GN - Một trong những ý nghĩa của danh hiệu A-la-hán là Sát tặc, tức giết giặc phiền não. Vị Tỳ-kheo cũng như một chiến sĩ, ngày đêm chiến đấu với giặc tham sân si cho đến ngày chiến thắng. Giết hết nội ma, hóa giải hết ngoại chướng thì quả Ứng cúng-Bất sanh thành tựu.
Ở pháp thoại này, Thế Tôn chưa đề cập đến phương diện giải thoát tối hậu mà chỉ nói về lợi ích của việc đoạn diệt sân hận, một liệu pháp cho giấc ngủ bình an, khiến cho cuộc sống tràn đầy hỷ lạc.
Nếu biết tu tập thì tâm từ ngày càng lớn mạnh
Những ai từng bị sân hận nung nấu tâm can, trải qua thời gian dài mất ăn bỏ ngủ mới thấy rõ rằng “sân nhuế là gốc độc”. Sân hận như một ung nhọt, khi đã mưng mủ liền gây nhức nhối. Phải nhổ cái gốc độc ấy ra khỏi cơ thể mới có được bình an, ăn ngon và ngủ yên. Người nào giết được sân nhuế, dập tắt lửa nóng giận được Thế Tôn tán thán.
“Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Ma-già dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử Ma-già nói kệ hỏi Phật:
Giết gì được ngủ yên?
Giết gì được hỷ lạc?
Giết những hạng người nào,
Được Cù-đàm tán thán?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu giết hại sân nhuế,
Giấc ngủ được an ổn.
Sự giết hại sân nhuế,
Khiến người được hỷ lạc.
Sân nhuế là gốc độc,
Ta khen người giết được.
Giết sân nhuế kia rồi,
Đêm dài không lo lắng.
Sau khi Thiên tử Ma-già nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1309)
Việc tu tập của mỗi người không ngoài mục đích chuyển hóa chính mình. Trong ba phiền não căn bản, vô minh (si) thì tiềm ẩn khó thấy và khó diệt, yêu thích (tham) thì liên tục hiện hữu nên thật khó ngăn, nóng giận (sân) thì ít xuất hiện nhưng hậu quả khó lường. Tuy vậy, nóng giận dễ nhìn thấy hơn và chuyển hóa cũng dễ hơn so với tham, si.
Để trị liệu nóng giận của tự thân, trước hết mỗi người cần tu tập chánh niệm, rõ biết thân tâm của mình trong mỗi phút giây ngay đương tại, bây giờ và ở đây. Cơn giận không khác mấy những cơn sóng biển bạc đầu. Nó có cả một chu trình sinh khởi, hình thành và đoạn diệt. Người có chánh niệm sẽ thấy cơn giận đang hình thành trong tâm, bắt đầu lớn dần cho đến khi bùng nổ. Khi cơn giận mới manh nha, còn yếu ớt thì ta có thể chuyển hóa dễ dàng. Giống như chữa bệnh, không để bệnh vào giai đoạn cuối, cũng vậy trị liệu cơn giận khi mới bắt đầu khá nhàn, điều quan trọng là thấy được nó khi còn trong trứng nước.
Kế đến cần nuôi dưỡng lòng từ để tưới tẩm sân hận, dập tắt não phiền. Tâm yêu thương rộng lớn, tha thứ và bao dung vốn có sẵn nơi mỗi người. Nếu biết tu tập thì tâm từ ngày càng lớn mạnh. Khi phát hiện ra cơn giận, lấy nước từ bi để chữa cháy dập tắt lửa sân. Nếu ta phát hiện một đám cháy nhỏ mà không có phương tiện để dập lửa thì họa cháy to là không thể tránh. Cũng vậy, nếu có thể thấy được sự nóng giận đang hình thành mà chuyển hóa không được thì họa nóng giận lôi đình ắt sẽ xảy ra. Nên phải trau dồi từ bi để tâm luôn mát mẻ và khi cần dùng từ bi tưới tắt sân hận.
Người mà tâm ít nóng nảy, giận hờn thì rất dễ ngủ, ít gặp ác mộng, nhờ ngủ ngon nên tinh thần sảng khoái, sức khỏe dồi dào. Người nào nhổ được gốc rễ sân hận thì đời sống luôn hỷ lạc, được Thế Tôn khen ngợi