Gieo yêu thương giữa đời

GN - Ngôi nhà nhỏ của anh Lộc tại phường 7, TP.Tân An (Long An) là nơi “thổi lửa” nấu cháo của nhóm Nghĩa tình yêu thương vào thứ Bảy hàng tuần. Họ, những anh công nhân, chú chạy xe ôm, cô bán vé số, thầy giáo trẻ tuổi, mỗi người có ngành nghề khác nhau, đều mang trên vai gánh nặng mưu sinh, nhưng có điểm chung ở tấm lòng nhân ái, muốn sẻ chia cho người khó khăn hơn mình.

Gói ghém chia sẻ yêu thương

Ngày cuối tuần, cứ đến 16g chiều là nhà anh Lộc bắt đầu nhộn nhịp tiếng nói cười của các anh, chị công nhân trong nhóm Nghĩa tình yêu thương. Vừa tan ca, họ chạy vội về ngôi nhà chung này phân công nhau công việc nấu cháo. Người nào đến trước thì nhóm bếp nấu nước, người rang gạo, người thì đi chợ mua nguyên liệu. Người đến sau thì lặt rau, gọt nấm, rau, củ, quả, cắt hành lá, xay tiêu..., mỗi người một tay, xắn tay áo lên cùng làm.

anhhh (1).JPG

Thành viên nhóm Nghĩa tình yêu thương nhiệt tình giúp đỡ người nghèo

Để nấu được nồi cháo phát đủ cho 400 người, chi phí dao động khoảng 1,5 triệu đồng. Thấy các thành viên nhắn trên Facebook mà thương: “Chân nấm đông cô 2kg, nấm đông cô 300g, nấm rơm 3kg, nấm bào ngư 3kg, gạo tấm 7kg, củ cải đỏ 5kg, trái xu xu 5kg, đậu que 2kg, bắp vàng 6kg, tàu hủ chiên 40 miếng, đường phèn 2kg, hạt nêm chay và bột ngọt 2,5kg, hộp nhựa 400 cái, đồ nêm gia vị các loại”.

Từ nguyên liệu đó, người thì hùn tiền mua nấm, người mua bột nêm, người gửi đến gạo tấm, người không có gì góp thì góp công. “Lạ, đâu ai quen ai đâu, đến đây nấu cháo thì quen nhau hết trọi. Người này nói chuyện với người kia, tay làm còn miệng thì nói chuyện với nhau, coi vậy mà vui”, một anh công nhân chia sẻ.

Với sự chung tay của hơn mười người, sau hai tiếng rưỡi đồng hồ, nồi cháo thơm phức được “ra lò”. Mọi người lại nhanh tay cho cháo ra hộp, rắc thêm chút tiêu, cho thêm hành lá, đậy lại cẩn thận rồi chất vào thùng, chuyển đến địa điểm tặng.

Tại 3 bệnh viện của tỉnh Long An: Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Lao, Bệnh viện Y học cổ truyền, cháo được tặng đến các cô chú cơ nhỡ, buôn bán vé số đêm khuya quanh công viên, quán ăn. Tất cả các công đoạn trao suất cháo đều thực hiện gấp rút, thời gian vận chuyển càng sớm thì cháo đến tay người nhận càng nóng, càng ngon.

Suốt một năm qua, dù ngày cuối tuần mưa hay nắng, những anh em trong nhóm “Nghĩa tình yêu thương” vẫn đều đặn thực hiện xuyên suốt nồi cháo từ thiện này. Hỏi lý do duy trì, thầy Huỳnh Tấn Phát, giáo viên Trường Tiểu học Bình An trải lòng: “Nồi cháo này không chỉ có ý nghĩa giúp người khó khăn hơn mình được ấm lòng, mà nó còn là cơ hội để bản thân mình làm việc gì đó có ích cho cuộc đời, nuôi dưỡng lòng từ, nên chúng mình giữ bếp luôn ấm. Dù là mình nghèo nhưng khi mình có cái để cho, góp một ít muối, một ít gạo hoặc góp công, giúp cho lòng mình rộng mở một chút, sống an vui thêm một chút”. 

Với ý nghĩa đó, mà Minh Hòa - học sinh lớp 12 cũng nhín thời gian, sắp xếp ổn thỏa việc học tập để tham gia nấu cháo cùng nhóm. Anh Lộc, chủ căn nhà nơi mọi người làm địa điểm nấu cháo cũng góp sức trên tinh thần chung tay sẻ chia: “Giúp được gì thì giúp, mình có gì thì góp đó. Như nước nấu cháo, rửa xoong nồi, rau củ là mình hùn. Nấu xong, có người dọn rửa thì thôi, còn không thì mình dọn. Vui vẻ mà”.

Anh Minh Luân, đầu bếp chính cho biết: “Đi chợ ai cho đồ hư chút đỉnh cũng không nhận vì sợ nấu không đảm bảo vệ sinh, tội người dùng. Mình nấu cho đàng hoàng, cho cũng đàng hoàng, của cho không bằng cách cho, không làm ẩu được”. Chính vì thế, nồi cháo của nhóm là gói trọn sự yêu thương, là tấm lòng và cái tâm của người hướng thiện.

Bàn tay nắm lấy bàn tay

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Long An, nghe có đoàn đến tặng suất cháo chay, cô Kim Lan, xã Mỹ Thạnh (Thủ Thừa) ra tận cửa đứng chờ. Cô mừng rỡ cho biết: “Có cháo chay đỡ lắm, bụng ưng đồ chay, dễ tiêu mà hợp với điều trị bệnh. Thứ Bảy nào cũng ngóng hết, chừa bụng từ chiều vì biết dù mưa thì mấy em vẫn đi tặng cháo”.

Chú Bảy, quê tỉnh Đồng Tháp đến nuôi vợ bệnh cho hay: “Có mấy đứa này đỡ lắm. Một cữ ăn ấm lòng một cữ, cháo ngon nên hễ lúc tặng người nào ngủ hay không có mặt là tui xin giùm luôn phần cho họ”. 

anhhh (2).JPG

Dù trời nắng hay mưa, thành viên nhóm mang từng suất cháo đến tặng cho bệnh nhân, người nghèo

Cháo được tặng từng phần, tặng tận tay cho người cần sử dụng. Ông Hải bán vé số vui mừng nói: “Phần cháo này bên ngoài mua phải 15 ngàn, mà nấu không ngon như mấy cháu này nấu. Quý lắm, bán hết xấp vé số này, 20g đêm ăn hộp cháo này về nhà ngủ ấm bụng. Một ngày dài, nhưng hôm nay bớt đi nỗi lo một chút. 15 ngàn mua được một ký gạo đó cháu”.

Tại cổng siêu thị tỉnh Long An, nhận được phần cháo, bà Huỳnh (từ Campuchia trở về) mở ra ăn ngay. Bà bảo: “Đói, ngày nay không ai cho gì, lượm ve chai cũng không được bao nhiêu. Tui đau bao tử, tui ăn xong là phải uống thuốc”. Chị Duệ cũng chung hoàn cảnh: “Mình cảm ơn mọi người cho cháo, con mình có cái ăn rồi. Sáng giờ xin chưa được mười ngàn, không mua được gì, con mình đói”.

Nhìn hình ảnh chị Duệ thổi vội từng muỗng cháo, đút vội cho thằng con, ánh mắt vui mừng chờ được ăn muỗng tiếp theo, trong cơn mưa lất phất, khoảnh khắc đó làm người ta nao lòng. “Lá lành đùm lá rách”, chiếc áo tơi cũng đỡ được hạt mưa dầm, hộp cháo đong đầy tình yêu thương đủ để người ta ấm bụng. Cái tình người nó ấm áp, xóa tan khoảng cách, đưa mọi người đến gần với nhau hơn.

Không chỉ góp tiền, góp công, chắt chiu cùng nhau nấu nồi cháo, mà thành viên của nhóm “Nghĩa tình yêu thương” có người còn hỗ trợ tiền hàng tháng đến người khó khăn. Như thầy giáo Huỳnh Tấn Phát hàng tháng đều gửi tiền trợ cấp cho người già neo đơn, bằng số tiền mà thầy làm thêm, đi cắm hoa cho các tiệc cưới, hỏi hoặc quý Sư cho chi phí đi xe khi thầy công quả hương đăng ngày lễ giúp chùa.

Nhắc đến thầy Phát là bà Nguyễn Thị Hai, 86 tuổi, khu phố Bình Cư 2 (P.6, TP.Tân An) mắt rưng rưng: “Thương nó. Ngày nào bốn thời niệm Phật tui cũng hồi hướng, cầu nguyện cho nó có sức khỏe, được bình an. Nghe nó đi đâu xa là tui lo, đường sá giờ nguy hiểm quá, đến lúc nó về tui mới an tâm”.

Khi hỏi bà, vì sao thương nhiều như vậy, bà Hai nhoẻn miệng cười hiền, từ tốn bảo: “Có gì là nó đem cho, có khi chai dầu gió, lúc thì thuốc đau nhức, kêu nó đi xin giùm cái áo quan chuẩn bị sẵn cho an tâm, nó cũng làm. Không họ hàng thân thích, nó thấy tui già cả, không con cái, nó thương. Tui cũng thương nó, thấy nó, biết nó bình an là lòng tui cũng hạnh phúc”.

Như lời thầy Phát trải lòng: “Khi mình còn có cái để cho, đó là hạnh phúc lớn. Không cho được nhiều, mình cho ít. Mình quan tâm đến mọi người, mọi người cũng quan tâm lại mình, yêu thương nhau để cuộc sống này ấm áp hơn, ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn”.

Tình yêu thương xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim, từ đó góp cho đời những bức tranh đẹp, rạng ngời sắc màu đến từ lòng nhân ái. Vì những điều tốt đẹp ấy, mà mỗi ngày thành viên của nhóm Nghĩa tình yêu thương chắt chiu, gầy dựng, nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu đó...   

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày