Giới thiệu tóm lược luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa

NSGN - Hòa thượng Tuệ Sỹ trong sách Tăng nhất A-hàm - Tổng mục lục đã ghi nhận tổng quát về hai bộ luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa Du-già sư địa như sau: “Các bộ phái phát triển về sau tiếp tục xây dựng giáo nghĩa cho bộ phái của mình cũng đều dựa trên ba bộ phận uẩn-xứ-giới ấy. Cho đến các nhà Du-già hành (Yogācārin) sau này cũng vậy. So sánh hệ thống giáo nghĩa được phô diễn trong luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa và luận Du-già sư địa sẽ thấy rõ điều này. Đây có thể nói là hai bộ bách khoa toàn thư của hai trường phái Phật giáo khác nhau, trong đó mỗi bên đều nỗ lực y trên Phật ngôn để khám phá toàn bộ bản chất và ý nghĩa tồn tại của nhân sinh cùng thế giới”.

(Tuệ Sĩ, Tăng nhất A-hàm - Tổng mục lục. NXB.Phương Đông, 2011, tr.15).

Về luận Du-già sư địa đã được Việt dịch và xuất bản, chúng tôi đã có bài viết giới thiệu tóm lược (Nguyệt san Giác Ngộ số 213, tháng 12, năm 2013). Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt về nội dung của luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa, cũng đã được Việt dịch và vừa được xuất bản (NXB. Hồng Đức. Trọn bộ gồm 8 tập).

luan-a-ty-dat-ma-bia-2.jpg

Luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa (Abhidharma - mahavibhāsā - sàstra) là bộ luận đồ sộ nhất hiện có trong Hán tạng (ảnh). Tác giả của luận là Tôn giả Thế Hữu và 500 vị Đại A-la-hán. Nói rõ hơn, luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa là một bộ luận thích. 500 vị Đại A-la-hán, dưới sự chỉ đạo của Tôn giả Thế Hữu (Vasumitra), trải qua 12 năm, đã chú giải quảng diễn bộ luận A-tỳ-đạt-ma Phát trí của Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử (Kātyāyaniputra) một Đại Luận sư kiệt xuất của phái Hữu bộ, sống vào khoảng 300 năm sau Phật diệt độ (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N0 1544, Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch, 20 quyển). Tôn giả Thế Hữu biên tập, tổng duyệt, để thành luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa, được xem là thành quả tiêu biểu của lần kết tập kinh điển thứ tư - theo Phật giáo Bắc truyền, tổ chức tại nước Ca-thấp-di-la, do vua Ca Nị Sắc Ca bảo trợ, vào khoảng 400 năm sau Phật diệt độ.

Luận này có 2 bản Hán dịch:

* Bản 1 (dịch trước): Do hai Đại sư Phù Đà Bạt Ma (Budhavarman, thế kỷ V TL) và Đạo Thái (thế kỷ V TL) Hán dịch, vào khoảng năm 437 - 439 TL đời Bắc Lương (397-439), mang tên luận A-tỳ-đàm-tỳ-bà-sa, gồm 100 quyển (hoặc 110 quyển), do binh lửa nên hiện chỉ còn 60 quyển đầu (ĐTK/ĐCTT, Tập 28, N0 1546, trang 1 - 414C).

* Bản 2 (Dịch sau): Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (602-664) mang tên luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa, gồm 200 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 27, N0 1545, trang 1 - 1004A). Luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa này, ngoại trừ chương mở đầu (quyển 1) ghi nhận một số vấn đề tổng quát có tính dẫn nhập (Tác giả luận bản. Phương thức tạo luận. Đặc điểm của ba tạng, làm rõ về tạng A-tỳ-đạt-ma. Nêu tóm tắt về luận A-tỳ-đạt-ma phát trí), phần còn lại, tức từ quyển thứ 2 đến quyển thứ 200, là căn cứ theo thứ lớp nơi nội dung của luận gốc (luận A-tỳ-đạt-ma phát trí) gồm 8 uẩn, 44 phẩm để chú giải, bàn rộng.

8 uẩn với 44 phẩm nơi luận gốc là:

- Tạp uẩn: gồm 8 phẩm: Pháp thế đệ nhất; Trí; Bổ-đặc-già-la; Ái kính; Không hổ; Tướng; Vô nghĩa; Tư.

- Kiết uẩn: gồm 4 phẩm: Bất thiện; Nhất hành; Hữu tình; Mười môn.

- Trí uẩn: gồm 5 phẩm: Học chi; Năm chủng; Tha tâm trí; Tu trí; Bảy thánh.

- Nghiệp uẩn: gồm 5 phẩm: Ác hành; Tà ngữ; Hại sinh; Biểu - Vô biểu; Tự nghiệp.

- Đại chủng uẩn: gồm 4 phẩm: Đại tạo; Duyên; Thấy biết đủ; Chấp thọ.

- Căn uẩn: gồm 7 phẩm: Căn; Hữu; Xúc; Đẳng tâm; Nhất tâm; Ngư; Nhân duyên.

- Định uẩn: gồm 5 phẩm: Đắc; Duyên; Gồm thâu; Bất hoàn; Nhất hành.

- Kiến uẩn: gồm 6 phẩm: Niệm trụ; Ba hữu; Tưởng; Trí; Kiến; Già-tha. (Chỉ chú giải quảng diễn 43 phẩm. Không chú giải phẩm sau cùng là phẩm Già-tha (kệ) vì cho là ý nghĩa đã hiển bày, dễ lãnh hội).

Không chỉ chú giải hết sức chi tiết, quảng diễn hết sức bao quát, luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa còn dành nhiều công sức để nêu dẫn, biện chính, đả phá về khá nhiều luận điểm - phần lớn là thuộc lãnh vực nhận thức của các học phái thuộc nội đạo, cùng một số luận điểm sai trái của ngoại đạo. Tất nhiên, những biện chính ở đây đều theo quan điểm của Hữu bộ. Và như thế là luận này đã vượt quá nội dung của luận thích, trở thành một bộ luận tổng hợp mang tính tập đại thành cho giáo lý của Phật giáo bộ phái ở Ấn Độ diễn tiến qua hàng mấy thế kỷ.

Chúng tôi xin nêu dẫn vắn tắt về một phần nội dung của uẩn thứ 2 (Kiết uẩn) để người đọc thấy được phần nào tính chất Đại-tỳ-bà-sa (*) của Luận.

Chương Kiết uẩn này tuy chỉ có 4 phẩm, là một trong 2 chương có số phẩm ít nhất, nhưng lại là chương được biện giải quảng diễn có số lượng quyển nhiều nhất (từ quyển 46 đến quyển 92 = 47 quyển. Trong ấy, phẩm 4: Bàn về mười môn, gồm đến 22 phần = 22 quyển, là phẩm dài nhất của luận).

Phẩm 1:

Bàn về bất thiện: phân làm 10 phần (từ quyển 46 đến quyển 55): Lần lượt biện giải về:

* Vì sao 5 kiết và 98 tùy miên (bản dịch trước dịch là sử) không do khế kinh nói nhưng vẫn được nêu dẫn quảng diễn?

* Biện giải về ba kiết (kiết hữu thân kiến; kiết giới cấm thủ; kiết nghi).

* Ba căn bất thiện (căn bất thiện tham, sân, si).

* Ba lậu (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu).

* Bốn bộc lưu (bộc lưu dục, bộc lưu hữu, bộc lưu kiến, bộc lưu vô minh).

* Bốn ách (ách dục, ách hữu, ách kiến, ách vô minh). Sự sai biệt giữa bộc lưu và ách.

* Bốn thủ (dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ).

* Bốn sự trói buộc thân (trói buộc thân do tham, do sân, do giới cấm thủ, do chấp cho đấy là thật).

* Năm cái (tham dục, giận dữ, hôn trầm - thùy miên, trạo cử - ố tác, nghi).

* Năm kiết (kiết tham, sân, mạn, tật: ganh ghét, xan: keo kiệt).

* Năm kiết thuận phần dưới (tham dục, giận dữ, hữu thân kiến, giới cấm thủ, nghi).

* Năm kiết thuận phần trên (sắc tham, vô sắc tham, trạo cử, mạn, vô minh).

* Năm kiến (hữu thân kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thú).

* Bảy tùy miên (dục tham, giận dữ, hữu tham, mạn, vô minh, kiến, nghi).

* Chín kiết (ái, sân, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật, xan).

* 98 tùy miên: Căn cứ theo hành tướng, cõi, bộ có khác nhau nên từ bảy tùy miên đã lập thành 98 tùy miên (cõi Dục: 36. Cõi Sắc: 31. Cõi Vô sắc: 31).

* Ba kiết cho đến 98 tùy miên: Bao nhiêu thứ là bất thiện? Vô ký? Bao nhiêu thứ là có dị thục (quả báo), không có dị thục? Bao nhiêu thứ do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn? Bao nhiêu thứ do kiến khổ đoạn? Cho đến bao nhiêu thứ do tu đạo đoạn? Bao nhiêu thứ là kiến, không phải là kiến? Bao nhiêu thứ có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, không tầm không tứ? Bao nhiêu thứ tương ưng với lạc căn, khổ căn, ưu căn, hỷ căn, xả căn? Bao nhiêu thứ thuộc cõi Dục, thuộc cõi Sắc, thuộc cõi Vô sắc?...

* Biện giải về năm loại Bổ-đặc-già-la (tùy tín hành, tùy pháp hành, tín thắng giải, kiến chí).

* Thế nào là Bổ-đặc-già-la tuệ giải thoát, câu giải thoát?

* Hữu thân kiến cùng với hữu thân kiến làm bao nhiêu duyên? Hữu thân kiến cùng với giới cấm thủ, cho đến tùy miên vô minh của cõi Vô sắc do tu đạo đoạn làm bao nhiêu duyên?

Phẩm 2:

Bàn về nhất hành: phân làm 8 phần (từ quyển 56 đến hơn ½ quyển 63), lần lượt biện giải về:

* Nêu dẫn năm thứ sự việc; * Nếu đối với sự việc này có kiết ái trói buộc thì cũng có kiết giận trói buộc chăng?; * Nếu đối với sự việc này có kiết ái trói buộc thì cũng có kiết mạn trói buộc chăng?; * Nếu đối với sự việc này có kiết ái trói buộc thì cũng có kiết vô minh trói buộc chăng?; * Nếu đối với sự việc này có kiết ái trói buộc thì cũng có kiết kiến trói buộc chăng?; * Nếu đối với sự việc này có kiết ái trói buộc thì cũng có kiết thủ trói buộc chăng?; * Nếu đối với sự việc này có kiết ái trói buộc thì cũng có kiết tật trói buộc chăng?; * Đối với tám kiết còn lại trong chín kiết, tùy theo sự liên hệ của chúng, cũng nêu lên các câu hỏi như trước để biện giải.

* Lại biện về kiết ái nơi ba đời trói buộc, liên hệ với các thứ kiết kia, cũng trong ba đời đã trói buộc.

* Ba kiết cho đến 98 tùy miên, ở trong 98 tùy miên, mỗi mỗi kiết gồm thâu bao nhiêu tùy miên?

* Ba kiết cho đến 98 tùy miên: là trước gồm thâu sau hay sau gồm thâu trước?

* Ba kiết cho đến 98 tùy miên, có bao nhiêu thứ khiến cho dục hữu nối tiếp nhau? Bao nhiêu thứ khiến cho sắc hữu, vô sắc hữu cùng nối tiếp?

* Nêu dẫn về bảy hữu. Biện giải về hữu.

* Ba kiết cho đến 98 tùy miên dựa vào định nào diệt? Các kiết quá khứ vị lai hiện tại: Các kiết ấy là đã trói buộc, sẽ trói buộc và hiện đang trói buộc chăng?

* Vì phiền não hiện tiền nên thoái chuyển, hay vì thoái chuyển rồi phiền não mới hiện tiền?

* Có ba thứ thoái chuyển (đã được thoái chuyển, chưa được thoái chuyển, thọ dụng thoái chuyển).

* Ở nơi xứ nào có thoái chuyển?

* Biện giải về sáu hạng A-la-hán (Pháp thoái, Pháp tư, Pháp hộ, Pháp trụ, Pháp gắng đạt, Pháp bất động).

* Biện giải về chín thứ nhận biết khắp.

* Chín thứ nhận biết khắp như thế, những vị nào đạt được, đạt được bao nhiêu?

* Nêu dẫn, biện giải về tám loại Bổ-đặc-già-la (Hướng - quả Dự lưu; Hướng - quả Nhất lai; Hướng - quả Bất hoàn; Hướng - quả A-la-hán).

* Tám Bổ-đặc-già-la này đối với chín thứ nhận biết khắp, có bao nhiêu thứ thành tựu, không thành tựu? v.v…

Nói chung, nơi các chương (uẩn) còn lại, tùy theo các chi tiết chính cùng liên hệ nơi nội dung, thảy đều được giải thích quảng diễn hết sức bao quát như thế. Ngoài ra, một số vấn đề phải nói là rất đáng chú ý cũng được luận đề cập đến như:

* Nói về nhân vật Đại Thiên cùng Năm sự việc của Đại Thiên.

* Nói về Bồ-tát và đề cao vị thế của hạnh Bồ-tát.

* Nói nhiều về tâm, tâm sở, về tính chất vương của tâm (Tâm vương), tính chất đại địa của tâm (Tâm địa), nói về A-lại-da

Những vấn đề này nên được bàn rộng nơi một bài viết khác(**).

Đào Nguyên

____________________________

(*) Tỳ-bà-sa: Phạn ngữ là Vibhāsā, dịch ý là giải thích rộng, thuyết minh rộng. Đại Tỳ-bà-sa: tức sự giải thích quảng diễn ở đây là vô cùng chi tiết, vô cùng rộng khắp. Học giả Kimura Taiken, trong sách Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận I đã gọi là “Chư môn phân biệt” nghĩa là đứng trên nhiều lập trường khác nhau để luận cứu về tính chất của vạn pháp (Sđd, Thích Quảng Độ dịch, Tu thư Đại học Vạn Hạnh xb, S, 1970, tr.21 – 51).

(**) Xem hai bài viết của Đào Nguyên: Từ Luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa đến Phật giáo Đại thừa; Từ 75 pháp đến 100 pháp - Nguyệt san Giác Ngộ số 217, 218, tháng 4, 5-2014.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.
Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày