GN - Không qua trường lớp nào, cũng không phải tay chơi sành điệu và không phải nhân vật sưu tập nổi tiếng, nhưng, Trần Đức Vinh hiện nay có bộ sưu tập trên 90 tác phẩm nghệ thuật các thể loại tượng gỗ với chủ đề “Duyên Phật”.
Trần Đức Vinh (38 tuổi) cho biết, có một thời gian anh say mê các tượng Phật nên đã quy y Tam bảo, trở thành một Phật tử tại gia (làm đệ tử của HT.Thích Từ Hương, chùa Bửu Nghiêm, Gia Lai) với pháp danh là Quang Hiển. 20 năm kể từ ngày quy y, anh học hỏi phần nào về giáo lý nhà Phật thông qua sự hướng dẫn của quý thầy.
Phật tử Quang Hiển bên một tác phẩm của mình - Ảnh: G.Hiền
Anh rất có lòng hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với mọi người và vợ con, hiện nay anh có vợ và 2 con, gia đình cư trú tại số 337 Nguyễn Viết Xuân, P.Hội Phú, TP.Pleiku, Gia Lai. Vợ của Trần Đức Vinh cũng rất vui và đồng tình với chồng là để cho Vinh thực hiện sự đam mê nghệ thuật của mình. |
Trước đây Vinh có trên 15 năm hành nghề hớt tóc, ngoài ra anh còn “kiêm” thêm kết hoa đám cưới. Trên khả năng sẵn có, Vinh luôn rất sẵn lòng làm công quả mỗi khi quý thầy nhờ, nhất là những lần Ban Trị sự GHPG Gia Lai kết hợp với chính quyền tổ chức lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang trong tỉnh, không lần nào vắng mặt Trần Đức Vinh. Anh tham gia cắm hoa lễ và còn thường cắm hoa cho các chùa trong dịp Đại lễ Phật đản hàng năm.
Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm một nghề nào khác, nhưng cách đây 5-6 năm, tình cờ anh nhìn thấy một khúc gỗ nằm lăn lóc, xù xì, trơ trọi ở bên đường và liền bị cuốn hút bởi năng khiếu nghệ thuật tiềm ẩn. Khi ấy, trong lòng Phật tử Quang Hiển tư duy và tâm đắc câu “Phật tại tâm”, rồi anh đặt hết ý niệm đó vào khúc gỗ. Có lẽ năng khiếu nghệ thuật của tự thân cộng với niềm say mê học đạo đã hòa trộn trong Vinh nên tác phẩm đầu tiên mang tên Nụ cười Di Lặc nhanh chóng ra mắt và có rất nhiều tác phẩm gắn liền với hình tượng Phật tiếp tục hoàn thiện.
Không những chế tác ra tác phẩm mà Quang Hiển còn sáng tác kèm theo những vần thơ diễn tả, như tác phẩm Tu tâm: “Trần gian bao nỗi thăng trầm. Lấy điều giác ngộ tu tâm tịnh thiền”. Ngoài ra anh còn sưu tầm, chế tác các phế phẩm gỗ với đề tài Thoát trần, Tẩy trần, Vô ngã, Mẹ Từ bi.
Đặc biệt, tác phẩm Trái tim bất diệt (về hình ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu) được nhiều người khen ngợi. Điều mà nhiều người chú ý, thích xem nhất là những tác phẩm rất có ý nghĩa về sự cô đơn của người già, người mẹ nuôi con hay cảnh báo nạn phá thai cũng như nạn phá rừng…
Lòng hiếu thảo của Phật tử Quang Hiển qua cảm nhận của người viết là hình ảnh anh đã nuôi mẹ nằm trên giường bệnh 8 năm liền. Chia sẻ về mẹ, anh cho biết: “Tình mẹ có ấn tượng sâu sắc đối với tôi, là chất liệu nuôi tôi khôn lớn, dưỡng tình yêu thương trong tôi, nên bây giờ các tác phẩm về mẹ luôn làm tôi xúc động”.
Tuy ngôi nhà của Quang Hiển không lớn lắm nhưng thường xuyên có quý thầy và nhiều đoàn người khắp nơi nghe tin đến xem và thán phục và nhã ý muốn thỉnh các tác phẩm. Với những đề nghị đó, Trần Đức Vinh đều trả lời là chỉ để chơi chứ không bán. Mới đây, tại triển lãm sinh vật cảnh thời gian một tuần, diễn ra tại Gia Lai, có các nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên, Quang Hiển được ông Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen.
Anh chia sẻ: “Từ lâu tôi đã từng mơ ước là sẽ có dịp đem những tác phẩm của mình cho mọi người thưởng lãm. Những lần triển lãm ở văn phòng BTS PG tỉnh Gia Lai nhân dịp Đại lễ Phật đản hàng năm, hình ảnh Phật, Bồ-tát đã được nhiều Phật tử nhớ tới, chiêm ngưỡng thông qua bộ sưu tập của mình, tôi cảm thấy rất vui vì cũng góp một phần trong việc đem hình ảnh Phật tới đại chúng”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những tác phẩm của Quang Hiển được mọi người đánh giá cao cũng như đã để lại trong lòng người xem niềm hoan hỷ và nhiều suy ngẫm. Anh hứa với chúng tôi là năm nay sẽ kết hợp với Ban Văn hóa PG Gia Lai tổ chức triển lãm nhân Đại lễ Phật đản PL.2557, với quy mô lớn hơn những năm trước…
Thích Giác Hiền