Giải mối oan khiên

NSGN - Vu lan lại đến.

Hiếu hạnh của con trẻ lại được nhắc đến. Nhưng đâu đó cũng thấy hiện lên các tiêu đề nói về việc con giết cha, hãm hiếp mẹ, những nghịch hạnh không ai có thể chấp nhận.

Những con người như tôi, nhìn sự vật và các hiện tượng qua cái nhìn duyên khởi, thường không có cái nhìn nghiêng hẳn bên nào. Không thể trách cha mẹ vì con là đứa nghịch hạnh. Nhưng cũng không khởi tâm trách oán người con vì đời này không có gì không có nhân duyên. Một cái nhân được gieo, giờ đủ duyên thành quả. Đó là lý do vì sao việc đó không xảy ra với gia đình này mà lại xảy ra với gia đình khác. Không xảy ra với người này mà lại xảy ra với người khác. Vì một quan hệ nhân duyên đã được gây tạo từ quá khứ. Một quá khứ có thể kiểm nghiệm ngay đời này. Nhưng cũng có khi khó kiểm nghiệm, vì nó đã xảy ra từ những đời trước, giờ đủ duyên thành quả. Đáng tiếc là chúng ta chỉ thấy cái quả và y đó mà phán xét. Ít ai thấy được cái nhân khiến sự việc xảy ra như vậy. 

Có những lời xúc não không hề đưa đến một hậu quả nghiêm trọng nào trong hiện tại, nhưng có khi chỉ một vài lời qua lại không đáng kể, vẫn gây ra án mạng cho toàn gia tộc, vì đã có cái nhân tích tụ từ trước.

Duc phat.jpg

Thời Phật còn tại thế, vua Lưu Ly mang quân tàn sát hết dòng họ Thích, chỉ vì ngày còn nhỏ bị vài người trong dòng họ Thích mắng đuổi. Lời mắng hiện tại đối với một đứa trẻ không có gì nghiêm trọng, nhưng trở thành duyên khiến Lưu Ly ôm hận tàn sát, vì quá khứ dòng họ Thích đã đánh bắt hết dòng tộc cá của ông. Do uất ức, ông đã phát lời thề dồn hết mọi phước báu có được cho việc trả thù. Lời thề ấy là nền tảng để xảy ra việc tàn sát mà ngay cả Phật cũng không thể cứu.

Vài lời mắng nhiếc trong hiện tại trở thành nghiêm trọng, chỉ vì ông đã tích tụ một lời nguyền trong tạng thức. Lời nguyền đó chính là cái nhân làm chủ mọi suy nghĩ và hành động của ông trong hiện đời. Cộng với cái nhân sát sinh ngày trước của chư vị họ Thích mà cái quả tàn sát đã xảy ra. Việc trả thù thành công trở thành cái nhân khiến Lưu Ly và quân lính bị nước cuốn trôi, đọa liền vào địa ngục. Bởi trong số bị tàn sát kia, kẻ tu tịnh nghiệp rất nhiều. Mới thấy, gieo nhân thì dễ, tích tụ thì dễ, phát lời thề cũng dễ, chỉ là khi nhân quả nối tiếp xảy ra thì khó mà chống đỡ nữa.

A Nan là đệ tử Phật, là thị giả của Phật, được kề cận Phật, là người có trí nhớ ghi lại được mọi lời giảng của Thế Tôn không chút sai lầm. Khi lên tòa thuyết pháp, thân ông có thể như thân Phật1. Điều đó cho thấy, dù chưa chứng Thánh quả, ông cũng không phải là kẻ tầm thường. Vậy mà ngang qua thanh lâu, đã bị Ma Đăng Già dùng chú thuật mời vào, cũng đã kề vai cận má. Không có chú thuật của Phật, ắt A Nan đã phạm giới. Chỉ vì ông đã có 500 kiếp làm vợ chồng với Ma Đăng Già. Một sự tích tụ không nhỏ trong tạng thức của ông. Nó chính là cái nhân, khiến ông không còn tỉnh táo khi gặp Ma Đăng Già, nhưng cũng nhờ hạnh nghiệp xuất thế tích tụ trong tạng thức không nhỏ, nên ông đã thoát nạn.

Sự tích tụ đó, Phật gọi là “tập”. Phật nói “khổ” là do “tập”. “Tập”, là những gì chúng ta đã tích tụ trong tạng thức. Nó là nguyên nhân đưa đến khổ nạn trong hiện đời.

Có lẽ bạn sẽ hỏi, công đức tu hành cũng là sự tích tụ. Sự tích tụ đó không lý cũng đưa đến khổ?

Sự tích tụ nào cũng là nhân của khổ khi chúng ta chưa soi thấu được bản chất của chúng. Không phải là khổ thô của phàm phu thì là khổ tế của thánh nhân. Bởi chấp là đầu mối của mọi khổ nạn, mà chấp lại hình thành từ sự tích tụ. Khi chưa soi thấu được cội nguồn chân thật của vạn pháp, chúng ta vẫn bị chi phối bởi cái khổ của dòng biến dịch sinh tử. Tuy đó là cõi cực lạc mà phàm nhân hướng đến, nhưng lại là cái khổ của thánh nhân cần phải vượt qua, để thể nhập Niết-bàn vô trụ xứ của Phật. Luận Đại thừa khởi tín có nói đến hai loại sinh tử khổ này.

Như vậy, những gì nghiêm trọng xảy ra trong đời này đều có cái nhân của quá khứ. Quá khứ, có thể là những đời trước, có thể là ngay trong đời này, chỉ là xảy ra trước những cái quả và là nhân cho những quả đó. Trong đời sống này, không có gì tự nhiên xảy ra, mọi thứ đều có nhân duyên. Nếu chúng ta phải chịu một cái quả nào đó thì phải biết, nhân của nó mình đã gieo từ quá khứ.

Nói vậy, không có nghĩa là tôi ủng hộ những đứa con bất hiếu, mà chỉ là để thấy mối tương quan ràng buộc giữa chủ thể và đối tượng. Nhân quả nếu không được giải quyết đúng đắn thì những uất hận trong hiện đời khó mà giải quyết cho toàn triệt, dù chỉ là sự toàn triệt trong tương đối. Không giải quyết được rõ ràng thì quả của kiếp này chính là nhân để quả của những kiếp sau nối tiếp, vô hạn định, cho đến khi chúng ta biết về nhân quả và tự nguyện chấp nhận cái quả, không để nhân quả nối tiếp xoay vần.

Nước mắt chảy xuống…

Tôi có ba đứa con. Không có gì để phàn nàn về chúng, dù có những lúc tôi phải vật lộn với những cái quả mà do vô minh chúng đã gây tạo. Không lớn, nhưng có lẽ cũng đủ để cho những bậc cha mẹ khác phiền não.

Tôi thấy một ai đó rất phiền lòng khi thấy con trai mình hôm nay đã không nghe lời mình như mọi khi mà có vẻ bênh vợ, dù đang trong cái duyên tu Phật. Tôi thấy thiên hạ có vẻ không vui, khi thấy con trai mình đối xử hơi tốt với người khác hơn mình v.v...

Việc con trai thương vợ hơn mẹ, với tôi là chuyện bình thường. Khi đã thấy bình thường thì nó trở thành việc tự nhiên, không có gì để thắc mắc hay phiền lòng khi thấy con thương vợ hơn mình. Thấy bình thường, vì tôi là phụ nữ. Khi làm mẹ tôi đã và đang làm vợ. Không có người phụ nữ nào muốn người đàn ông mình yêu thương, yêu thương một người phụ nữ khác hơn mình, dù đó là mẹ anh ta. Trong thế giới tương đối mà nói “không có …” thì hơi quá, nhưng đa phần là vậy. Tôi đã như thế thành tôi không thể suy nghĩ khác đi với con trai mình. Mọi thứ trở thành bình thường. Thành khi con trai tuyên bố: “Mẹ chuẩn bị tư tưởng đi nha. Con lấy vợ về đương nhiên sẽ thương vợ hơn rồi”, tôi đã bật cười thích thú. Cùng một sự việc, nếu quan niệm khác nhau sẽ dẫn đến những cái quả vui buồn khác nhau trong đời sống của mình. Đau khổ và hạnh phúc theo đó mà xuất hiện. 

Đứng ở mặt nhân quả mà nói. Mọi thứ xuất hiện trên đời đều có nhân duyên. Việc thương yêu cũng vậy. Không phải tự nhiên mà người này thương người kia hay thương người kia hơn người khác. Cũng không phải tự nhiên người này ghét người kia hay ghét người kia hơn người khác. Thương hay ghét là kết quả của một quá trình chúng ta đã gầy tạo với nhau. Khi bạn hết lòng với người nào, bạn sẽ nhận được cái quả tương ưng với nhân đó. Với cái nhân nghịch lại cũng như vậy.

Tôi và em gái cùng ngồi đó, con trai mua về hai cây kem, nó một cây và mời dì nó một cây. Coi như tôi không có mặt ở đó. Có lẽ, việc đó không chỉ hình thành trong tư tưởng nó khi mua kem mà từ khi nó bắt đầu hiểu biết. Đa phần đều lắc đầu cho hành động thiếu tế nhị đó. Nhưng nếu hiểu thì không có gì để trách nó. Mọi thứ đều có nguyên nhân. Ngay từ khi nó còn bé, tôi đã không có thời gian chăm sóc nó. Người chăm sóc và thương yêu nó chính là dì. Hiểu như thế thì mọi thứ sẽ thấy bình thường.

Chúng ta dễ dàng biện minh: “Vì công việc và hoàn cảnh mới như thế, nếu không đi làm, lấy tiền đâu ra mà ăn mà lớn. Có những điều nó cần phải biết mà tế nhị trong hành động của mình chớ…”. Hiểu nhân quả thì sẽ thấy ngay hoàn cảnh đó cũng từ trong mình mà ra, không trong kiếp này thì từ những kiếp trước. Nhân này nối tiếp quả kia kéo dài cho tới bây giờ. Nó là một loại mắt xích qua lại và nối tiếp nhau như vòng tròn bánh xe. Nếu không đủ trí tuệ chúng ta không thể ý thức hết được. Một khi đã thấy hoàn cảnh bất lợi của mình cũng do cái nhân mình từng gây tạo trong quá khứ, mình sẽ không có tâm trách người.

Trong đời này, có những đứa trẻ không cần đến sự dạy dỗ mà thiện tâm vẫn đầy đủ, cách xử sự cũng khá tế nhị. Là vì nhân cách của chúng đã được huân tập từ những kiếp trước hoặc hình thành từ những va chạm trong cuộc sống. Còn lại, đa phần đều cần đến sự giáo dục của cha mẹ trong hiện đời. Có những tập nghiệp mà việc giáo dục hiện được khó có thể sửa đổi liền, vì nó được huân tập (tập quen) quá lâu trong tiền kiếp, còn lại việc giáo dục con trẻ trong hiện đời luôn cần thiết. Nó quyết định nhân cách của con trẻ rất nhiều.

Tôi đã để con phát triển nhân cách của nó một cách tự nhiên mà không có sự giáo dục nào. May là phước báu quá khứ của nó tốt, đời sống trong đại gia đình của tôi cũng có một mức đạo đức tối thiểu, nên không có việc gì nghiêm trọng xảy ra khiến tư cách của con bị bóp méo. Nhưng, mọi hành động thiếu tế nhị của nó trong hiện đời, tôi thấy mình có lỗi trong đó. Tôi đã không dành thời gian để thương yêu và chăm sóc con. Tôi không dạy nó cách sống thế nào là tế nhị, là cần thiết mang lại hạnh phúc cho nó trong hiện đời cũng như tương lai. Khi việc gì xảy ra, nếu bạn thấy mình có lỗi trong đó, bạn sẽ không còn tâm trách người nữa. Vấn đề trở thành nghiêm trọng là ít ai thấy được lỗi mình.

Quan hệ cha mẹ con cái hình thành trong đời này, không phải chỉ bắt nguồn từ những thuận duyên mà có cả những nghịch duyên trong đó. Là nghịch duyên thì dây nhân duyên ấy chỉ là điều kiện để sự trả vay được hoàn tất. Đó là lý do vì sao cũng là con mà đứa thì rất thương, đứa lại rất ghét, đứa thì ngoan hiền, đứa lại khó dạy… Hẳn đều có cái nhân từ quá khứ. Từng thương yêu bảo vệ nó thì kiếp này nó ngoan hiền dễ dạy và thương yêu lại mình. Từng ghét bỏ, chà đạp, khó khăn với nó thì kiếp này nó trở nên khó ưa v.v… Không ai biết về cái nhân mà mình đã gây tạo, nên cứ thuận theo dòng nhân duyên đó mà sống. Thương thì thêm thương. Ghét càng thêm ghét. Nhân quả cứ thế nối dài. Ít ai đủ trí tuệ nhìn thấu cái nhân mình đã gây tạo trong quá khứ và đủ định tĩnh để làm chủ sự thương ghét của mình đối với lực cuốn của dòng nhân duyên mạnh như thác đổ. Theo đó mà đi nhưng lại ngỡ mình làm chủ mọi thương ghét của mình. Thương là tôi thương. Ghét là tôi ghét. Thật ra, không có cái tôi nào hiện diện ở đó. Chúng chỉ là những dòng nhân duyên mà đủ duyên thì hiện, hết duyên liền tan. Chỉ vì ta nhận chúng là mình nên mới bị cuốn phăng theo đó. Schopenhauer, một triết gia thế kỷ XIX đã nói một câu khá thú vị về cái tưởng này của con người: “Bề ngoài, con người tuồng như có cái gì ở trước lôi họ đi tới, song kỳ thực họ bị thúc tới từ đằng sau”. Cái thúc tới đó chính là nghiệp của mỗi người. Nó được ràng buộc trong những mối nhân duyên mà chúng ta từng gây tạo với nhau.

Trong ba đứa con, chỉ có con gái đầu khi sinh là tôi phải đau đớn nhiều. Đau đến nỗi giác ngộ luôn cuộc đời này là bể khổ, sinh là khổ, tử là khổ. Quá trình mang thai nó cũng không mấy được hạnh phúc vì hoàn cảnh bên ngoài lúc đó không được thuận chiều. Những năm 80, mọi thứ đều khó khăn, lại còn thêm những oan gia từ kiếp trước tới đòi nợ. Hiện tướng là đời này không tạo mà phải chịu. Chồng thì học tập cải tạo mười mấy tháng vì tội vượt biên. Nói chung, mọi thứ báo hiệu đứa bé sinh ra không được hạnh phúc cho mấy mà bản thân mình cũng khổ sở rất nhiều. Song ngoài những tật bệnh lúc còn nhỏ, từ đó đến giờ cuộc sống của nó không bất hạnh như khi tôi mang thai nó. Con bé hòa nhã và tốt bụng. Tốt cả với những người không tốt với nó. Đi đâu cũng mua cho mẹ cái này hay cái kia. Thấy mẹ thích cái gì liền mua cái đó. Tuy vậy, không bao giờ gần gũi hay nói gì với mẹ. Trên mặt tư tưởng, nói gì ra nó cũng chống đối. Rất ít chịu nghe lời. Đôi lúc còn có thái độ xấc xược bất mãn dù tôi không hề đụng đến nó. Chỉ âm thầm làm những gì có thể làm vì nghĩ việc đó cần thiết cho con. Không ít người đã than thân trách phận khi gặp phải hoàn cảnh như thế. Cũng có người nhìn lại quá khứ đau đớn mà trách con. Tôi cũng vài lần không làm chủ được mình và đã mắng nó. Nhưng nhờ Phật pháp, mọi thứ trở nên bình thường.

Chỉ là do nhận ra cái nhân mình đã gây tạo trong quá khứ. Tôi đã không có thời gian cho con. Đã không gần gũi và chăm sóc nó để hiểu nó muốn gì và làm gì. Thứ gì cũng thành thói quen, không gần gũi mấy chục năm thì sau đó muốn gần gũi cũng không phải dễ. Dù nó có muốn gần gũi mình, cũng không thể gần gũi được liền. Thành không thể trách con sao không gần gũi mình. Bởi mình đã không gần gũi nó khi nó còn nhỏ. Chưa kể, tôi còn tìm thấy hình ảnh của mình qua bóng dáng của con ở một góc độ nào đó. Nó hòa nhã với mọi người nhưng tới tôi thì không. Bởi tôi không hề hòa nhã với ba nó. Ba nó là chỗ duy nhất tôi thấy không cần phải giữ mồm giữ miệng khi nói chuyện, cũng là chỗ để tôi đổ rác khi có rác cần đổ. Tôi vô tư và thoải mái làm mọi thứ, không hề sợ hậu quả, vì tôi biết mọi chuyện với ông là bình thường.

Không phải nó thấy mình không hòa nhã với ba nó mà nó làm như thế với mình. Nó không có chủ ý đó. Chỉ vì nó chỉ là con cờ trong dòng thác nhân duyên của mình, nên đụng tới mình, nhân đó của nó hiện hành, để mình phải trả cái nhân mình đã tạo. Chính do nhân đó mà khi đủ duyên nó trở thành nạn nhân của mình. Vì vậy, người học đạo, chỉ cần hoàn chỉnh tâm mình thì cũng đã lợi ích cho tha nhân ít nhiều. Nếu mình thanh tịnh được tâm thì khi tiếp duyên, duyên bên ngoài cũng thanh tịnh theo. Chuyển tâm được thì chuyển cảnh không khó. Vì “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”2.

Ngưỡng Sơn, một lần hỏi Thiền sư Hồng Ân ở Trung Ấp:

- Làm sao thấy được Phật tánh?

Sư đáp:

- Ta vì ông nói một ví dụ. Như một nhà có sáu cửa. Trong có một con khỉ. Ngoài có một con khỉ kêu chóe chóe. Con khỉ bên trong liền kêu chóe chóe đáp lại. Sáu cửa đều như thế.

Ngưỡng Sơn lễ tạ thưa:

- Nhờ Hòa thượng ví dụ con đã rõ. Nhưng khi con khỉ bên trong ngủ mà con khỉ bên ngoài muốn gặp thì sao?

Hồng Ân xuống giường thiền, nắm tay Ngưỡng Sơn múa:

- Ta cùng ông thấy nhau.

Mọi vấn đề đều nằm ở chính con khỉ trong mỗi người. Việc của mỗi người là làm sao để con khỉ của mình ngủ yên. Con khỉ của mình yên thì tất cả đều yên.    

Đại Bồ-tát cũng nương đây mà hành hạnh đồng sự trong Tứ nhiếp pháp. Do đã thanh tịnh được các chủng nhân, nên chư vị không theo nghiệp lực mà theo nguyện lực ra đời để hành hạnh đồng sự. Không phải do nghiệp lực, nên chư vị bình thản được với mọi hoàn cảnh và đủ lực xoay chuyển mọi tình thế.  

Hiểu nhân duyên rồi thì tôi cũng bình thản được với việc đổ rác của con, như bình thản với việc đổ rác lên chồng. Thấy bình thường rồi thì cũng chẳng có gì cần sửa đổi. Nhưng tôi đã sửa cái tật ấy của mình, để khi đối duyên với mình, con không phải bị cái duyên ấy chi phối nữa. Bởi khi tâm không còn phân biệt thì cái quả nghịch thuận không có gì đáng sợ. Nhưng khi tâm phân biệt vẫn còn thì thiên đường khác xa địa ngục. Dù nhân là ở mình, nhưng con tạo duyên thì ít nhiều gì nó cũng bị cái quả không tốt cho nó. Chưa kể, tiếp duyên với mình nhiều, việc đổ rác huân tập nhiều vào tạng thức của nó, trở thành thói quen thì tội cho nó vô cùng. Nó cũng sẽ bị những cái quả tương tự. Liệu nó có đủ định lực và trí tuệ để làm chủ những gì xảy ra với nó như mình không? Thành thương con thì phải tự sửa mình. Thương, cũng phải biết thương đúng cách thì con mới hạnh phúc được.

Tôi cứ lượng theo mức độ sửa đổi những tật xấu của mình với chồng, mà lượng định mức độ những gì mình nhận lại ở con. Rất chính xác. Cho nên, ở một mặt nào đó, tôi đã nhìn chúng như những vị Bồ-tát giúp tôi sửa đi những tật xấu của mình. Đúng là “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Đúng là không có gì trên đời này có tánh cố định. Bồ-tát là Bồ-tát của chúng sinh và chúng sinh là Bồ-tát của Bồ-tát. Không có tánh Bồ-tát cũng không có tánh chúng sinh, chỉ tùy duyên mà có chúng sinh hay Bồ-tát.   

Phật pháp, tôi nói với các bạn là hãy học Phật pháp đúng cách, quan trọng là phải ứng dụng nó vào đời sống hiện tại của mình thì mình mới thấy được lợi ích to lớn của nó.

Nghịch duyên khó hợp

Chữ nghịch duyên này, các nhà bói toán gọi là “khắc”. Khắc khẩu thì mở miệng ra là cự nhau, không khéo nữa thì uýnh lộn nhau, không khéo nữa thì xa nhau. Chữ “khắc” này, tướng biểu hiện của nó là “không hòa hợp”. Ghét, là một dạng của “khắc”. Xa thì nhớ mà gần lại không chịu nổi, cũng là dạng của “khắc”.

Cái “khắc” này, nhân của nó là do chúng ta đã tạo ra những mối quan hệ không thuận với nhau từ quá khứ. Hiện tại, hiện rõ nhất là ở phần ý. Tư tưởng chúng ta không đồng nhau, nên chúng ta không hòa hợp được với nhau, dù rất muốn hòa hợp. Bởi mỗi tư tưởng hiện hành đều đi kèm với một khí hiện hành3. Chính cái khí đó tạo ra sự khó chịu cho nhau. Người xưa có câu “Đồng thanh tương ưng, đồng khí tương cầu”. Không đồng khí nên không tìm nhau. Tìm nhau rồi cũng không ở được với nhau. Không tìm nhau thì chữ “khắc” này đâu có hiện diện. Cái khổ của chúng sinh là không đồng khí mà vì món nợ truyền kiếp gieo với nhau, thành tìm nhau mà trả khổ cho nhau, “khắc” mới hiện tiền.  

Tôi bắt gặp chữ khắc này trong quan hệ vợ chồng, anh chị em, con cái v.v… của mình khá nhiều. Chỗ nào tôi cũng thấy nó xuất hiện, ít tìm thấy sự hòa đồng và cảm thông. Có chuyện gì xảy ra, chưa biết đúng hay sai, mình là nạn nhân đầu tiên của thiên hạ. Ngược lại, thiên hạ cũng trở thành nạn nhân của mình không ít.

Thằng con thứ ba của tôi, mở miệng ra là thế nào tôi cũng nạt nó, dù có khi nó có những ý tưởng rất tốt. Không có lý do gì rõ ràng cho vấn đề đó, chỉ là vì khi đối diện với nó, trong lòng không như đối diện với những đứa khác. Đó là lý do nó nói cái gì, mình cũng hét được. Có thể bị nhân duyên từ đời trước chi phối. Có thể do chính nhân duyên đời này chi phối. Cái quá khứ nghịch ngợm của nó và những cơn bực bội ngày trước của mình có lẽ đã được huân sâu vào tạng thức của mình, nên hiện tại dù không thấy gì, nhưng đủ duyên thì cái chủng ấy liền phát tán và làm chủ mọi hành vi của mình mà mình không biết.

Biết được thì dừng được. Nhưng đa phần ít ai ý thức được điều đó. Cứ thấy bực là liền động môi lưỡi. Động môi lưỡi rồi mà không tỉnh giác nữa thì những cái động ấy lại tiếp tục huân sâu vào tạng thức. Lực của nó ngày một mạnh hơn. Bất giác càng dễ. Con cái đúng cớ mà la, nó còn khởi tâm bực bội, huống là vô cớ mà la. Một quan hệ nhân duyên như thế mang lại cái quả không hay cho hiện tại và mai sau. “Khắc” sẽ được tiếp diễn nặng hơn một khi mình không có cái nhìn đúng đắn và đủ định lực dừng đi những sinh khởi trong lòng.

Hiện tại, nhiều việc đáng tiếc xảy ra ngày càng nghiêm trọng vì chúng ta không nhận ra được sự huân tập của tâm, bỏ quên mặt nhân quả. Bản thân đã không biết đến nhân quả thì việc giáo dục con cái hiểu về nhân quả cũng không được nhắc đến. Khổ từ đó mà ra.

Tu là chuyển nghiệp      

Dù hiện tại có nhiều việc xảy ra thấy có vẻ khách quan với mình, nhưng một khi đã nhận ra mọi việc đều có lỗi của mình trong đó, thì việc sửa mình chuyển cảnh là tất nhiên. Những gì phù hợp với giới luật và kinh luận đã nói, chính là những gì chúng ta cần làm, để tương lai có một hoàn cảnh tốt đẹp cho mình và người. Ta gọi đó là tu. Tu được thì chuyển nghiệp được. Một khi nghiệp đã chuyển thì bất lợi sẽ chuyển thành thuận lợi.

Một người bạn đã nói với tôi, khi mới tới môi trường mới này, cậu gặp rất nhiều bất lợi. Người không quyền lực thì không ưa, người có quyền lực thì đì cậu. Nhưng rồi lần lần cậu thấy cậu chuyển được hết. Người ta không còn ghét hay đối xử với cậu như hồi mới tới. Một thời gian sau, cậu lại khám phá ra rằng cậu không chuyển được ai hết, vì người ta vẫn còn những tật đó. Thật ra, không ai có thể chuyển được đối phương, vì đối phương không phải là chính mình. Việc có thể làm, là tự mình chuyển mình. Một khi mình thay đổi những nghiệp nhân trong mình thì đối phương khi gặp mình, họ không thể phát tán những chủng nhân xấu trong họ, và mình thấy họ thay đổi. Họ thay đổi vì mối nghịch duyên giữa mình và họ đã được mình chuyển thuận. Thành tuy nói không chuyển được đối phương mà thật là có chuyển được đối phương. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã thay đổi được bản thân.

Vì thế, với người khác khi đủ duyên, những chủng nhân xấu của họ vẫn hiện hành. Họ chỉ thật sự thay đổi khi bản thân họ ý thức được việc đó là xấu và tự ý sửa đổi. Cho nên, Phật có toàn trí, toàn bi, năng lực hơn cả mọi loài, nhưng Ngài chỉ là người dẫn đường. Ai hành theo giáo pháp của Ngài thì hành, không thì thôi, không thể ép buộc. Bồ-tát, nương vào Tứ nhiếp pháp và những mối quan hệ nhân duyên trong đời để lợi ích chúng sinh. Hy vọng với những nhân duyên đó, chúng sinh ý thức được việc mình đang làm mà chuyển tâm, để cuộc sống giữa mình và người được tốt hơn. Hiểu nhân hiểu duyên để hành Bồ-tát đạo là thế.

Là cha mẹ, chẳng may hiện đời không được con cái hiếu thảo, thì cần hiểu quả ấy là do cái nhân mình đã gây tạo trong quá khứ không được tốt. Cần phải chỉnh sửa cái nhân ấy thì mới có thể thay đổi được cái quả bên ngoài. Có những cái nhân, không chỉ sửa những hành động bình thường mà phải nhờ đến Tam bảo mới giải quyết được. Chị bạn tôi, chồng thuộc loại hiền lành vui tính, chỉ có một cái tật chịu không nổi, là mang cô người làm nào về, nói ra câu gì, ông chồng cũng theo người làm mà chống đối chị. Việc đó rất khó chịu, nhưng không nuôi người thì không ai làm nổi việc nhà, nên đành phải chấp nhận sống với cái tật đó của chồng. Buồn, chị nghĩ đến việc chay trường và tụng kinh sám hối hàng đêm. Không ngờ tụng được vài tháng, ông chồng bỏ hẳn cái tật ấy. Niềm tin vào Phật bảo và Pháp bảo tăng thượng. Do dụng pháp được tương ưng, nên chị chuyển được quả xấu trong hiện đời không mấy khó khăn. Việc con cái cũng vậy, nếu biết dụng pháp đúng duyên thì thứ gì cũng chuyển hóa xong. Quan trọng là việc sửa đổi đó phù hợp với Chánh pháp, không chỉ là những hành động giả dối bên ngoài.       

Hư không không có chướng ngại…  

Thực tế khó khăn trong hiện đời, là sống với nhau mà tư tưởng không đồng nhau. Tuy là vợ chồng, cha mẹ, con cái hay anh chị em trong nhà, nhưng người thì tu Nhân điện, người theo đạo Phật, người theo Công giáo v.v… Nghịch duyên trở thành nặng khi mỗi người thấy đạo của mình trên hết và cho cách sống của mình mới là đúng đắn.

Tôi cũng thấy đạo mình theo là trên hết, cũng thấy cách sống của mình mới là đúng đắn. Nhưng… đạo Phật mà tôi chiêm nghiệm được, không phải chỉ nằm ở mặt lễ lạy, vái cầu, phước báu hay giữ giới cùng nhẫn nhục. Nó nói đến cái tâm Maha rộng lớn mà mỗi người đều sẵn đủ, chỉ do chạy theo những tham muốn trước mắt mà đành bỏ qua, nên không dụng được năng lực của nó. Nếu chúng ta sống được với tâm ấy thì mình cũng như hư không, có thể chứa tất cả vật mà không chút chướng ngại. Chướng ngại vì mình không ý thức được năng lực vô biên của tâm ấy mà cứ lấy những định kiến hạn cuộc thâu lượm được trong bao đời, cho đó là chính mình. Chính cái tướng ấy, kinh luận gọi là sở tri, khiến sự chướng ngại xuất hiện.

Đạo mình là trên hết, nhưng đạo mình là cái tâm như hư không, không chướng không ngại, nên tôi tự dàn xếp để cái “không” đó được ổn định trong đời sống, ít nhất là với gia đình mình. Thành tôi không mang đạo ra giảng dạy trong gia đình, cũng không nói ở bất cứ đâu khi người ta không yêu cầu. Tôi không có ý mang đạo ra nhằm thuyết phục người khác phải theo. Tôi không bắt ai làm theo mình dù đó là con mình. Bởi nếu con đường mình đang đi là đúng đắn thì những gì mình đang có từ cách sống đó, tự nó có sức thuyết phục, không cần phải dùng đến lời nói. Ngôn từ, là thứ mà tôi thấy dở nhất khi phải dùng đến nó trong bất cứ việc gì. Bất đắc dĩ lắm mới phải dùng đến lời nói. Việc thuyết phục đầu tiên cần làm nhất, là đừng khiến cho những thành viên trong gia đình mình phải căng thẳng và khổ sở vì đạo giáo mà mình đang theo. Nhưng thường thì ai cũng làm trái ngược khi mới đến với đạo. Vì thế có khi chính đạo là thứ khiến gia đình xào xáo hơn lên.

Tư tưởng nào khiến mình và người trở thành khắc nhau, nếu “không” được nó, tôi thấy mọi sự thành dễ chịu. Đương nhiên phải “không” từ trong ra ngoài. Nếu ngoài “không” mà trong không “không” thì một lúc nào đó cũng bộc phát. Dồn lâu mà bộc phát thì đâu cũng vào đó. Thành vấn đề là có “không” được bên trong không? Không “không” được thì chỉ nghe một câu gì đó trái với ý của mình, tâm liền dậy sóng. Chính cái đống mịt mờ đó cuốn phăng mình đi và mọi thứ trở thành chướng ngại. Nếu có thể làm chủ được những sinh khởi trong lòng, vì một sự hiểu biết hơn là dồn nén, thì không có gì chướng ngại với mình trên đời này. Chỗ này đòi hỏi mình phải có định tuệ. Tuệ, giúp mình có sự thương yêu và thông cảm, cũng không để tâm phân biệt làm hạn cuộc mọi thứ. Định, giúp mình dừng được những gì cần dừng.        

Cha mẹ là Phật trong nhà

Thực tế thì không phải ai đến với đạo Phật mới có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tôi nhìn thấy nhiều gia đình rất giàu có và hạnh phúc, dù đạo họ theo là đạo ông bà, không thích đi chùa cũng như niệm Phật. Điểm chung tôi tìm thấy ở các gia đình đó là sự hiếu hạnh từ trên xuống dưới.

Mình là kẻ học Phật, không phải là khoa học gia hay triết gia mà quy nạp các hiện tượng để thành tựu một chân lý. Kẻ học Phật không làm điều đó. Bởi hiện tượng tuy là biểu hiện của chân lý, nhưng chân lý được nói đến trong Phật pháp là tánh không. Tánh của pháp là không, chỉ tùy duyên mà hiện tướng. Vì thế tướng ấy có khi có hai hình tướng đối nhau mà vẫn biểu hiện cho cùng một nội dung. Chưa kể nhân quả không chỉ có tác dụng trong hiện đời mà còn bị chi phối bởi nhiều đời trước và gặt quả ở các đời sau. Nên việc quy nạp các hiện tượng để thành tựu một chân lý không có gì bảo đảm chính xác, nhất là ở mặt tinh thần.       

Tôi nhận ra điểm chung đó, vì nó ứng với những gì Đức Phật đã nói trong kinh luận. Nó được hình thành từ lý Nhân quả mà Đức Phật đã chiêm nghiệm được. Kinh nói: “Cung dưỡng cha mẹ, phước đức ngang bằng Phật”, “Cha mẹ là hai vị Phật trong nhà”. Vì thế, việc cung dưỡng cha mẹ đưa đến phước báu là lẽ tất nhiên. Không cần phải đến chùa hay cúng dường Tăng bảo mới được phước báu đó. Có điều, nếu không có duyên với Tam bảo, chúng ta không ý thức được việc mình làm một cách rõ ràng, chỉ là theo thói quen. Nếu thói quen được huân tập mạnh thì đời đời hiếu hạnh. Nếu hiếu hạnh huân chưa sâu, gặp nghịch duyên mình dễ đánh mất cái chủng tốt đẹp ấy. Lại nữa, muốn hiếu hạnh được vuông tròn, con cái còn phải biết cách hiếu hạnh. Không biết cách hiếu hạnh thì cha mẹ và mình dễ gặp những bất hạnh. Đó là lý do chúng ta cần có Tam bảo.

Vì những gì xảy ra trong hiện tại bị chi phối bởi nhân duyên thời quá khứ, nên không phải con cái nào cũng được cha mẹ thương yêu và thương yêu đúng cách. Không được thương yêu đưa đến bất mãn là lẽ tự nhiên. Nhưng thương yêu không đúng cách cũng có thể khiến bất hạnh xảy ra. Đó là lý do mình thấy có những thương yêu được đáp trả cân xứng, cũng có những thương yêu không được đáp trả cân xứng. Bên cạnh đó, vẫn có những người con thực hành hiếu hạnh đầy đủ, dù cha mẹ không tốt với mình. Là do trả cái vay từ kiếp trước, hoặc là người đã sống được với chất đạo của mình. Kinh Báo ân nói: “Nam nữ như thế là hạng trời người tôn quý. Bằng không, cũng là Bồ-tát vì độ chúng sanh, hiện làm nam nữ khiến mẹ cha được nhiều lợi ích”.

Hiện thực chúng ta thấy hiện nay là, do hoàn cảnh bên ngoài đưa tới, do nếp sống, do tính vị ngã, do quan niệm… mà đa phần lớp trẻ hiện nay không được quan tâm đúng mức như những gì kinh luận đã nói. Cha thiếu từ tâm, suốt ngày nhậu nhẹt, chửi bới, đánh con. Mẹ thiếu bi tâm, sinh con ra, chúng sống chết thế nào mặc chúng. Trong những duyên như thế, đòi hỏi con cái một sự hiếu hạnh phải nói là khó. Trong thời buổi mà mọi thứ đều được đưa lên bàn cân đong đếm khá sòng phẳng như hiện nay lại còn khó nữa. Khó mà nói với chúng hai chữ hiếu hạnh như kinh đã dạy. Dù biết mọi bất hạnh trong đời đều có ít nhiều cái nhân từ chúng, nhưng nói với chúng “nhân là từ con”, một trăm nhóc không biết được một nhóc nghe lời chưa. Nhân quá khứ chưa giải quyết xong thì nhất định nhân hiện tại càng thêm rối bời…

Lục tổ sau khi ngộ được pháp ở Hoằng Nhẫn thì về Tào Khê hoằng pháp. Có một hiệp khách tên là Hành Xương muốn ám sát ngài. Ban đêm vào thất Tổ, Tổ đưa đầu cho chém, Hành Xương huơ kiếm ba lần nhưng không ăn thua. Tổ chỉ vàng để dưới tòa và nói: “Kiếm chánh chẳng tà. Kiếm tà chẳng chánh. Chỉ nợ vàng của ông. Không nợ mạng của ông”. Hành Xương hốt hoảng, cầu xin sám hối và muốn xuất gia, nhưng Tổ nói: “Lấy vàng đi đi, sau hãy quay lại…”. Chỉ nợ tiền nhưng tính đến lấy mạng. Nếu Lục tổ từng vướng vào nghiệp sát, hiện đời lại không phải là kẻ đạt đạo thì nợ tiền thành nợ mạng. Oan oan tương báo chưa biết bao giờ mới thôi. Nhân duyên giữa cha mẹ và con cái có khi cũng như vậy. Vay trả trả vay đúng mức còn luân hồi không dứt, huống là gặp thêm những cái quả quá tay, nghịch duyên ngày thêm chồng chất. Cái đáng tội là ở đó! Chỉ vì chúng ta không biết đạo, không thấu được lý Nhân quả đang chi phối thế giới này, cũng không tin nổi cái gọi là “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, nên mọi việc cứ thế mà luẩn quẩn mãi trong luân hồi khổ đau.     

Phước báu to lớn nhất của chúng ta là hoặc cha mẹ biết đạo, hoặc con cái biết đạo, hoặc cả hai cùng biết đạo. Có vậy mới có thể chấm dứt được vòng nghịch duyên truyền kiếp kia.

Cách báo ân cha mẹ thù thắng nhất   

Trong kinh Đại thừa bản sanh tâm địa quán, phẩm Báo ân4, Phật có nói đến việc báo ân cha mẹ. Việc báo ân là cần thiết vì cha có từ ân, mẹ có bi ân. Cha nuôi nấng dạy dỗ thương yêu khiến con trẻ được vui vẻ. Mẹ khi sinh phải chịu nhiều đau đớn, một lòng lo lắng nghĩ tưởng đến con, lấy máu mình làm sữa nuôi con, thức khuya dậy sớm, cực khổ muôn phần. Chính vì sự hết lòng đó mà việc con cái hiếu hạnh trở thành cần thiết. Cũng vì sự hết lòng đó mà con cái bất hiếu phải gặt cái quả không hay. Kinh nói:“Một khi cha mẹ phát lời ác thì con liền theo đó mà đọa, có khi rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Sự mau chóng ở thế gian không gì bằng gió mạnh, biểu hiện của ai oán cũng nhanh như thế. Tất cả Như Lai cho đến tiên nhân có đủ ngũ thông đều không thể cứu”5. Vì thế, hiếu hạnh với cha mẹ là việc tối cần thiết mà bất cứ người nào cũng nên có.

Trong cái duyên là cha có từ ân, mẹ có bi ân, Phật dạy con trẻ phải hiếu hạnh. Vì hiếu hạnh mang đến phước báu to lớn, bất hiếu mang đến cái quả bất hạnh. Ngoài cái duyên đó ra, có lẽ chúng ta vẫn nên hiếu hạnh. Không chỉ vì việc ấy mang đến phước báu cho bản thân, nó còn giúp chúng ta xóa đi mối nghịch duyên mà hai bên đã lỡ gieo tạo với nhau trong tiền kiếp.

Nói đến hiếu hạnh thì có nhiều cách để chúng ta hiếu hạnh. Không phải chỉ có trực tiếp cung dưỡng cha mẹ mới là hiếu hạnh. Có những duyên nghịch đến nỗi dù có hồi tâm cung dưỡng, nghịch duyên vẫn xảy ra. Có những duyên cứ đối duyên là tâm uất hận lại sinh khởi v.v… Vì thế, cần có tâm sáng tạo trong việc hiếu hạnh. Có thể dùng phước báu có được từ các thiện nghiệp như tu hành, làm phước, cúng dường Tam bảo… hồi hướng trực tiếp cho cha mẹ. Trước là tự an tâm mình sau là xóa đi một mối nhân duyên không tốt.

Trong phẩm Báo ân, Phật có chỉ ra ba cách báo ân. Cách báo ân thù thắng nhất là “Phát khởi tâm Bồ-đề vô thượng, trụ vô sở đắc, khuyên các chúng sanh đồng phát tâm này, dùng một bài kệ bốn câu nói pháp chân thật thí cho một chúng sanh, khiến họ hướng về Chánh giác vô thượng, gọi là Chân thật Ba-la-mật”. Vì sao là thù thắng nhất? Vì khi một chúng hữu tình phát tâm Bồ-đề và chứng được tâm ấy, lúc đó việc độ sinh không có cùng tận, hạt giống Tam bảo được tiếp thừa không để đoạn dứt6. Trụ vô sở đắc, là trả tâm về chỗ vô trụ. Việc làm này không phải một sớm một chiều mà được thành tựu. Tuy vậy, trong quá trình tu hành, ta đã có công đức để hồi hướng cho cha mẹ. Phát tâm Bồ-đề mang lại công đức rất lớn. Đại sư Hiền Thủ, Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm nói: “Có thể một niệm phát tâm Bồ-đề, đó là pháp cúng dường tối thượng”. Dùng pháp cúng dường ấy hồi hướng cho mình và người giải mối oan khiên, cũng hồi hướng để mình và người cùng thành tựu Bồ-đề vô thượng.

 Chân Hiền Tâm

_____________________

(1) Hoa nghiêm thám huyền ký, quyển 2, Đại sư Hiền Thủ, Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm.

(2) Kinh Duy Ma Cật.

(3) Thiền đạo tu tập, Chang Chen Chi, Như Hạnh dịch.

(4) Đại chánh tạng, quyển 3, số 59.

(5) Phẩm Báo ân, kinh Đại thừa bản sanh tâm địa quán.

(6) Phẩm Báo ân, kinh Đại thừa bản sanh tâm địa quán.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày