Ghé chơi Tricycle

GN - Con đường dẫn tới văn phòng Tạp chí Tricycle, một trong những tạp chí Phật giáo Anh ngữ có uy tín hàng đầu thế giới, là một trong những đại lộ sầm uất của New York. Tọa lạc ngay khu Manhattan danh tiếng, cách Quảng trường Thời đại (Times Square) chừng 15 phút đi bộ, con phố này có nhiều cửa hiệu phồn hoa, lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt người qua lại.

Hồi chưa đến đây, tôi vẫn hình dung tòa soạn là một nơi yên tĩnh có vườn cây bao quanh, có thể thong dong tản bộ, hành thiền... Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Đó là một văn phòng hiện đại như bao văn phòng khác ở Mỹ.
xp3.jpg
Tác giả (trái) với một nhân viên tòa soạn Tạp chí Tricycle

Sáng đầu tiên có hẹn với Max, trợ lý của Ban Biên tập, người được phân công sẽ tiếp đón tôi ở tòa soạn, tôi thong thả đi bộ qua những góc phố nhỏ để tận hưởng New York buổi sớm mai, cũng là để tránh dòng người vào giờ cao điểm.

Hôm trước tôi chóng mặt vì bị mất hút giữa dòng người quá đông ở quảng trường hay ở những đoạn ngã tư đèn xanh đỏ. Nhiều khi va chạm vào nhau, lời xin lỗi nghe chưa xong thì người chỉ còn là cái lưng hối hả. Đi sớm, Manhattan còn chìm trong giấc ngủ, sương còn đọng trên hoa cỏ từ những ngôi nhà hai bên đường, tôi thấy có nhiều người khoác tấm thảm yoga đi bộ trên phố cùng nhau, thong thả. 

Văn phòng của người trẻ

Tôi hỏi thăm người bảo vệ tòa nhà để được hướng dẫn lên văn phòng của tạp chí. Anh bảo vệ cởi mở: “Cô đến thăm văn phòng của tạp chí Phật giáo ấy à? Hiếm khi thấy người châu Á như cô đến đây. Thỉnh thoảng tôi cũng có xem tạp chí đó, có mấy cái hình về ngài Dalai Lama tôi rất thích”. Tôi cũng nói qua nói lại với anh ấy vài câu, biết tôi từ Việt Nam, anh ấy “wow” lên: “Việt Nam, tôi biết Việt Nam, tôi cũng biết đa số quốc gia châu Á đều thích đạo Phật rất nhiều”.

Bảng hiệu Tricycle nằm khiêm tốn, thanh nhã, tôi nhấn chuông và một bạn trẻ ra mở cửa. Sau khi chào hỏi và anh bạn xác nhận mình là Max, đúng người tôi đã trao đổi công việc qua email, thì tôi gần như hét toáng lên vì quá ngạc nhiên. Tôi không thể ngờ rằng Max lại trẻ đến vậy. Qua email, tôi hình dung đó là người trung niên, do cách hành văn chững chạc, ngôn từ sâu sắc.

Hơn nữa, ở vị trí ấy, người ta dễ hình dung đó là người có tuổi và nhiều kinh nghiệm. Bởi ngoài việc hỗ trợ Ban Biên tập công tác nội dung, vị trí ấy còn lo nhiều việc linh tinh khác, như tuyển dụng thực tập viên, đọc bản thảo, viết bài… Dù sao đó cũng là định kiến của riêng tôi, một người từ châu Á, từ Việt Nam, nơi mà hầu như các tạp chí Phật giáo đều được mặc nhiên hiểu là do các vị xuất gia cao niên thực hiện.

Max dắt tôi vào văn phòng, giới thiệu với vài người khác trong tòa soạn. Hôm nay là ngày bận rộn, hầu như mọi người đã đi ra ngoài để thực hiện bài vở. Chỉ còn rất ít người đang cặm cụi làm việc, có lẽ cho số báo sắp ra. Làm báo lúc nào cũng có những ngày gấp gáp như thế.

xp2.JPG


Max, trợ lý Ban Biên tập đang trao đổi công việc với Emma, Thư ký tòa soạn tạp chí - Ảnh: Xuphu

Hết ngạc nhiên với tuổi trẻ của Max, tôi ngạc nhiên vì văn phòng của tòa soạn. Hiện đại, ấm cúng, trang trí nội thất đẹp trang nhã, không hề có màu sắc Phật giáo, ngoại trừ bức tranh tượng Phật nho nhỏ nằm ở vị trí trang trọng, chủ yếu như là để trang trí, còn lại, không hề có màu sắc Phật giáo ở đây.

Tôi nhìn quanh, trong vô thức tìm kiếm một chiếc áo tu hành thấp thoáng đâu đó. Nhưng tôi không thấy. Max giới thiệu tôi với Emma, thư ký tòa soạn. Emma cũng trẻ cùng trang lứa với Max, chỉ hơn cậu ấy vài tuổi. Trong khi tôi chưa hết ngạc nhiên vì Max,  vì văn phòng hiện đại, thì giờ đến Emma. Cô ấy trẻ, ăn mặc giản dị, cười rất tươi, dáng rất người mẫu, tôi buột miệng hỏi: “Văn phòng không có quý thầy hay sư cô làm việc hay sao?”. Hai bạn cùng cười: “Ồ không, văn phòng chỉ toàn là người bình thường. Khi nào chúng tôi cần cố vấn thì mới đến gặp các thầy. Đa số nhân viên ở đây đều trong độ tuổi từ 25 đến 28 thôi”. Trời ơi, tôi liên tục kêu trời ơi khi nghe Emma chia sẻ về người trẻ làm báo Phật giáo ở đây. Tôi nói với họ: “Thật sự ở Việt Nam thì người trẻ có vẻ như họ chưa sẵn sàng hoặc thiếu kiến thức khi nghĩ đến việc sẽ làm báo Phật giáo. Đa số là quý thầy. Hầu như phải sau 30 tuổi may ra mới làm ở các vị trí như các bạn. Tôi nể các bạn quá”.

Vận hành thông minh, sản phẩm trí tuệ

Chúng tôi trao đổi với nhau vài việc về kinh nghiệm làm tạp chí, viết bài, làm việc với độc giả. Có vài điểm chung khi làm báo Phật giáo ở Mỹ và Việt Nam, trong đó nổi bật là phân khúc độc giả, nói chung đều hướng đến giới tu hành và độc giả bình thường thì sau 35. Tôi hỏi: “Văn phòng toàn nhân viên trẻ, làm thế nào để đủ chiều sâu khi viết bài, duyệt bài, đặc biệt là những bài khó? Emma cho biết: “Chúng tôi có đội ngũ cố vấn và mạng lưới cộng tác viên khắp nơi. Chúng tôi biết cần ai ở thể loại nào”.

Cách vận hành của tòa soạn khá thông minh. Văn phòng nhỏ gọn hiện đại ngay trung tâm New York tiện cho việc giao dịch, đội ngũ tinh nhuệ, một người có thể làm được rất nhiều kỹ năng cùng lúc. Chẳng hạn như Emma, cô có thể vừa thiết kế, vừa viết bài, vừa sản xuất… Họ làm việc với mạng lưới quanh họ một cách nhuần nhuyễn, nhờ thế mà thông tin về Phật giáo, thiền, tu tập… của New York và cả nước Mỹ gần như thể hiện khá đầy đủ trên tạp chí.

Chính vì chất lượng tạp chí rất cao như vậy, nên dù cơn bão truyền thông trực tuyến tràn tới, và Tricycle cũng hòa mình bằng phiên bản điện tử rất đẹp, thì tạp chí bản in chịu ảnh hưởng rất ít. Số lượng phát hành, tuy là bí mật kinh doanh của họ, nhưng theo Emma cho biết, đó vẫn là một con số tuyệt vời trong thời buổi này.

Toàn cầu hóa Phật giáo

Nói chuyện thêm với Max, tôi được biết các hoạt động liên quan đến Phật giáo ở xứ này khá nhiều, thường xuyên và được đón nhận hoan hỷ, trân quý. Chẳng hạn, các buổi diễn thuyết của Đức Dalai Lama thường cháy vé, phải đặt trước cả tháng, giá vé không hề rẻ. Tin tức về Ngài luôn được đăng trang trọng trên Tricycle. 

Người Mỹ, bên cạnh những hội thảo kinh tế, những sô diễn thời trang, những sòng bạc bất tận, những con số chứng khoán lên xuống chóng mặt, những thú vui giải trí náo nhiệt… tất cả gần như đình đám ở tốp thế giới, thì họ vẫn dành cho Phật giáo và đời sống tâm linh một vị trí có giá trị. Cả nước Mỹ có hàng trăm trung tâm về Phật giáo, thiền, yoga… Riêng New York thì có hơn 10 trung tâm thiền lớn và rất nhiều nơi quy mô nhỏ, với nhiều hoạt động định kỳ và liên tục.

b1.png
b6.png
b4.jpg

b6.png
Cách trình bày bìa tạp chí Tricycle rất hiện đại

IMG_0203.JPG
Tạp chí Tricycle, một trong những tạp chí Phật giáo Anh ngữ có uy tín hàng đầu thế giới

Quả thật chúng tôi không có nhiều thời gian để trò chuyện, kiểu như ngồi hàng giờ trong một quán cà-phê như ở Việt Nam. Sự bận rộn của New York đến từ mọi ngóc ngách của đời sống. Tạp chí Phật giáo cũng không ngoại lệ. Ngày chia tay, tôi chỉ có một lời hẹn là sẽ viết bài chụp ảnh cộng tác thường xuyên với Tricycle, với nội dung rất Việt Nam. 

Toàn cầu hóa Phật giáo là chuyện từ hai ngàn mấy trăm năm trước, khi Đức Phật lần đầu tiên chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển (Sarnath). Tận bây giờ, khi cầm tờ tạp chí Tricycle mới còn thơm mùi mực in, ngồi trong một quán cà-phê ở New York, tôi mới cảm được điều đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày