Qua đó nổi bật lên vấn đề giáo dục chư Tăng cần có sự hỗ trợ và quan tâm mức của các cấp Giáo hội cũng như các cơ quan nhà nước liên quan.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: Bảo Thiên
Ưu tiên cho giáo dục
Là vị giáo phẩm đầu tiên đăng đàn đề cập đến nội dung này, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cho biết, những thành tựu về giáo dục và đào tạo Sư sãi của Phật giáo Nam Tông Khmer là rất khả quan. Các cơ sở Pàli ngữ, Vini, Khmer ngữ, bổ túc văn hoá, Anh ngữ, hoạt động đều đặn. Việc thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer với cơ sở tạm thời tại chùa Pôthisomrôm, quận Ô Môn, TP. Cần thơ là một bước tiến đầy ý nghĩa của việc đào tạo chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer.
"Đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hầu như phần đông chùa Khmer đều hình thành cơ sở đào tạo chư Tăng, bình quân mỗi tỉnh có đến hàng chục ngôi chùa. Như thế, đủ biết ngành giáo dục, đào tạo chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer được đào tạo rất vững vàng.", Hòa thượng khẳng định.
Tuy nhiên theo Hòa thượng, thời lượng giảng dạy các môn học tại trường, lớp Phật học Nam tông Khmer nên được xem xét lại để có thể thêm bớt một vài môn cho thành hệ thống, tuy mang những nét đặc biệt nhưng mặt khác nhìn tổng thể vẫn phù hợp với chương trình giảng dạy của các cơ sở giáo dục Phật giáo từ Sơ cấp đến Học viện của ngành giáo dục Tăng Ni hiện nay.
Ngoài ra, việc nghiên cứu và phân phối Tăng sinh, việc tổ chức trường lớp cần hợp lý hơn để tránh trường lớp có sĩ số thiếu ổn định. Ví dụ, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer Khoá I có 69 Tăng sinh theo học, nhưng khoá II chỉ có 29 vị.
HT. Thích Giác Toàn phát biểu - Ảnh: Bảo Thiên
"Đây cũng là điểm yếu của một số trường Trung cấp Phật học hiện nay trong ngành giáo dục Tăng Ni nói chung. Do đó, thiết nghĩ ngay sau hội nghị nầy, chư Tôn đức đảm trách công tác giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer cần nên tổ chức một cuộc hội thảo hay một phiên họp mở rộng để bàn bạc cụ thể hóa và thống nhất chương trình giảng dạy các lớp Sơ cấp, Trung cấp, tạo đầu vào cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.", Hòa thượng đề nghị.
Quan tâm đến chư Tăng vùng sâu, vùng xa
Không chỉ ở thành phố và các trường Phật học mà vấn đề giáo dục đối với chư Tăng vùng sâu vùng xa cũng khó khăn không kém.
Đề cập đến thực trạng này, ĐĐ. Danh Nâng, Phó Thư ký Ban trị sự THPG Kiên Giang nhìn nhận các chùa ở vùng sâu vùng xa, từ cơ sở vật chất đến nhân sự còn rất hạn chế, các vị trụ trì, phó trụ trì không có trình độ năng lực làm cho hạn chế về nhận thức, t khác dễ bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, việc quản lý chùa chiền cũng như hướng dẫn Phật tử tu học đạt hiệu quả chưa được như sự mong muốn.
ĐĐ. Danh Nâng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Bảo Thiên
Song song đó, mọi kinh sách, phong tục tập quán văn hóa, thuần phong mỹ tục v.v… điều được ghi chép bằng chữ Khmer, kinh sách là một đàng chư Tăng tu học thì một nẽo, đại đa số chư Tăng khi đi xuất gia tu học trong chùa chủ yếu là học phổ thông, hết phổ thông thi vào các trường đại học, trung cấp, cao đẳng và các ngành nghề thuộc về thế học là chính, trong suốt quá trình tu học thầy tế độ luôn cưu mang che chở giúp đỡ mọi thứ, khi ra trường có bằng cấp thì học trò xả y hoàn tục đi theo tiếng gọi của thế gian, làm ăn sinh sống giúp ích xã hội như bao người khác với nhiều lý do khác nhau. Cứ thế sư phụ lại tiếp tục thu nhận những vị tu sĩ trẻ chưa hề biết gì về Phật pháp, để dạy bảo tu luyện nên người, rồi lại tiếp tục cứ mãi mãi như thế đến cuối đời.
Đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: Bảo Thiên
Do vậy mà theo Đại đức, ở một số vùng sâu vùng xa, tình trạng thiếu chư Tăng người Khmer hướng dẫn tu tập và điều hành sinh hoạt Phật sự địa phương là có thật. Vì thế, điều cần thiết là phải nâng cao kiến thức cho chư Tăng ở vùng sâu, có kế hoạch đào tạo Tăng tài để kế thừa Phật pháp. Trong đó tập trung vào việc hỗ trợ chư Tăng đang theo học các Trường trong nước cũng như hỗ trợ kinh phí cho Sư sãi được gởi đi đào tạo ở nước ngoài. Ngoài ra, cho phép Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tiến đến việc chiêu sinh gối đầu để qua đó tổng số chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer được đào tạo trình độ Cử nhân Phật học sẽ được tăng lên. Trên cơ sở này cần có chính sách phân bổ nhân sự về các vùng sâu, vùng xa.