“Giao lưu” với người cõi âm

Từ lâu nay, địa chỉ của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (viết tắt là UIA) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tại số 1 Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội đã trở nên khá nổi tiếng. Nhiều người dân không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác tìm đến để giao lưu với hương linh các anh hùng liệt sỹ và gia tiên.

Trước lúc trò chuyện với người cõi âm
Trước lúc trò chuyện với người cõi âm

5h sáng gia đình bà Hoàng Thị Nhân ở quận Cầu Giấy đã thức dậy và kính cẩn thắp hương lên bàn thờ gia tiên, lầm rầm khấn theo lời dặn trước. 6h30, tôi đi cùng gia đình bà đến số 1 Đông Tác, lúc này trước cửa trung tâm đã có hàng chục gia đình đứng đợi.

Trong lúc chờ đợi, bà Nhân tâm sự: Vì niềm tin tâm linh trước đây gia đình bà đã đến nhiều nơi khác nhau để được gặp “vong hồn” tổ tiên. Nhưng hết “gọi hồn” rồi “lên đồng”… đều không đem lại cho gia đình bà niềm tin nội tâm nên khi được người quen mách, bà đến đăng ký ở UIA để có hy vọng trên cơ sở khoa học.

Khi đến đăng ký, gia đình bà được nhân viên trung tâm hướng dẫn chi tiết cách thắp hương thỉnh hương linh tổ tiên, các vấn đề liên quan khi tham gia khảo nghiệm, không được mang theo bùa chú, các đồ liên quan đến mê tín dị đoan…

Trụ sở của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng tại số 1 Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội

Trụ sở của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng

tại số 1 Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội

Các gia đình đến ngày càng đông, khu sân nhỏ trước trung tâm đã chật kín người và xe. Đúng 7h theo lịch hẹn, trung tâm mở cửa, các gia đình được hướng dẫn mọi người xếp hàng trật tự và đi đến từng khu chuyên môn: Khu khảo nghiệm ngoại cảm, khu giao lưu với hương linh. Tôi cùng gia đình bà Nhân lên khu giao lưu với hương linh trên tầng 4. Nhân viên trung tâm hướng dẫn các gia đình thắp hương trên bàn thờ tam bảo và bàn thờ Phật, sau đó ngồi trật tự vào phòng.

Căn phòng khoảng 40m2 chật kín người. Sau khi ổn định, cán bộ trung tâm phổ biến nội quy, yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm túc, tiếp đó hướng dẫn mọi người cách giao lưu với hương linh, cách ngồi thiền, tâm tĩnh, hướng lòng cầu gặp hương linh người thân. Không khí trở nên tĩnh lặng, hương khói quyện lên nhè nhẹ.

Chừng 30 phút, bỗng ở một góc nhà bỗng vang lên tiếng nức nở, thì ra một người phụ nữ bỗng òa khóc. Đó là hương linh bố của chị nhập vào. Mọi người trong gia đình đó bắt đầu được giao lưu, những tiếng hỏi han, tiếng cười, tiếng khóc đan xen. 1, 2, 3 rồi 4, 5… gia đình đã có linh ứng khi bắt đầu giao lưu được với hương linh người thân thông qua việc hương linh “nhập” vào người sống nhưng cũng có một số gia đình chưa thấy “ai” nhập.

Cán bộ khảo nghiệm nhẹ nhàng động viên mọi người kiên trì và hướng dẫn thêm cách “thỉnh”, đồng thời áp tay truyền năng lượng lên đầu một người đang chuẩn bị được “nhập” để hương linh dễ giao lưu hơn.

Chỉ một lát sau, hương linh đã “về” để giao lưu với người thân. Lúc này, những người được “nhập” vào hoàn toàn biến thành người “nhập” về, cười nói, trò chuyện theo đúng giới tính, suy nghĩ của người đó, khoảng cách âm - dương như xóa nhòa, căn phòng trở nên rộn ràng như niềm vui đoàn tụ. Cán bộ khảo nghiệm cầm sổ ghi chép tỷ mỷ từng diễn biến của các gia đình.

Đúng ba tiếng, cuộc khảo nghiệm buổi sáng kết thúc, đa số các gia đình đều đã “gặp” được hương linh người thân nhưng cũng một số gia đình không “gặp” được. Cán bộ khảo nghiệm phân tích rằng có thể do sóng năng lượng chưa đủ hoặc do gia đình chưa tập trung cần thiết. Đối với những người bị “nhập” đều mệt lả, cán bộ khảo nghiệm cho biết đó là do sự tiêu hao năng lượng trong quá trình tiếp nhận sóng âm.

Tại phòng khách của trung tâm, tôi có cuộc trao đổi với một số người vừa tham gia khảo nghiệm. Chị Nguyễn Thị Hoàng Hiệp ở Đại Mỗ, Từ Liêm đang ngồi nghỉ, cho biết, chỉ sau 20 phút tĩnh tâm, thành tâm thỉnh cầu theo hướng dẫn của cán bộ trung tâm, chị bỗng thấy người nhẹ bẫng, đầu óc không còn biết gì nữa, chỉ đến khi tỉnh lại chị mới được người nhà nói biết được ông nội “về” và giao lưu với con cháu.

Ông Trịnh Văn Minh ở đường Đội Cấn chưa hết sự mệt mỏi về thể xác nhưng mắt ánh lên niềm vui. Ông bảo có chú ruột là liệt sỹ chống Mỹ, nhiều năm nay gia đình đã tìm nhiều phương cách nhưng chưa tìm thấy hài cốt. Lúc đăng ký giao lưu hương linh liệt sỹ tại trung tâm, ông bán tín bán nghi nhưng khi được hướng dẫn một cách khoa học ông củng cố thêm niềm tin và khi chính một người đàn ông chưa bao giờ nhát gan như ông được liệt sỹ “nhập” về ông đã thực sự tin.

Theo lời kể lại của người thân ngồi cạnh thì các sự kiện, lời kể của hương linh đều trùng khớp với những sự kiện đã được chứng minh là có thật. Ông Minh phấn khởi bảo gia đình sẽ sớm tổ chức một chuyến đi trở lại Tây Ninh để tìm lại hài cốt theo lời hướng dẫn của người chú liệt sỹ.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hiền vẫn chưa hết xúc động khi vừa được giao lưu với người mẹ ruột bị tai nạn giao thông mất, không kịp trăng trối với con cháu điều gì. Chị bảo cũng bõ công gia đình lặn lội từ Yên Bái xuống và thỏa tâm nguyện bấy lâu.

13h30, tôi quay lại trung tâm khi giờ làm việc buổi chiều vừa bắt đầu nhưng lần này tôi lên tìm hiểu trên khu ngoại cảm. Mọi người đang trật tự xếp hàng đến lượt mình. Nhà ngoại cảm tập trung đo sóng và cảm nhận sóng, nhẹ nhàng nói cho người được khảo nghiệm những cảm nhận ngoại cảm của mình về người đó. Bên cạnh, một số nhà ngoại cảm khác đang ngồi chăm chú ghi chép vào sổ khảo nghiệm và học tập kỹ năng khảo nghiệm…16h30, giờ khảo nghiệm trong ngày kết thúc, ai ra về cũng cảm thấy mãn nguyện.

Ông Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc UIA, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khảo nghiệm khoa học về các khả năng đặc biệt của con người cho biết: đây là chương trình được thực hiện dưới sự hợp tác của UIA, và Trung tâm bảo trợ và nghiên cứu tiềm năng con người (viết tắt là RCTCT), đã được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, có sự tham gia của Viện Khoa học hình sự (C21 - Bộ Công an) nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và khoa học chứ không có mục đích tư lợi.

Tất cả các hoạt động của chương trình tại số 1 Đông Tác không mang tính mê tín, dị đoan. Những người đến để giao lưu với hương linh liệt sỹ và gia tiên là tham gia khảo nghiệm khoa học, được cán bộ UIA hướng dẫn và theo dõi kết quả cụ thể, đựơc phục vụ miễn phí một số dịch vụ. Các khoản đóng góp đều mang tính chất công đức, tự nguyện, có sổ sách theo dõi, được chi vào các hoạt động nghiên cứu phục vụ khảo nghiệm theo quy định.

Ngoài mục đích khảo nghiệm khoa học, trung tâm còn là nơi tổ chức các  hoạt động từ thiện như quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, người nghèo. Kết quả khảo nghiệm cho thấy khả năng ngoại cảm của con người là có thật, một số gia đình đã được “giao lưu” với hương linh tổ tiên và liệt sỹ. Nhiều gia đình đã được giải tỏa về tâm linh, tránh lầm lạc theo những điều mê tín dị đoan, tránh mất tiền bạc vô ích. Nhiều gia đình đã tìm được hài cốt của thân nhân là liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh.

Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Tiến Quý - Viện trưởng Viện khoa học hình sự cho biết thêm, việc tham gia của C21 vào Chương trình nghiên cứu khảo nghiệm khoa học về các khả năng đặc biệt của con người là có thật và đã được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo.

Từ nhiều năm nay, C21 đã cử cán bộ tham gia tổng hợp số liệu và phân tích để cùng khảo nghiệm các luận cứ khoa học nhằm phát hiện các khả năng đặc biệt của con người, có thể ứng dụng trong công tác kỹ thuật hình sự nói riêng và phòng chống tội phạm nói chung, cũng như phục vụ các lợi ích của cộng đồng.

Riêng trong lĩnh vực an ninh trật tự, theo các nhà khoa học và chuyên gia phòng chống tội phạm, hiện nay, trên thế giới, một số nước tiên tiến như Nga, Mỹ, Đức… cũng đã và đang tiến hành các chương trình nghiên cứu các khả năng đặc biệt của con người để ứng dụng trong công tác an ninh trật tự phòng chống tội phạm, đặc biệt trong khoa học hình sự.

Do vậy, việc nghiên cứu khảo nghiệm về các tiềm năng đặc biệt của con người là cần thiết. Tuy nhiên, những kết quả khảo nghiệm mới là bước đầu, cần được tiếp tục đánh giá khoa học một sâu sắc và lâu dài để có thể đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng phục vụ cho các ứng dụng về sau.

Đồng thời, cần có sự tham gia sâu rộng hơn nữa của các nhà khoa học thuộc các ngành, các cấp và những người có khả năng đặc biệt, đánh giá cần hết sức khoa học và quy trình tiến hành cần xác thực, sâu sát, mang tính khoa học hơn nữa.

Trong quá trình tiến hành cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và tiến hành theo đúng các quy trình khoa học, tránh sự biến tướng hoặc lệch hướng, tránh sa đà quá nhiều vào các hoạt động không đúng trọng tâm trọng điểm hoặc mê tín, dị đoan, làm sai lệch mục đích khoa học của khảo nghiệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày