Giữ lễ cho hội

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa lễ hội, thì hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người chen chúc đổ xô về nơi hành lễ. Tình trạng tập trung đông người trong một không gian nhỏ hẹp tự nhiên dẫn đến nhiều thứ hệ luỵ tiêu cực: sự chen lấn, giành giật từ khoảng trống, tiện nghi cho đến các cơ hội, ân sủng; trộm cắp, giựt dọc, lừa đảo có điều kiện tung hoành như cá gặp nước. Ngoài ra, do cầu vượt xa cung một cách đột biến, giá các loại dịch vụ tại chỗ tự nhiên được đẩy lên trời và người cung ứng dịch vụ, chứ không phải khách hàng, trở thành thượng đế với kiểu phục vụ đặc trưng bằng thái độ trịch thượng, bất cần.

Dù hiểu được điều này, biết được rủi ro có thể đương đầu, người ta vẫn tìm đến, vẫn dấn thân vào chốn ấy. Các phương tiện truyền thông không ngừng lên tiếng cảnh báo; nhưng rồi sự việc vẫn đâu vào đó, nếu không muốn nói là tệ hơn theo thời gian.

Vấn đề, suy cho cùng, không phải là làm thế nào để người ta không lui tới các nơi diễn ra lễ hội hoặc đến ít hơn, nhất là các lễ hội mang ít nhiều ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng, thậm chí... mê tín. Nhu cầu tìm kiếm chỗ dựa tinh thần cho cuộc sống trần tục là một hiện thực và những nơi được cho là linh thiêng thường có sức hấp dẫn của một địa điểm hành hương, chiêm nghiệm. Sức hấp dẫn được lan truyền theo lời đồn có tác dụng thu hút con người ta đến những nơi đó, với số lượng ngày càng đông.

Trước sự "tăng trưởng" tự nhiên của nhu cầu ấy và trong điều kiện nhu cầu không có gì trái với luật pháp, đạo đức, xã hội, nhà chức trách công chỉ có mỗi sự lựa chọn về thái độ ứng xử tích cực; đó là phải tổ chức việc đáp ứng, thoả mãn nhu cầu một cách hợp lý; phải có biện pháp thích hợp để bảo đảm cho các lễ hội được tiến hành suôn sẻ, an toàn, có trật tự và vui vẻ.

10trayhoi4757fa_1328259847_jpg.jpg

Thực ra, trật tự có thể hình thành và được duy trì mà không cần vai trò của nhà chức trách, nếu  lễ hội chỉ thu hút một nhóm nhỏ gồm những người có cùng tín ngưỡng và đến nơi hành lễ với lòng thành. Nhưng một khi hội hè mang tính đại chúng cao, số người tham dự quá đông và thuộc nhiều thành phần xã hội khác biệt, sự can thiệp tích cực, chủ động của người quản lý là cần thiết, bắt buộc để ngăn ngừa, khống chế sự hỗn loạn vốn luôn nẩy mầm một cách tự nhiên trong những cộng đồng tự phát và đa tạp. Không biết từ lúc nào, giữ gìn, bảo đảm trật tự, an toàn trong lễ hội trở thành bài toán nhức óc đối với nhà chức trách.

Kinh nghiệm của những người tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ ở TPHCM, trong chừng mực nào đó, có thể được phân tích và vận dụng cho việc giải quyết bài toán này. Với một lực lượng trật tự viên đông đảo, gồm phần lớn là những người làm việc không chuyên, nhưng được huấn luyện chu đáo và sự hỗ trợ của hệ thống camera, nói chung, các thiết bị kiểm soát, theo dõi hiện đại, đường hoa đã vận hành trơn tru cho đến ngày đóng cửa, dù lượng khách tham quan gia tăng hàng năm và đã lên tới con số triệu trong năm nay.

le-hoi-den-tran-t16112_1328259854_jpg.jpg

Tất nhiên, để có được điều này, ngoài sự mẫn cán, hiệu quả của người tổ chức, bản thân người đi lễ hội cũng phải có sự hợp tác bằng thái độ ứng xử văn minh thích hợp: phải tuân thủ sự chỉ dẫn của trật tự viên; biết xếp hàng khi đi qua không gian hẹp; thân thiện, cởi mở trong giao tiếp. Ở đường hoa Nguyễn Huệ, có thể ghi nhận thái độ đó trước hết trong từng thành viên của hệ thống quản lý. Nó trở thành chất xúc tác kích thích nhận thức ở mỗi người đến tham quan về sự cần thiết gìn giữ không gian giao tiếp công cộng bình yên, trong lành, để mỗi người có điều kiện thưởng ngoạn và vui chơi thoải mái.

Rốt cuộc, công thức quản lý lễ hội không quá phức tạp và không khó để áp dụng: bộ máy quản lý phải có đủ trang thiết bị và số nhân viên cần thiết để gìn giữ trật tự; các nhân viên ấy phải vừa mẫn cán, tận tuỵ với công việc, vừa đảm nhận tốt và nghiêm túc vai trò tạo khuôn mẫu ứng xử trong giao tiếp công cộng, để mọi người bắt chước làm theo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày