Không phải đến bây giờ người ta mới nhắc đến việc tượng Phật trong chùa Một Cột phải “đội nón” mỗi khi trời mưa. Mấy năm nay, mỗi khi mưa lớn là chùa lại rơi vào tình trạng ngập úng bởi nền chùa thấp hơn khu vực xung quanh từ 0,5 - 1 m. Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa, cho biết dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chùa đã được tu bổ một phần.
Chậm trùng tu vì... cẩn trọng!
Nhưng sau lần tu bổ đó, chỉ có chùa Một Cột là hết dột, còn nền chùa chưa được nâng, nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu cũng chưa được trùng tu, mái dột rất nhiều chỗ. Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, mỗi khi trời mưa, nước trên mái của nhà thờ Tổ lại chảy xuống các pho tượng, nhà chùa phải lấy áo mưa, nón ra để che lên cho đỡ ướt. Không chỉ nước trên mái chảy xuống khiến nền nhà lênh láng nước mà còn vì chùa ở địa thế trũng nên nước các nơi dồn về càng khiến chùa ngập úng nghiêm trọng.
Những năm qua, nhà chùa đã gửi hàng chục lá đơn đi các nơi, các ban ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và kiểm tra hiện trạng của chùa... Thế nhưng, mọi chuyện dường như chỉ nằm trên giấy. Giải thích về sự chậm trễ này, ông Vũ Kim Khánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Ba Đình, cho biết chùa Một Cột là một công trình đặc biệt, nằm trong khu vực đặc biệt quan trọng nên việc trùng tu cần có sự cẩn trọng.
Tiếp tục họp để tìm giải pháp
Một hội nghị bàn về việc trùng tu chùa Một Cột vừa được UBND quận Ba Đình tổ chức tại Hà Nội ngày 30-9 vừa qua đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý, cơ quan chức năng, đại diện ban quản lý lăng, sư trụ trì chùa Một Cột… Tuy nhiên, hội nghị này cũng chỉ dừng ở việc lấy ý kiến và sẽ tiếp tục có thêm những hội thảo khác để đi đến kết luận cuối cùng.
Vì quần thể chùa Một Cột – Diên Hựu nằm trong tổng thể các di tích quan trọng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh… nên việc tu bổ, tôn tạo chùa phải cẩn trọng và hài hòa với cảnh quan chung.
Theo PGS Phan Khanh, một nhà nghiên cứu di tích, việc cần thiết hiện nay là tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm những tài liệu, hình ảnh về chùa Một Cột trước năm 1954, thời điểm thực dân Pháp cho phá chùa cũ. Theo ông, cần có tầm nhìn xa khi đưa ra phương án trùng tu chùa Một Cột để chùa trở thành một “viên ngọc của thủ đô”, phải làm sao cho chùa giống với ngày xưa nhất.
Thống nhất bảo tồn nguyên trạng Hai phương án trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột đã được Ban Quản lý dự án quận Ba Đình đưa ra. Cả hai đều nhất trí bảo tồn nguyên trạng, chỉ thay thế những gì đã hỏng.
Bên cạnh việc nâng cốt nền cũng như cải tạo hệ thống thoát nước trong khuôn viên nhà chùa, dự kiến chiếc cột “độc nhất vô nhị” của chùa Một Cột vốn được làm bằng bê tông, cốt sắt sẽ được thay thế bằng cột đá.
Tuy nhiên, các phương án này còn phải chờ ý kiến của các chuyên gia và sớm nhất, trong tháng 10 này, một hội thảo lấy ý kiến sẽ diễn ra, trước khi chùa chính thức được trùng tu vào năm 2012 với kinh phí dự kiến 31 tỉ đồng. |