GN - Sau 28 năm, sự kiện Gạc Ma đã quay trở lại bằng hàng loạt các lễ kỷ niệm, kỳ siêu do người Việt tổ chức ở nhiều nước trên thế giới trong những ngày qua, như: Pháp, Đức, Czech, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia v.v...
Điều đó chứng tỏ con dân Việt Nam dù ở đâu cũng vẫn không thể nào nguôi quên những người đã nằm xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có chủ quyền biển đảo.
Nghi thức phóng sinh trong lễ cầu siêu tại chùa Phật Tích Vientiane
của cộng đồng người Việt Nam tại Lào. Ảnh: Vietnam+
Nhìn lại trận chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988, đó không phải là cuộc hải chiến đúng nghĩa khi các chiến sĩ Việt Nam thực ra chỉ là những công binh, trên tay không một tấc sắt; còn các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ trong khu vực chỉ là những tàu vận tải, không mang vũ khí chuyên dùng chiến đấu.
Những công binh ngày ấy đang vận chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, cắm cờ đánh dấu chủ quyền thì binh lính Trung Quốc ập đến. Các công binh Việt Nam nắm tay quây thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc. Lính Trung Quốc xả súng vào họ, khiến cho 64 công binh Việt phải ngã xuống; mãi đến nay, thân xác nhiều chiến sĩ vẫn còn trong biển lạnh... Họ đã xâm chiếm đảo đá ngầm Gạc Ma, chiếm đóng trái phép trên nhiều đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa.
28 năm qua, vì nhiều lý do, trận chiến Gạc Ma có lúc tưởng chừng như bị rơi vào quên lãng và thật đáng buồn khi có người trẻ, và ngay cả những người cùng thời, đã không biết hoặc biết rất ít về sự kiện hào hùng nhưng đầy bi thương ấy. Song, anh linh các chiến sĩ trong trận chiến Gạc Ma năm nào như được an ủi khi gần đây, người Việt trên khắp năm châu đã cho thấy họ không quên các anh - những chiến sĩ anh dũng, kiên cường.
Tháng 3-2015, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được khởi công xây dựng tại Công viên Biển Đông - bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa trên vùng đất rộng 2,5ha. Cùng tháng Bảy năm này, tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.Hồ Chí Minh, buổi lễ cầu siêu tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma cùng các anh hùng liệt sĩ khác đã được tổ chức; đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân cùng hàng nghìn Tăng Ni, Phật tử, người dân đã đến tham dự, tưởng niệm.
Trong bài diễn văn khai mạc tại lễ cầu siêu trên, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ: “Trong sâu thẳm trái tim người dân Việt, sự ra đi của các anh là nỗi đau, nhưng cũng là niềm tự hào để cán bộ, chiến sĩ càng chắc tay súng bảo vệ từng hòn đảo, tấc biển và vùng trời Tổ quốc. Những ai đã từng ra Trường Sa đều có thể cảm nhận được. Giữa sóng gió ngàn khơi, tên các anh đã khắc vào lịch sử… Tổ quốc vẫn nhắc tên các anh - những liệt sĩ Gạc Ma”.
Lời nói ấy như lột tả được tấm lòng của gần 100 triệu người dân Việt trên khắp năm châu đối với các chiến sĩ Gạc Ma cũng như những chiến sĩ đã vị quốc vong thân qua bao cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, rằng: hôm nay và mãi mãi về sau, chúng tôi - Phật giáo Việt Nam và nhân dân Việt Nam - không bao giờ quên các anh!
>> Người Việt khắp nơi cầu siêu cho liệt sĩ Gạc Ma