Trong tụ điểm, khu vui chơi giải trí điện tử có bắn cá, bắn bi, bắn người, bắt thú... Game linh hoạt trong các hình thức chơi: cá nhân hay nhóm. Game biến hóa trong các mức độ chơi: từ đơn giản đến phức tạp. Chính vì lẽ đó, game dễ dàng phổ biến khắp mọi nơi và thu hút mọi đối tượng: từ trẻ con đến người lớn tuổi.
Ảo giác từ game khiến một người có thể hành hung người khác - Tranh minh họa của HS NOP
Nếu chơi game với mục đích giải trí thì không có gì đáng nói. Nhưng mấy ai có thể kiểm soát và làm chủ bản thân khi đã trót đam mê một trò chơi nào đó? “Ma lực” của game nằm ở tính “thắng - thua”. Khi thắng thì phấn chấn, đắc ý và muốn tiếp tục chinh phục trò chơi. Khi thua thì cáu gắt, sân si và cũng muốn tiếp tục chơi để “gỡ”. Người chơi có thể mua “gold” bằng thẻ cào điện thoại, cũng có thể chuyển khoản, có thể mua xu cũng có thể mua card để cà vào máy chơi game điện tử. Thế nên, một khi đã nghiện game rồi thì thật khó dứt ra và khi đã chơi hết tiền thì rất có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.
Trong vòng một năm nay, có hàng chục vụ thảm sát tàn khốc do chính con nghiện giết chết người thân trong gia đình mình. Điều đáng nói là hung thủ ấy đều thuộc thế hệ 9x. Động cơ bên ngoài khiến con nghiện có thể từ nhút nhát trở thành tên sát thủ máu lạnh đó là do muốn có tiền để thỏa mãn “cơn khát” chơi game. Nhưng động cơ sâu xa chính là khả năng mất kiểm soát, mất lý trí của não bộ cùng với trạng thái “vô cảm” của con nghiện. Ấy là những trường hợp nghiện nặng. Thế còn nghiện nhẹ thì sao?
Tôi từng chứng kiến nhiều bạn trẻ vì mê game mà trượt tốt nghiệp phổ thông và đại học. Cũng có nhiều bạn mất người yêu, mất bạn bè chỉ vì mê game mà không dành thời gian để chăm sóc họ. Hơn thế nữa, có những bạn trí thức bằng cấp đầy đủ, công việc ổn định nhưng vì mê game mà buộc phải thôi việc. Thậm chí, có nhiều gia đình phải ly hôn nhau vì người chồng nghiện “Võ lâm truyền kỳ” mà quên đi bổn phận làm chồng, làm cha…
Tôi từng là một người nghiện game nên tôi hiểu những mất mát, tổn thất mà mình đã gây ra trong suốt thời gian mê muội đó. Học hành không như mong muốn, gia đình xào xáo, công việc bất ổn, bạn bè xa lánh... Tôi cũng nhiều lần muốn từ bỏ thú vui chơi “cờ tướng online” của mình nhưng đều thất bại. Mỗi lần ngồi vào máy, định làm một việc gì đó thì ý nghĩ “chơi game giải trí vài phút” lập tức nổi lên và tôi lại không làm chủ được bản thân mình. Tôi sa lầy cũng từ việc nghiện game. Rồi một ngày, khi tôi chợt nhận ra, mọi thứ tưởng như thân thuộc nhất với mình cũng rời bỏ tôi mà đi. Tôi tỉnh ngộ và quyết tâm “cai nghiện”. Tôi đặt ra mục tiêu phấn đấu trong tương lai của mình rồi sau đó vạch ra thời gian biểu với chi chít công việc, để không có khoảng thời gian trống nào cho tôi nghĩ đến game nữa. Sau đó, tôi đã thành công.
Qua đây, tôi xin chia sẻ với bạn đọc về vài kinh nghiệm cai nghiện game của mình. Trước tiên, hãy nghĩ đến người thân. Hình ảnh lam lũ cực nhọc của cha, sự vất vả của mẹ và tình thương vô điều kiện mà cha mẹ dành cho ta từ khi mới lọt lòng cho đến lúc trưởng thành sẽ giúp bạn có động lực để đặt ra những mục tiêu tiếp theo sau này: sống vì người khác chứ không phải vì bản thân. Sau đó, hãy vạch ra kế hoạch phấn đấu trong tương lai: chẳng hạn như học ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài, học kỹ năng mềm để biết các thủ thuật trong sắp xếp công việc hoặc ứng xử với mọi người. Hoặc có thể học một ngành nghề nào đó để sau này có được việc làm như mong muốn...
Lập thời gian biểu cá nhân. Thời gian biểu càng cụ thể, chi tiết bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Tất nhiên, trong thời gian biểu tuyệt nhiên không có phần “chơi game”. Thế nhưng, trong thời gian biểu sẽ có khoảng thời gian ngắn để giải lao, bạn cần ghi rõ là “đọc sách” hay “đọc truyện cười” nào chứ không nên ghi chung chung “giải lao”. Vì ghi như thế, rất có thể bạn sẽ lại không làm chủ bản thân và lại tiếp tục chơi game. Bước kế tiếp là thực hiện theo đúng như thời gian biểu.
* Xem thêm: