GNO - Quà quê ớt hiểm còn xanh
Gửi lên thành phố để dành mà ăn
Rau lang, bình bát tươi nhăn
(Thơ ba gửi kèm từ Bà Rịa)
Quà quê của ba má - Ảnh minh họa
Thật ra bao chữ, bao lời thì cũng không thể nói hết công ơn đời đời của cha mẹ.
Một mùa Vu lan nữa lại đến, tôi chỉ xin chép vào đây những kí ức trong sâu thẳm tâm hồn nhưng luôn hiển hiện trong mình từng phút giây của những năm tháng xa nhà và được trưởng thành trong mớ “quà quê” của ba mẹ.
Ba tôi là Thầy - người Thầy đầu tiên trong cuộc đời, là cậu “mục đồng” trong những câu chuyện xa xưa bên lũy tre, bờ ruộng, là “anh nông dân” với vườn rau cây cỏ nuôi tôi lớn khôn, là bác thợ mộc cho mình chiếc bàn học đồng hành thời cắp sách. Đặc biệt hơn, cha tôi còn là “nhà báo”, nhà thơ lỡ nợ khoa trường” với thói quen mỗi ngày một tờ báo, “mỗi chuyện” một bài thơ và thế đấy mà lại truyền cho tôi tình yêu với sách báo, với điệu vần con chữ.
Còn mẹ - mẹ là người đã từng vào ra cửa tử để chị em tôi ra đời, là người đầu bếp đưa rau trái của ba vào những bữa cơm nồng ấm, là người “góp nhặt” những yêu thương âm thầm nhất trong từng hủ tiêu, hủ muối ớt, bịch đường, bao gạo hay cả chai dầu gió Bình An cho nó mỗi lúc đi xa, là “tổng đài viên” với câu nói quen thuộc “Cơm chưa, trời mưa không con?” mỗi buổi tối.
Ba mẹ, con thương nhớ...
Bao nhiêu cay, đắng, mặn ngọt của những thứ gia vị, những món quà quê ấy đã cho tôi những năm tháng đong đầy vị yêu thương.
Đã 25 năm từ ngày gia đình cầu xin mãi mới lọt ra được đứa trẻ như tôi; tôi lớn lên không được khỏe mạnh, hay ốm vặt, nhưng luôn không ngừng cố gắng học tập tu dưỡng và tự hứa sẽ ngày một vững chãi hơn để là niềm tin yêu, tự hào của ba mẹ.
Bảy mùa thu nơi Sài Gòn, có cách xa, nhưng sợi dây thương mến vô hình giúp tôi luôn cảm nhận một gia đình bên cạnh, không bao giờ xa cách.
Sài Gòn, mùa dịch 1-8-2020
Võ Thị Long Giang