GN - Có lẽ, ai trong đời cũng thân thuộc với hình ảnh những người phụ nữ gánh đậu hũ cùng tiếng rao của họ. Ở Quảng Nam, có một ngôi làng với nhiều người phụ nữ làm nghề bán đậu hũ với những kinh nghiệm riêng...
Đã trên 20 năm gắn bó với nghề nhưng đối với cô Phạm Thị Lợi (khối phố 4, P.Trường Xuân, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), để có một mẻ đậu thơm ngon, yêu cầu kỹ thuật đặt ra đối với người nấu đậu không hề đơn giản. Công đoạn ngâm đậu đòi hỏi thời gian ngâm vào lúc nào và ngâm trong bao lâu là phù hợp.
Khi xay bột quy định lượng nước pha vào như thế nào để bột đậu không quá loãng mà cũng không quá đặc. Đến khi lọc, người nấu đậu cũng phải có những kỹ thuật để chắt lọc ra một lượng nuớc đậu tinh khiết, không còn các chất cặn và xác.
Cô Phạm Ta với gánh đậu hũ thân thuộc - Ảnh: Tường Quân
Để tạo ra những hương vị khác biệt cho món đậu của mình, cô Lợi cũng đã sử dụng lá dứa làm tăng thêm mùi thơm của đậu và gừng để làm nồng nàn vị ngọt của đường. Công việc nấu đậu không nặng nhọc đối với sức khỏe của một người phụ nữ nhưng lại đòi hỏi ở họ sự chỉn chu thực hiện ở từng công đoạn, sự am hiểu và kinh nghiệm qua từng bước nấu.
Gắn với nghề đã lâu nhưng cô vẫn luôn tìm hiểu, chắt lọc những kinh nghiệm để có thể cho ra những mẻ đậu ngon nhất. Cũng chính sự đa dạng, muôn màu của đậu hũ mà mỗi người lại có một cách nấu và những kinh nghiệm khác nhau.
Các chị em trong làng vẫn hàng ngày giúp đỡ và trao đổi những kinh nghiệm nấu đậu hũ với nhau nhưng không phải vì thế mà đậu hũ của ai cũng giống ai. Vẫn với những nguyên liệu để cho ra một mẻ đậu nhưng hương vị, độ thơm ngon của đậu do mỗi người nấu sẽ hoàn toàn khác nhau. Nó sẽ phụ thuộc vào cách nấu của từng người, kinh nghiệm hay sự cảm nhận đặc biệt nào đó.
Cũng đã trên 25 năm trong nghề với biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố nhưng đến nay cô Phạm Ta (khối phố 4, P.Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) vẫn còn gắn bó với gánh đậu hũ của mình như một cái duyên khó dứt và là một trong những người nấu đậu hũ ngon nhất nơi đây. Nguồn thu nhập không cao nhưng đối với cô, đó là một công việc ổn định để mưu sinh và nuôi sống gia đình.
Đậu hũ có thể bán quanh năm, không kể nắng mưa hay mùa nào. Và chỉ có sự kiên trì, bền bỉ chịu thương chịu khó của những người phụ nữ mới gắn bó và thực sự sống được với nghề. Nhưng đôi khi, nỗi cực nhọc của nghề này khiến họ không còn đủ sức khỏe để tiếp tục theo nghề nhưng tình yêu và sự gắn bó với những gánh đậu hũ vẫn luôn là những điều đẹp nhất.
Trên đôi vai của những người phụ nữ ấy, gánh đậu cũng mang đến cho mọi người nhiều niềm vui và những phút giây hạnh phúc nhất. Họ lại như trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, tình làng nghĩa xóm như khắng khít hơn bên những chén đậu hũ thơm ngát. Bước chân của những người bán đậu hũ hằn in trên mọi nẻo đường, từ các con đuờng quê đến những con phố nhộn nhịp, đông người.
Ở đó, dù họ như nhỏ bé hơn giữa cuộc sống thường nhật với biết bao xô bồ nhưng tại một góc nào đó trên phố, hay trong các khu chợ, họ đã đem được nhiều niềm vui đến với mọi người. Người ta có thể chọn những món khác nhau để được ăn no, ăn lạ nhưng chắc chắn đó không phải là món đậu hũ.
Những người chọn đậu hũ vì những điều đặc biệt hơn, đó là sự bình dị mà đậm đà hương vị quê, đặc biệt mà không cầu kỳ, kiểu cách. Và có thể, có những tình cảm rất sâu thẳm thúc giục họ cầm trên tay một chén đậu hũ dân dã này.
Nghề đậu hũ không đem đến cho người ta sự giàu có và sung sướng nhưng đối với những nguời phụ nữ như cô Lợi, cô Ta, sự gắn bó đối với nghề đã đem lại cho họ nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Những chén đậu hũ có thể đổi lại được vài bó rau để họ và gia đình có một cuộc sống ổn định và cũng từ những chén đậu, họ đã đem đến cho mọi người những phút giây thư thả, nhẹ nhàng của cuộc sống. Hình ảnh gánh đậu hũ khơi dậy những tình cảm đẹp nhất về tuổi thơ của mỗi người.