Gặp được Phật pháp là khó

GN - Người học Phật thường nghe câu “Sinh ra đời gặp được Phật pháp là khó”. Kỳ thực thì với phương tiện ngày nay, không khó để truy tìm một bản kinh của Phật hay một pháp thoại nào đó của những vị thầy danh tiếng. Có điều, để hiểu được thật nghĩa của Phật pháp thì phải hội đủ nhân duyên.

Muốn tìm hiểu, học tập và ứng dụng Phật pháp có hiệu quả cần đi theo lộ trình, thứ bậc. Căn bản, nền móng Phật học vững chắc cộng với duyên lành trong nhiều đời được gặp minh sư, các bậc thiện hữu tri thức đồng hành thì mới có thể tiến xa trên lộ trình tu tập Giới-Định-Tuệ.

gapphatphap.jpg


Ánh sáng Phật pháp

Một trong những phẩm hạnh mà người thật tu cần có là trau dồi đức kham nhẫn và hạnh tinh cần. Kham nhẫn sự khó nhọc, lao khổ trên lộ trình học đạo. Ngoại trừ trường hợp thiếu phước duyên quá khó khổ sẽ làm chướng ngại người sơ cơ, sự sung túc và đủ đầy quá cũng là chướng ngại lớn của đường tu. Thiển nghĩ, cần thiếu thốn một chút để rèn hạnh muốn ít và biết đủ. Tinh cần vì đường đạo xa ngái, thân mỏi tâm mệt trong khi pháp lạc lúc có lúc không. Ai đã từng có lần chiêm nghiệm những điều không như ý trong sự tu học của hiện tại so với khổ đau sinh tử luân hồi trong ba đường ác thì sẽ thấy chẳng ăn thua gì. Dù cho có khó khổ hơn nữa cũng chẳng hề nao núng, giữ vững quyết tâm cầu đạo.

“Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

Giống như có người sống lâu trăm tuổi, có người nói với người ấy rằng: ‘Ông nếu muốn nghe pháp thì mỗi ngày ba thời phải chịu khổ: Sáng sớm chịu khổ của trăm mũi thương đâm vào; trưa, chiều lại cũng như vậy. Trong một ngày, chịu khổ ba trăm mũi thương đâm; như vậy ngày nào cũng tiếp tục cho đến trăm năm rồi sau đó nghe pháp, được hiện quán. Ông có thể chịu như vậy được không?’. Bấy giờ, người này vì muốn nghe pháp nên có thể chịu đựng tất cả. Vì sao? Vì con người sanh ra ở thế gian luôn luôn chịu khổ ở trong ba đường ác, khi thì địa ngục, khi thì súc sanh, khi thì ngạ quỷ, mà không cảm nhận các thứ khổ, cũng không nghe pháp. Cho nên nay vì muốn được hiện quán, nên chẳng cho rằng cái khổ ba trăm mũi thương đâm vào người trọn đời là cái khổ lớn. Thế nên các Tỳ-kheo nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 401)

Thế Tôn dạy rằng, mỗi chúng ta đã trải qua vô lượng khổ của ác đạo rồi mà chưa từng gặp được ánh sáng Phật pháp. Nay vì tu học mà phải chịu khổ nhọc (cho dù đó là ba trăm mũi giáo đâm vào người mỗi ngày) cũng chẳng sá gì nếu được gặp Phật pháp. Theo Thế Tôn, Phật pháp thì bao la nhưng cốt tủy vẫn là ‘Hiện quán Tứ Thánh đế’.

Hiện quán là cách gọi khác của thiền quán, tức sự thấy biết như thật với chánh niệm, nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác về thế giới và nhân sinh. Hiện quán là tuệ giác như thật, là kinh nghiệm trực tiếp, là thực tại hiện tiền vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp. Hiện quán Tứ Thánh đế là tuệ giác như thật về Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Phật pháp vốn bao la, người tu hãy nắm lấy chìa khóa ‘Hiện quán Tứ Thánh đế’ ắt sẽ mở cửa được toàn bộ kho tàng của Như Lai. ‘Thế nên các Tỳ-kheo nếu đối với Bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán’ vẫn là lời dạy căn bản, thống thiết của Thế Tôn đồng vọng cho đến ngày nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn có lời chào mừng đến các vị đại biểu, chư vị khách quý; đồng thời nêu ý nghĩa của Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024. Trưởng lão Hòa thượng cho biết năm 2024 là năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX...
Chư Tăng Ni chỉ chuyên tâm tu học và làm các Phật sự mà thôi - Ảnh minh họa

Chư Tăng có thể đi làm việc ngoài xã hội không?

GNO - Tôi thấy ở nước ngoài, các tu sĩ Phật giáo vẫn đi ra ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và học hành. Vậy ở nước ta, các thầy có được phép ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp để làm việc không?

Thông tin hàng ngày