Giáo hội sẽ chế tài việc Tăng Ni lạm dụng mạng xã hội

GN - Trong tham luận tại Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020 tổ chức vào tháng 7 vừa qua ở Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, HT.Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội đã cảnh báo thực trạng báo động về việc Tăng Ni có những ứng xử không phù hợp trên không gian mạng.

bao GN.jpg

Lần đầu tiên, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN ban hành quy định việc Tăng Ni tham gia mạng xã hội và đề ra các biện pháp chế tài khi Tăng Ni vi phạm

Nhiều năm trở lại đây, các ứng dụng công nghệ 4.0 bên cạnh việc mang lại những mặt tích cực còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, mà trong đó Tăng Ni không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, đối với người xuất gia trẻ, có tới 80% đang sử dụng 1 đến 3 mạng xã hội (MXH) cùng một lúc, có trường hợp dùng tới 1-3 nickname tham gia cộng đồng mạng. “Sự tham gia MXH của Tăng Ni trẻ là không thể kiểm soát và càng không thể cấm đoán”, HT.Thích Bảo Nghiêm nhận định.

Hòa thượng cũng cho biết đã và đang xuất hiện một bộ phận Tăng Ni trẻ “nghiện MXH” và đánh giá việc sử dụng MXH thiếu kiểm soát không chỉ “nguy hiểm cho bản thân Tăng Ni trẻ” mà còn là “thách thức lớn cho Giáo hội các cấp trong việc quản lý và giáo dục Tăng Ni kế thừa sự nghiệp hoằng dương Chính pháp sau này”.

Cảnh báo đó không phải không có cơ sở khi đây vẫn là vấn đề bỏ ngỏ lâu nay. Đồng thời, tại một số cơ sở thuộc Phật giáo, kể cả các trường Phật học, còn khuyến khích Tăng Ni sinh sử dụng điện thoại thông minh để tham gia các nhóm liên lạc nhằm dễ phổ biến thông báo, điều này vô tình đưa đẩy Tăng Ni trẻ vào không gian mạng.

Nhiều ứng xử đáng tiếc của Tăng Ni tham gia MXH thời gian gần đây đã gây ảnh hưởng nhiều mặt, không chỉ cho cá nhân họ mà còn cho đoàn thể xuất gia, Giáo hội và Phật giáo nói chung. Báo Giác Ngộ cũng đã nhiều lần đề cập đến thực trạng nêu trên, ghi nhận ý kiến và đặt vấn đề với chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, trực tiếp là ngành Tăng sự và thông tin-truyền thông qua các bài phỏng vấn.

Ngày 19-9-2020 vừa qua, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã ký ban hành thông tư về sinh hoạt của Tăng Ni, quyết định có hiệu lực ngay lập tức, quy định cụ thể về ứng xử trên không gian mạng của Tăng Ni thuộc GHPGVN.

Đây là văn bản quy định đầu tiên và cao nhất của Giáo hội, đặt ra biện pháp chế tài cụ thể theo trình tự: Ban Trị sự tỉnh nhắc nhở, khiển trách, yêu cầu sám hối; tiếp tục lần thứ hai nhắc nhở, khiển trách, yêu cầu sám hối; và nếu tiếp tục vi phạm, Ban Trị sự tỉnh báo cáo Hội đồng Trị sự để tẩn xuất khỏi GHPGVN. Nếu là trụ trì tự viện thì Ban Trị sự cấp tỉnh đình chỉ chức vụ trụ trì 6 tháng để sám hối; tiếp tục vi phạm, báo cáo Hội đồng Trị sự để cách chức trụ trì, trao đổi với sơn môn, hệ phái liên hệ bổ nhiệm trụ trì khác thay thế.

Các vi phạm được nêu cụ thể trong 8 điểm: (a) Phê phán pháp môn khác, tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam; (b) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm niềm tin tôn giáo, phân biệt chủng tộc; (c) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, cộng đồng Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài Giáo hội; (d) Thông tin trên không gian mạng có nội dung mang tính bịa đặt, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài Giáo hội; (e) Xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam và tổ chức GHPGVN, làm ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ Phật giáo, uy tín của Giáo hội, gây phương hại đến lợi ích của Giáo hội và Dân tộc; (f) Mọi hành vi tuyên truyền, kích động, xúi giục, lôi kéo, tụ tập đông người xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Giáo hội; (g) Không được đăng tải lên không gian mạng các hành vi vi phạm của trụ trì tự viện, Tăng Ni chưa được các cấp Giáo hội xử lý; (h) Chia sẻ cảm xúc và hình ảnh cá nhân, tương tác và các hành vi khác không phù hợp với Giáo pháp, Giới luật Phật chế, hình ảnh thanh tịnh của tu sĩ Phật giáo Việt Nam.

Với hệ thống đầy đủ 13 ban, viện chuyên môn, hy vọng Thông tư 206/2020/TT-HĐTS của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự sẽ được thực hiện, giám sát chặt chẽ trong thực tế nhằm giải quyết “vấn nạn thách thức lớn đối với Giáo hội các cấp” trong công tác quản lý Tăng Ni của ngành Tăng sự - một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu của Giáo hội, quyết định sự thịnh suy của Phật giáo trong mọi giai đoạn lịch sử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày