấy lần nóng mặt với tụi giành đường. Gặp đám tiếp viên ông lại cợt nhả quá mức làm cậu ngại muốn trốn. Xáo động như quả lắc đồng hồ. Nên khi hay tin các cậu thương nhau, không lạ khi ngay hôm đó cậu không dám ở nhà.

Nhưng dù đã khiến cậu phải đào thoát, không hiểu sao khi tụi dế được tự do, có đứa còn nhảy tưng tưng rồi gặm cỏ, tự dưng trong cậu kết niềm thương cảm. Ông, cũng là một nạn nhân.

Khi thấy Tấn mắt còn hoen đỏ, từ xa vội vã bước lại nhìn quanh quất kiếm thứ gì, hai chị người làm đã run sợ né sang một bên, anh Định phải giữ bình tĩnh hồi lâu mới nuốt nước bọt nói, Tấn nè sư cô nhà anh muốn giúp em…

- Em đói bụng quá. Còn bún không chị ơi.

Cả đám phá lên cười.

*

Xe chở Tấn băng qua cung đường uốn lượn, điểm xuyết hai bên các nhà kính được trồng ngang dọc, mà nếu quan sát kỹ sẽ thấy chi chít giỏ nấm treo lủng lẳng, bên dưới là các chậu hoa xen canh. Đồng tiền, lay ơn, cẩm chướng, cúc đại đóa, hoa hồng… và phần đẹp nhất của chúng vẫn còn e ấp chưa hé nở. Người nông dân hồ hởi biết công sức của mình sắp được xuất đi, bù cho sự ảm đạm mà mùa dịch để lại. Vụ này cũng không thấy mưa đá, chỉ thi thoảng mưa dai một chút. Báo hiệu một sự hồi sinh. Tấn cũng cảm thấy có gì đó đang chuyển mình lúc anh chuyển lái sang hướng phải, hình như ở ngoài, mà cũng có khi nơi lồng ngực cậu.

Ngôi chùa hiện ra với mái dầm cam đỏ, phong vị xứ Phù Tang, tuy lạ lẫm nhưng không tách biệt, trái lại còn khiến cả một mảng rừng bừng lên ấn tượng. Tấn cá người ý tưởng nên kiến trúc này rất thú vị. Còn ngỡ đó là trụ trì chùa, nhưng anh Định nói thật ra cô anh vẽ bản thiết kế, được Sư bà cho làm. Về sau Sư bà thấy cô giỏi giắn nên gởi đi Khánh Hòa xây thêm nơi hoằng pháp. Cái khách sạn cậu đang ở mấy ngày nay cũng cô tạo nên.

Tấn được dắt qua chánh điện hành lễ, không có nhiều tượng như cậu nghĩ, chỉ có tượng Phật tay cầm búp hoa, không hiểu sao cậu thấy thân thuộc như từng đến nhiều lần. Cô Ni trờ tới nói Sư giáo thọ đang chờ mấy chú trong thất, giống các cô thư ký bên tổng công ty hay xuống giới thiệu trước, làm Tấn cảm giác mình sắp gặp bậc uy quyền.

Nhưng cảm giác ấy nhanh tan khi trước mắt người phụ nữ áo lam nhẹ cúi đầu xá chào, chỉ còn lại không khí như lần đầu gặp Định, cậu bật khóc, chân tay run lên. Đến độ Định phải dìu bạn mình lên ghế nhưng bị khước từ, không hiểu sao cậu lại quỳ xuống đất trước cô. Có lẽ cô làm cậu nhớ đến ngày xưa, bầu trời, nương rẫy, cánh đồng khoai, mùi đất. Chúng xa xôi. Chúng là nơi cậu trải lòng, có khi bằng mấy con diều ghi đầy ước mơ con nít rồi thả thiệt cao. Giờ đây, cậu thấy chúng thiệt gần. Anh Định nắm tay thật chặt, cậu bắt đầu kể.

Sau này, cậu chỉ nhớ cha đã khóc khi cô đưa máy cho mình. Hôm đó cha nhường tài về sớm cô không phải chờ. Cậu quên cha đã nói gì, vì lúc đó nó cũng mếu máo như đứa trẻ.

*

Trong lần tái ngộ, khi được hỏi nếu con không quen anh Định cô có giúp con không, cô biểu thì hồi đó cô cũng vì ông cụ cấm cản mà nhảy hồ, coi ra còn liều hơn tụi con nữa. Không nhờ phước Sư bà vớt lên cô cũng không biết ra sao. Bà rầy con ơi rủi con chết thiệt cha con sẽ lao đao cả đời, con thấy có yên lòng không?

- Chỉ vậy thôi, mà cô thấy mình sống lại. Thực sự sống.

Mắt cô rung rưng, tôi đinh ninh không phải do cơn mưa làm hơi đất xộc vào. Chúng tôi tạm biệt cô khi đoàn hành hương chào cô và đám trẻ đi điểm an cư khác. Trước khi về, cô gởi riêng cho tôi đôi tượng Bổn Sư, như lời cha tôi dặn, tượng lớn để bàn thờ, tượng nhỏ cha để dành đeo lúc lái xe. Tôi nhìn tượng Bụt, lòng vui vui vì mình đã bắt đầu tìm lại điều chưa bao giờ mất.

Truyện ngắn Nguyễn Minh Đoàn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày